Trên chiếc ghe lênh đênh trên sông ở Hậu Giang, nghe chát, bụp tiếng đe búa, thấy bếp than đỏ rực

Thúy Vy Thứ bảy, ngày 17/02/2024 10:30 AM (GMT+7)
Ở tỉnh Hậu Giang, có một chiếc ghe lò rèn lênh đênh sông nước hàng chục năm nay. Dù bây giờ nghề rèn không còn hưng thịnh như xưa nhưng còn đó những con người kiên trì, cần cù ngày đêm giữ cho lò rèn quanh năm vẫn luôn đỏ lửa.
Bình luận 0

Lò rèn đỏ lửa trên sông

Đâu đó trên cung đường về Hậu Giang, thi thoảng lại nghe thấy tiếng rao quen thuộc: "Lò rèn Hoàng Phúc, chui rèn dao búa cũ, bán dao búa mới đây cô bác ơi…" từ chiếc ghe lò rèn lênh đênh trên dòng sông, len lỏi vào muôn nẻo đường quê. Chiếc ghe lò rèn Hoàng Phúc vừa là phương tiện mưu sinh, vừa là nhà ở của thợ rèn Đỗ Văn Phúc hàng chục năm nay.

Trên chiếc ghe lênh đênh trên sông ở Hậu Giang, nghe chát, bụp tiếng đe búa, thấy bếp than đỏ rực- Ảnh 1.

Chiếc ghe lò rèn Hoàng Phúc rong ruổi từ con sông này đến con sông khác. Ảnh: PV

Sinh ra trong khu xóm lò rèn ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), ông Phúc từ nhỏ đã bắt đầu tiếp xúc, làm quen với nghề rèn. Dù bây giờ đã hơn 40 tuổi, nhưng ông vẫn đam mê với nghề, quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống của ông cha để lại.

Nhớ về những ngày đầu theo nghề, ông Phúc bồi hồi kể: "Ngày xưa, khu xóm nhộn nhịp khách hàng, đâu đâu cũng nghe tiếng quai búa đập, tiếng sắt ma sát với đá mài kêu ren rét. Nhưng giờ đây, xã hội ngày càng hiện đại, khách hàng cũng thưa thớt dần. Để giữ nghề, tôi quyết định mang lò rèn xuống sông tìm khách hàng khắp mọi nơi".

Trên chiếc ghe lênh đênh trên sông ở Hậu Giang, nghe chát, bụp tiếng đe búa, thấy bếp than đỏ rực- Ảnh 2.

Nghề thợ rèn rất vất vả bởi bụi bặm và nóng bức, nhưng ông Đỗ Văn Phúc vẫn đam mê và tâm huyết giữ nghề. Ảnh: PV

Chiếc ghe sắt của ông Phúc ngày đêm vẫn luôn đỏ lửa, len lỏi khắp các miền nông thôn từ Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, nơi nào có kênh rạch là nơi đó có chiếc ghe lò rèn của ông xuất hiện. Theo ông Phúc, nghề rèn kiếm nhiều tiền nhưng bù lại chi phí mướn thợ, tiền dầu, than, điện khá nhiều nên đành "lấy công làm lời". Một chuyến đi khoảng 20 ngày, thu nhập cũng được khoảng 15 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Để làm ra một cây dao sắc bén thì người thợ phải trải qua nhiều công đoạn vô cùng vất vả và tất nhiên cũng có bí quyết riêng. Việc chui một cây dao trở nên sắc bén đòi hỏi người thợ phải có kĩ thuật cao, phải biết chọn sắt, thép, điều chỉnh độ lửa phù hợp.

Trên chiếc ghe lênh đênh trên sông ở Hậu Giang, nghe chát, bụp tiếng đe búa, thấy bếp than đỏ rực- Ảnh 3.

Ông Phúc đang miệt mài "tôi thép", tạo hình một con dao sắc bén. Ảnh: PV

Ban đầu là cắt sắt từ một thanh sắc dài rồi nung chín và dát mỏng, đồng thời uốn, nén cho khối kim loại thành hình con dao và đưa ra cho người thợ phụ mài bén. Người thợ phải mài rất kỹ lưỡng mới ra được lưỡi vừa mỏng vừa bén, đạt chất lượng cao. Công việc nhìn tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Giữ lửa nghề rèn truyền thống

Bén duyên với nghề rèn hơn 2 năm, em Đỗ Hoàng Khang (14 tuổi, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thổ lộ: "Em đã yêu thích nghề rèn từ khi thấy ông Phúc từ một miếng thép vuông mà nắn nót, tạo ra được cây dao mỏng manh nhưng vô cùng sắc bén. Từ lúc theo ông học nghề, em nhận ra nghề rèn không khó để học nhưng rất cực, đòi hỏi sức khỏe và sự nhẫn nại. Nhưng vì đam mê với nghề, yêu nghề nên em quyết định sẽ theo nghề rèn luôn".

Trên chiếc ghe lênh đênh trên sông ở Hậu Giang, nghe chát, bụp tiếng đe búa, thấy bếp than đỏ rực- Ảnh 4.

Em Đỗ Hoàng Khang (bên phải) dù còn nhỏ nhưng đã đam mê theo đuổi nghề "tay đe, tay búa". Ảnh: PV

Hiện nay với sự phát triển của máy móc, dụng cụ hiện đại đã dần thay thế cho nhiều vật dụng truyền thống. Sự cạnh tranh của các sản phẩm nhập ngoại với mẫu mã đẹp, sáng bóng, giá thành rẻ hơn đã khiến nhiều lò rèn dần dần “tắt lửa”. 

Mặc dù vậy,  20 năm qua ông Phúc vẫn chăm chỉ, tâm huyết với nghề. Nhìn về chiếc ghe lò rèn đang đỏ lửa, ông Phúc vui vẻ nói rằng: "Tuy nghề này phải chịu bụi bặm, khói lửa, lênh đênh trên sông nước nhưng nhìn những cây dao, chiếc kéo mình làm ra khách hàng thấy thích và tin tưởng. Có vài người dân vẫn còn yêu thích những sản phẩm truyền thống, chờ đợi chiếc ghe của tôi quay lại để mua dao, mài kéo nên tôi thấy rất vui, rất hạnh phúc.

Trên chiếc ghe lênh đênh trên sông ở Hậu Giang, nghe chát, bụp tiếng đe búa, thấy bếp than đỏ rực- Ảnh 5.

Chiếc ghe lò rèn đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Ảnh: PV

Hồi xưa, tôi cũng đã thử làm nghề khác để có thu nhập cao hơn nhưng có lẽ có lẽ nghề chui dao, mài kéo hợp với tôi nhất. Vì yêu nghề, yêu quê hương miền Tây nên tôi bám trụ với chiếc ghe lò rèn cho đến tận bây giờ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem