Có tới 19 loại hình thiên tai đe doạ
Phát biểu tại hội nghị ngày 8.1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, 127 người bị thương, 1.242 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi; 35.233 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 445.110ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thuỷ lợi bị sạt lở, bồi lấp... “Tổng thiệt hại do thiên tai thảm hoạ gây ra chỉ riêng trong năm 2015 lên tới 8.114 tỷ đồng.
Nhận thức về phòng chống thiên tai nâng lên sẽ giúp người dân có thể tự ứng phó và bảo vệ mình tốt hơn. Ảnh: T.L
Cũng theo ông Phát, trong giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai với tổng kinh phí là 7.694 tỷ đồng và 47.298 tấn gạo.
Nhận định về những bất thường của thiên tai trong thời gian qua, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, mặc dù trong năm 2015 thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng nhưng cường độ lại nặng hơn. Và khoảng 5 năm gần đây, thời tiết liên tục có nhiều hình thái cực đoan, xuất hiện các hiện tượng ở mức kỷ lục như nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao kéo dài kỷ lục (trong vòng 60 năm) tại Bắc Bộ và Trung Bộ; mưa kỷ lục với lưu lượng lên tới 1.500mm tại Cửa Ông (lớn nhất trong 50 năm); hạn hán kỷ lục tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại Nam Bộ…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, hiện đã phân loại và xác định có tới 19 loại hình thiên tai nguy hiểm luôn đe doạ và rình rập. Điều đáng quan ngại là khi đất nước phát triển, chúng ta có nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế được xây dựng thì cũng đồng thời phải lo đối mặt với các nguy cơ thiên tai thảm hoạ, gây thiệt hại nặng nề như bão lũ, động đất... trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Tại đồng bằng sông Cửu Long hiện tại đã bắt đầu chịu tác động rất mạnh mẽ của nước biển dâng, một số địa phương như ở Cà Mau mỗi năm mất khoảng 200-300ha đất.
“Chính phủ đã có chiến lược và các biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiệm vụ của chúng ta là phải cụ thể hoá, lựa chọn các giải pháp phù hợp để ưu tiên huy động các nguồn lực sớm triển khai thực hiện” - ông Phát nói.
Cập nhật các kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu
Giai đoạn 2011 – 2015, thiên tai đã làm trung bình 226 người chết và mất tích/năm giảm 53% so với giai đoạn 2006-2010 (478 người chết và mất tích/năm); Thiệt hại về vật chất 660 triệu USD/năm, giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu USD/năm)
|
Đại diện Bộ TNMT cho biết, trong năm 2015 xuất hiện lũ bất thường trong đó có cả nguyên nhân do xả lũ từ Trung Quốc nên rất khó dự báo. Việc này Bộ TNMT đã có văn bản và phối hợp Bộ Ngoại giao để làm việc với phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, cái khó là nước Trung Quốc rất rộng lớn mà liên quan tới xả lũ chỉ chủ yếu là tỉnh Vân Nam nên Bộ TNMT cũng đề nghị các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc nên có phương án trao đổi trực tiếp với phía tỉnh bạn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, điểm nội bật nhất cần phải nhấn mạnh trong 5 năm qua là nhờ tuyên truyền mạnh mẽ và sự vào cuộc trách nhiệm, chủ động của các cơ quan chức năng, các thành viên ban chỉ đạo và chính quyền địa phương nên nhận thức của người dân và toàn xã hội về phòng chống thiên tai được nâng lên rõ rệt. Đây cũng chính là mục tiêu của Chính phủ về giúp người dân có thể tự ứng phó, bảo vệ tính mạng và tài sản khi có sự cố thiên tai thảm hoạ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi khi xảy ra thiên tai bão lũ, trách nhiệm của các cấp chính quyền cũng rõ hơn, trực tiếp có mặt tại cơ sở để chỉ đạo công tác hỗ trợ, cứu hộ, giúp bà con phòng tránh mưa bão lũ. Trong giai đoạn tới, trách nhiệm này phải được phát huy hơn nữa vì tính mạng và của cải của người dân”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong giai đoạn tới, các bộ và cơ quan liên quan cần phải cập nhật lại quy hoạch, kế hoạch để phù hợp với kịch bản mới của biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của thiên tai và diễn biến khó lường, khó dự báo của biến đổi khí hậu... qua đó phải tăng cường sự chủ động, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Đặc biệt phải xác định rõ cơ cấu loại hình thiên tai, xem những hình thái nào dễ và thường xuyên xảy ra để có giải pháp ứng phó tốt nhất.
Đưa phòng chống thiên tai thành tiêu chí NTM
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, để công tác phòng chống thiên tai hiệu quả hơn, sắp tới sẽ đưa phòng chống thiên tai vào trở thành một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường phổ cập thông tin và kỹ năng ứng phó với thiên tai thảm hoạ thông qua các tài liệu “cẩm nang ứng phó” đưa đến tận từng hộ gia đình, người dân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.