Triển lãm “Mây Ngỏ”: Sức mạnh nội tại của người nữ
Triển lãm “Mây Ngỏ”: Sức mạnh nội tại của người nữ
Hồng Loan - Thùy Trang
Thứ sáu, ngày 28/04/2023 11:40 AM (GMT+7)
Từ ngày 27/4 đến hết ngày 16/5, triển lãm “Mây Ngỏ” của họa sĩ Phan Minh Bạch diễn ra tại ART30 Gallery (30 Quang Trung, Hà Nội). Triển lãm cá nhân trưng bày khoảng 24 tác phẩm với các chất liệu đặc biệt, mang đến hình ảnh đa sắc về người phụ nữ Việt Nam.
Nguồn cảm hứng từ tình yêu chất liệu truyền thống của dân tộc
Với cách hòa sắc độc đáo, đường nét mượt mà cùng bố cục hài hòa, triển lãm "Mây Ngỏ" đã mô tả tinh tế tính nữ thông qua từng bức tranh được trưng bày trong không gian. Vô vàn sắc thái khác nhau hiện lên trong người nữ của Phan Minh Bạch: Từ dịu dàng cho đến quyền lực; từ truyền thống cho đến hiện đại; từ lạc lõng cho đến phiêu diêu.
Họa sĩ Phan Minh Bạch lựa chọn lụa Việt Nam để họa lên những nét bút tinh xảo, truyền tải ý tưởng sáng tạo của mình. Nguồn cảm hứng sử dụng chất liệu đặc biệt này đến từ những điều vô cùng giản đơn. "Cá nhân tôi rất thích đưa tính dân tộc của người Việt Nam vào từng tác phẩm của mình, để từ đó truyền tải rộng rãi những nét đặc sắc tới mọi người xung quanh và bạn bè quốc tế. Nước mình có nhiều chất liệu truyền thống phù hợp sử dụng trong hội họa như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy điệp… Trong số đó, lụa là một sản phẩm truyền thống của đất nước ta, rất được bạn bè phương Tây yêu thích nhưng hiện nay vẫn chưa được người Việt khai thác, quảng bá tối đa. Cho nên, tôi quyết định dùng lụa Việt Nam làm chất liệu chính cho các tác phẩm thuộc triển lãm "Mây Ngỏ". Ngoài ra, tôi còn sử dụng giấy dó trong "Mây trắng nghìn năm" - bức tranh đầu tiên của triển lãm", nữ họa sĩ hào hứng chia sẻ.
Vận dụng tính chất xuyên thấu của lụa, họa sĩ tạo ra hiệu ứng lồng ghép tranh trong tranh, giúp người xem thưởng thức tác phẩm từ nhiều điểm nhìn khác nhau: trong - ngoài và hai mặt đối lập của bức tranh. Dưới ánh đèn vàng được sắp xếp khéo léo tại không gian triển lãm, hình ảnh trong tranh lụa hai mặt càng trở nên cuốn hút, thần bí nhưng cũng không kém phần bay bổng, sinh động.
Bộ tranh “Tam thái vân gian” được vẽ trên lụa. (Ảnh: Hồng Loan - Thùy Trang)
Chia sẻ với PV Dân Việt về quá trình thực hiện, họa sĩ Phan Minh Bạch cho biết bản thân đã mất hơn 4 năm để suy nghĩ và miệt mài hoàn thiện: "Hành trình của tôi khởi nguồn từ năm 2018 - thời điểm bắt đầu lên ý tưởng cho các tác phẩm triển lãm. Trong vòng 2 năm đầu tiên, tôi tập trung vẽ tranh trên chất liệu giấy dó trước. Đến năm 2021, tôi quyết định chuyển sang vẽ tranh trên chất liệu lụa Việt Nam bởi vì lụa giúp truyền tải rõ ý tưởng, mong muốn của bản thân hơn so với giấy dó. Lụa có tính chất xuyên thấu hai mặt nên đã tạo ra không gian rộng lớn và độ sâu cho bức tranh".
Bộ tranh “Chơi vơi” vẽ trên chất liệu lụa. (Ảnh: Hồng Loan - Thùy Trang)
Câu chuyện của những bức tranh
Những bức tranh trong triển lãm dường như mang những màu sắc khác nhau với những ngụ ý khác nhau song chúng lại có một liên kết bện chặt để kể một câu chuyện lớn. Ấy là câu chuyện về một người nữ của quá khứ bước ra từ tranh. Điều đặc biệt là khi thoát ra khỏi bức tranh, họ đã uyển chuyển hóa mình thành người phụ nữ hiện đại.
Bộ tranh “Vân tưởng y thường” - sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh: Hồng Loan - Thùy Trang)
Họa sĩ Phan Minh Bạch đã chậm rãi kể câu chuyện chung đó: “Mỗi bức tranh sẽ không có một câu chuyện riêng cụ thể nhưng câu chuyện chung thì có. Tôi đã đặt tên cho những bức tranh này là “Đàn bà và nữ giới” để thể hiện sự nữ tính và nội tâm bên trong của người nữ. Thông qua những bức tranh, tôi muốn đề cao sự cố gắng của phụ nữ trong các lĩnh vực của xã hội như đạo đức, lối sống, văn hóa…
Có một tiêu chuẩn của nước ta về hình ảnh của người phụ nữ là “công dung ngôn hạnh”, tức là phụ nữ vừa phải giỏi việc nước và cũng phải đảm việc nhà. Chính tiêu chuẩn này đã khiến người phụ nữ phải nỗ lực rất nhiều, sẽ có lúc khổ đau, sẽ có lúc bị dày vò. Nhưng cuối cùng, điều phụ nữ mong muốn nhất là sự hạnh phúc, thảnh thơi và những phút giây bình yên. Người phụ nữ sẽ được bay bổng và đắm chìm trong một không gian yên bình, mơ mộng".
Bộ tranh “Vân mộng” là tác phẩm kết thúc của triển lãm với hình ảnh người phụ nữ được đắm chìm trong không gian mơ mộng. (Ảnh: Hồng Loan - Thùy Trang)
Đến triển lãm, nhiều khách tham quan phải xuýt xoa trước vẻ đẹp rất cá tính, hiện đại và cũng đầy dịu dàng, truyền thống của những bức tranh. Nhiều người tự hỏi tại sao họa sĩ lại có thể tạo ra những tác phẩm xuất chúng đến vậy. Câu trả lời lớn nhất có lẽ là bởi, những bức tranh đang kể câu chuyện mang hình bóng cuộc đời của tác giả.
“Những bức vẽ đã tái hiện chân thực sự thăng trầm trong cuộc đời của tôi với vô vàn biến động, biến cố trên hành trình của một người mẹ đơn thân hơn 20 năm qua. Vậy nên, tính hiểu phụ nữ, yêu phụ nữ và bảo vệ phụ nữ đã trở thành những nguyên tắc trong con người tôi. Khi thực hiện các đề tài, tôi luôn ưu tiên đề tài về người phụ nữ đầu tiên.
Qua triển lãm này, tôi thực sự mong muốn khách tham quan sẽ nhìn thấy hình ảnh đa tài của người phụ nữ. Từ những người nữ tài giỏi của nước ta như Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan đến Trung Quốc có Từ Hy Thái Hậu, Võ Tắc Thiên hay Dương Quý Phi, rộng hơn là trên thế giới có bà sơ Teresa, nhà bác học Marie Curie... đều là những người phụ nữ trông có vẻ yếu liễu đào tơ nhưng họ lại làm nên đại cuộc, làm xoay chuyển nhiều lĩnh vực của xã hội, đất nước. Họ là những biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ trong quá khứ và sau này, chính là ở thời điểm hiện đại, hình ảnh của người phụ nữ vẫn sẽ đẹp như thế", Họa sĩ Phan Minh Bạch bày tỏ.
Họa sĩ Phan Minh Bạch xúc động khi chia sẻ cái nhìn về phụ nữ Việt Nam: “Ở nước ta, đâu đó, người phụ nữ vẫn phải chịu hậu quả nặng nề từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Nhưng người phụ nữ dường như không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, họ vẫn mạnh mẽ đứng dậy, sống tiếp. Bởi vậy, họ có một sức mạnh nội tại rất lớn. Người phụ nữ không thể hiện sự mạnh mẽ bên ngoài như nam giới song sức mạnh bên trong họ lại đủ lớn để thay đổi nhiều điều".
Không gian triển lãm “Mây Ngỏ”. (Ảnh: Hồng Loan - Thùy Trang)
Ngày đầu tiên, triển lãm “Mây Ngỏ” đã thu hút vô vàn khách tham quan dù chỉ kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ. Những người thân đã đến và gửi tặng họa sĩ những bó hoa dưới các bức tranh. Bên cạnh đó, vẫn có những người chưa từng biết họa sĩ Phan Minh Bạch là ai. Họ đến vì nghe thấy có người vẽ tranh trên lụa. Họ đến vì bị thu hút ánh nhìn đầu tiên khi nhìn thấy một bức vẽ về người phụ nữ đẹp dịu dàng ở trên mạng xã hội Facebook. Và họ đều đồng tình với nhau rằng, nếu chỉ nhìn tranh trên mạng xã hội thì chắc chắn là không bao giờ đủ để cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt tác của những bức vẽ lụa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.