Anh Thống trình bày: Ngày 24.5, anh đưa vợ là chị Kiều vào nhập viện tại Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau chờ sinh con thứ hai. Đến 20 giờ cùng ngày, chị Kiều được chỉ định mổ.
Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, nơi người nhà cho rằng bác sĩ tắc trách dẫn đến cái chết của con mình.
"Ca mổ thành công, bé trai con tôi có cân nặng 3,5 kg. Điều lạ là khi mổ xong, sức khỏe con tôi bình thường, nhưng bác sĩ chỉ định đưa vào khoa Cấp cứu sơ sinh chăm sóc. Tại đây, con tôi được sưởi ấm, cho thở ôxy. Sau đó, con tôi được chuyển về phòng, bé bắt đầu khóc, tôi và người nhà đến phòng bác sĩ trực báo tình hình của bé, nhưng bác sĩ trực khi đó là bác sĩ Ấu không đến xem mà nói với tôi và người nhà "cứ để cho nó khóc, đừng dỗ nó, đừng làm gì hết". Tin lời bác sĩ, tôi đã làm theo, nhưng sau đó con tôi ngày càng có biểu hiện lạ, tôi chạy đến gọi bác sĩ Ấu nhiều lần nhưng không ai quan tâm", anh Thống nói trong bức xúc.
Cũng theo anh Thống, sau đó bé khóc nhiều hơn và có biểu hiện mệt, anh lại chạy đi gọi bác sĩ Ấu. Đến lúc này, bác sĩ Ấu mới đến xem và cho chuyển qua phòng chăm sóc đặc biệt, cho thở ôxy và truyền nước biển. Khoảng 22 giờ thì con anh được đưa đi chụp X – quang.
“Lúc này tôi hỏi bác sĩ Ấu con tôi bị gì thì bác sĩ nói bé bị sưng phổi và suy hô hấp. Nhưng đến khoảng 4 giờ sáng ngày 25.5, con tôi tiếp tục khóc lớn như lúc đầu, lúc đó thấy chai nước biển không còn chảy, tôi đến phòng trực bác sĩ Ấu kêu, nhưng khoảng 20 phút sau mới có người đến. Thấy vậy, tôi hỏi nước biển ngừng chảy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé không, họ không giải thích mà còn nạt nộ lại tôi”, anh Thống kể.
Đến 7 giờ sáng 25.5 bé càng kiệt sức, lúc đó bác sĩ mới đến khám lại và thông báo cho người nhà làm thủ tục chuyển lên tuyến trên để điều trị. “Đến khoảng 9 giờ, bác sĩ hội chẩn rồi thông báo cho tôi biết là bé bị bệnh màng trong, sức khỏe không thể đảm bảo, chỉ còn từ 10 - 20% cơ hội sống. Nghĩ “còn nước còn tát” nên gia đình tôi đồng ý chuyển lên tuyến trên, nhưng đi đến Sóc Trăng thì con tôi chết”, anh Thống nói trong nước mắt.
Vợ chồng anh Thống và người nhà cho rằng các bác sĩ trong êkíp trực đêm 24.5 đã không làm hết trách nhiệm, không chịu đến thăm khám khi gia đình trình báo sức khỏe của bé có vấn đề nên khi phát hiện bệnh diễn biến nặng thì đã quá muộn.
“Sau cái chết của con, vợ chồng tôi rất đau đớn, nhưng để những đứa trẻ sinh sau tại bệnh viện này được chăm sóc tốt hơn, tôi đã làm đơn gửi bệnh viện, Sở Y tế Cà Mau… yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bé, cũng như xử lý trách nhiệm của bác sĩ tắc trách. Nhưng đến nay không đơn vị nào trả lời”, anh Thống nói.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đặng Bé Nam – Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau nói: “Đây là ca mổ bắt con, đau vết mổ cũ, trong quá trình mổ không có chậm trễ. Sau khi mổ tốt, nhưng khoảng thời gian sau thì có biểu hiện suy hô hấp nhẹ, bác sĩ theo dõi tiên lượng có vấn đề, nhưng chưa phải là nặng. Tuy nhiên, sau khi chụp X – quang thì bác sĩ phát hiện bé bị suy hô hấp do bệnh lý màng trong (độ 1, độ 2), theo dõi tim bẩm sinh. Các bác sĩ đã điều trị đúng phác đồ, nhưng do diễn biến quá nhanh, trong khi tiên lượng của bác sĩ không đến nỗi nặng”.
Cũng theo bà Nam, trước khi quyết định cho chuyển đi, bệnh viện có hội chẩn, giải thích lý do chuyển, người nhà đồng ý ký vào biên bản chuyển. Nhưng sau khi hội chẩn thì bé mệt nặng, bệnh viện để lại cấp cứu cho sức khỏe bé ổn định mới chuyển, nhưng bé đã chết trên đường đi.
Còn đối với thái độ bác sĩ, nhân viên theo gia đình anh Thống phản ánh, bà Nam cho rằng do trực đêm mệt nên họ không được vui (!). Bà Nam cũng cho biết đã có báo cáo gửi Sở Y tế Cà Mau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.