Quê ông Hồng ở thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Mặc dù ông đã bươn chải đủ nghề, nhưng gia đình vẫn khó khăn. Hưởng ứng chương trình đi xây dựng kinh tế mới của huyện, năm 1986, ông lên thôn Phú Ân, xã Hải Thái.
“Ngày đầu lên vùng kinh tế mới, không vốn liếng, đất sản xuất ít, nhìn vợ con ngày ngày lam lũ, tôi quyết tâm phải làm giàu”- ông Hồng nhớ lại. Năm 1994, vay tiền ngân hàng và mượn bà con, anh em, ông lên thôn Trảng Rộng mua 2ha đất, cộng thêm đất tự khai hoang, ông trồng 4ha cà phê xen cao su.
Ông Hồng kể: “Hồi đó vợ chồng tôi ăn ở trên rừng khai hoang, trồng cao su, cà phê. Bữa ăn chỉ có khoai sắn độn cơm, con cái phải gửi ông bà nội trông nom...”.
|
Ông Hồng giới thiệu vườn cây cao su của mình. |
Khai hoang sản xuất trên vùng đất lắm tàn tích, phế liệu chiến tranh rất nguy hiểm, làm cực nhọc bao năm đến thời kỳ thu hái thì cà phê mất giá. Sau 2 năm, 4ha cây cao su và cà phê mà vợ chồng ông đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có chỉ còn lại 200 cây cao su do bị cháy.
Không nản lòng, ông tiếp tục vay mượn tiền trồng lại cao su. Đến nay ông đã có trong tay 4ha cây cao su với thu nhập bình quân trên 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra, 110 gốc tiêu cho ông thu lãi hơn 30 triệu đồng/năm. Ông còn làm đại lý phân phối giống cây cao su cho bà con trong vùng với số lượng trên 10 vạn cây giống mỗi năm, thu lãi hơn 70 triệu đồng.
Chưa hết, ông sưu tầm gỗ lũa về chế tác thành phẩm để bán, thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Nhẩm tính, năm 2012 trừ đi mọi chi phí, ông bỏ túi hơn 300 triệu đồng.
Thấu hiểu vất vả của ND, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống cây trồng, vốn để giúp bà con cùng làm giàu như ông. Hiện trang trại của ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng.
“Tôi có một tâm nguyện là có thể giúp đỡ tất cả những ai có quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình” - ông Hồng tâm sự.
Ngọc Vũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.