Trí tuệ nhân tạo AI có thể thay thế con người, kỹ sư phần mềm?
Trí tuệ nhân tạo AI có thể thay thế con người, kỹ sư phần mềm?
Nguyễn Thịnh
Thứ hai, ngày 18/03/2024 12:54 PM (GMT+7)
Devin AI, kỹ sư phần mềm AI đầu tiên trên thế giới vừa ra đời. Devin A có thể viết mã, sửa các liên kết lỗi cho đến khi thực thi cuối cùng cho một phần mềm. Nhưng không vì thế mà vội cho rằng, AI có thể thay thế kỹ sư phần mềm, thay thế con người.
Mới đây, công ty khởi nghiệp công nghệ Cognition Labs đã giới thiệu công cụ Devin, một AI kỹ thuật phần mềm đầu tiên trên thế giới. Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) này có khả năng suy luận nâng cao và tự động đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ phát triển phần mềm. Đây được coi là một bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo, song nó cũng khiến nhiều kỹ sư phần mềm tỏ ra lo lắng.
Rất nhiều người đã nghĩ rằng: Nghề phần mềm sắp biến mất, đặc biệt là outsoucing (thuê ngoài, xảy ra khi một doanh nghiệp trả tiền cho một nhà cung cấp bên ngoài để cung cấp hàng hóa và dịch vụ, thay vì thực hiện công việc tại công ty), trong đó có cả Jensen Huang, nhà sáng lập Nvidia, công ty có giá trị hơn 2000 tỷ USD, và có cả những người làm công tác nghiên cứu và giảng dậy trong lĩnh vực IT.
Phân tích về điều này, ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT đã chỉ ra thực trạng và có góc nhìn toàn diện liên quan đến AI và phần mềm.
Dẫn chứng liên quan đến AI và phần mềm
Đầu tiên, ông Đỗ Cao Bảo dẫn chứng câu chuyện vào thời điểm giữa năm 2016 khi xuất hiện thông tin AI đã có thể thay thế cho cô giáo trợ giảng (Teaching Assistant) cho sinh viên đại học.
Một lớp học online về máy tính có 300 sinh viên, có 9 trợ giảng, trong đó có 1 trợ giảng là AI (hệ phần mềm AI có tên Watson của IBM, được hỗ trợ của Viện nghiên cứu Georgia Tech). Người ta đặt tên cho cô trợ giảng AI là Jill Watson với ảnh chân dung là một cô gái xinh đẹp, tóc dài.
Cô Jill Watson cùng với 8 trợ giảng thật đã nhận và trả lời online tất cả các câu hỏi của 300 sinh viên. Sau 3 tháng, thật bất ngời là không có ai trong số sinh viên trong lớp học nhận thấy có sự khác biệt giữa 8 trợ giảng thật và cô Jill Watson (AI).
Sau đó người ta tiếp tục cho AI Jill Watson là cô giáo trợ giảng cho 17 lớp học online khác nữa, bao gồm cả lớp đại học và sau đại học. Hầu hết các sinh viên cũng không thấy có sự khác biệt giữa cô trợ giảng AI Jill Watson với các trợ giảng thật khác.
"Chúng ta có thấy cô trợ giảng AI Jill Watson rất giống chàng kỹ sư phần mềm AI Devin hiện nay không? Rất giống đấy. Vậy, từ tháng 5/2016 đến nay đã gần 8 năm trôi qua, cô trợ giảng AI Jill Watson đâu rồi, đã có trợ giảng nào bị thất nghiệp chưa nhỉ?", vị Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT nói.
Câu chuyện tiếp theo về xe tự lái, ông Đỗ Cao Bảo đi ngược thời gian về quãng 9-10 năm trước khi người ta tin rằng rằng xe ô tô tự lái sắp trở thành hiện thực.
Năm 2015, chiếc xe ô tô tự lái Delphi - Audi đã chạy an toàn trên quãng đường hơn 5,472 km qua 15 tiểu bang, ở chế độ tự lái 99%. Trong năm 2015, sáu bang Nevada, Florida, California, Virginia, Michigan và Washington DC đã cho phép thử nghiệm xe tự lái trên đường công cộng. Năm 2016 xe tự lái Google Waymo đã chạy thử nghiệm an toàn trên quãng đường hơn 1 triệu km (1.023.330 km), trong đó có 8.253 km chạy liên tục. Cũng thời điểm ấy xe ô tô tự lái đã chạy thử nghiệm ở nhiều thành phố của Trung Quốc, thậm chí đã chạy thử nghiệm ở Singapore.
"Như vậy, xe ô tô tự lái thời điểm 2015-2016 chắc chắn phải triển vọng hơn kỹ sư phần mềm AI Devin hiện tại, bởi nó đã chạy thật, chạy an toàn trên quãng đường nhiều triệu km, chạy thử ở 6 bang của Mỹ, ở nhiều thành phố, chứ không phải chỉ ở giai đoạn mới trình diễn như AI Devin.
Thế nhưng hai vụ tai nạn của xe Tesla ngày 20/1/2016 tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), ngày 7/5/2016 tại Wiliston, Florida (Mỹ) và vụ tai nạn của xe Google ngày 14/2/2016 đã đẩy lùi rất xa tiến độ đưa xe ô tô tự lái vào chạy thật", vị lãnh đạo của FPT dẫn chứng.
Đã 8 năm trôi qua, tuy công nghệ đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng xe ô tô tự lái vẫn chỉ đạt đến mức thử nghiệm chạy taxi có thu tiền trên một số tuyến đường nhất định ở 3 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu của Trung Quốc và 3 thành phố San Francisco, Phoenix và Austin của Mỹ. Thời điểm hiện tại, vẫn không có ai đoán được chính xác đến năm nào thì xe ô tô tự lái kết thúc giai đoạn chạy thử nghiệm.
AI không thể thay thế kỹ sư phần mềm
"Tại sao tôi lại nói vậy? Lý do rất đơn giản, rằng nếu nghề phần mềm hay những người chuyên viết code phần mềm mà biến mất thì kỹ sư phần mềm AI sẽ ngu dần đi, cuối cùng sẽ trở thành AI vừa ngu vừa lạc hậu về kiến thức phần mềm, đồng nghĩa với việc chính AI cũng tự chết", ông Đỗ Cao Bảo khẳng định.
Trên thực tế, trí tuệ của các hệ AI như ChatGPT, Devin AI thông minh như chúng ta đã thấy, đã thử và đã sử dụng thì có đến hơn 70% là nhờ kho trí thức khổng lồ của từng lĩnh vực chuyên sâu được các hệ AI tự học theo công nghệ học máy (machine learning), học sâu (deep learning), chỉ có chưa đến 30% là nhờ tư duy, suy luận của AI theo thuật toán nơ ron (neural network) của não bộ con người. ChatGPT nổi tiếng thông minh nhờ kho trí thức khổng lồ nằm trong 30.000 con GPU của Nvidia là minh chứng rõ nhất.
Vậy ai đã tạo ra kho tri thức phần mềm khổng lồ cho Devin AI? Chính là hàng vạn, hàng triệu chuyên gia phần mềm trên khắp thế giới, trong đó có cả những người viết mã phần mềm. Devin AI đã học, tự học kiến thức từ những phần mềm, đoạn mã phần mềm tốt nhất, tối ưu nhất để đến khi được giao nhiệm vụ thì sau khi phân tích, nó lựa chọn trong kho tri thức ra những phần mềm, những đoạn mã phần mềm phù hợp nhất, chỉnh sửa một chút rồi đưa ra kết quả.
Từ phân tích đó, ông Đỗ Cao Bảo kết luận: "Như vậy các chuyên gia phần mềm, những người viết mã phần mềm chính là nguồn "dinh dưỡng nuôi sống" sự thông minh của các AI phần mềm, trong đó có Devin AI. Đấy là lý do tôi nói rằng dù AI có thông minh đến đâu chăng nữa thì nghề phần mềm không thể biến mất, bởi khi cắt đi nguồn dinh dưỡng nuôi trí thông minh cho mình thì AI cũng tự chết".
Trí tuệ nhân tạo AI là xu thế. Không phủ nhận rằng AI sẽ thay thế được phần lớn các kỹ sư phần mềm chứ không phải toàn bộ, các kỹ sư phần mềm giỏi có thể dùng các "kỹ sư AI" để hỗ trợ họ viết và hoàn thiện một phần mềm (thay vì trước đây để hoàn thiện một phần mềm thì cần một leader và 20 kỹ sư thì sau này chỉ cần 2-3 kỹ sư là con người, còn lại sẽ dùng AI hỗ trợ).
Dùng AI, trước mắt nâng cao năng xuất, nhưng dần dần các dòng code do AI viết, dẫn đến kiến thức của AI toàn kiến thức cũ, không có gì mới, sáng tạo. Đó là lời cảnh báo!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.