Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau đối với dự án luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Đóng góp ý kiến về dự luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) dẫn Khoản 1 Điều 5 dự thảo luật có quy định: "Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định, để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT)".
Theo nữ đại biểu tỉnh Bến Tre, quy định này tại dự thảo chưa thật hợp lý. Bởi lẽ, công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả đều phải tuân thủ quy định tại luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bà Yến Nhi cho rằng, công tác xử phạt hành chính trong nhiều ngành, lĩnh vực đều phải tuân theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ không thống nhất với các chính sách, quy định chung, cũng như các luật khác có liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước.
"Mặt khác, quy định như vậy cũng vô tình làm cho lực lượng CSGT bị những điều tiếng không hay", bà Nhi nêu quan điểm.
Nhấn mạnh tăng cường cơ sở phương tiện, thiết bị và hiện đại hóa cho lực lượng CSGT là cần thiết, song theo nữ đại biểu tỉnh Bến Tre, các ngành, lĩnh vực khác như môi trường, quản lý thị trường… cũng hết sức phức tạp, xảy ra vi phạm hành chính trên cả nước.
Đây cũng là những lĩnh vực rất quan trọng, cần được quan tâm chứ không riêng lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước trong dự luật.
"Vấn đề này sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Nếu khó khăn về trình tự thủ tục trong thực hiện bố trí ngân sách thì cần có biện pháp tháo gỡ thỏa đáng để thực hiện thông suốt", bà Nhi góp ý.
Ngược quan điểm với đại biểu Yến Nhi, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng việc trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT là cần thiết, nhưng phải làm rõ trích bao nhiêu.
"Dự thảo cần quy định rõ số tiền sẽ trích lại, ví dụ "90%, 70% hay 50%..., chứ không thể nói một phần chung chung được", ông Hoà nhấn mạnh.
Vẫn theo đại biểu Hoà, trước đây từng có dự thảo quy định trích 70% cho CSGT, nội dung này được dư luận và báo chí phản ánh rất nhạy cảm, bởi nhiều người băn khoăn nếu trích cao như vậy thì CSGT liệu có xử phạt triệt để nhằm được hưởng chế độ?
Trước đó, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2024, có quy định: "Lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật…".
Đến Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 3 đã bỏ đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho CSGT.
Mới đây, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung vào dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hàng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.