Mối đe dọa nguy hiểm không kém vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Phương Đăng Thứ năm, ngày 22/09/2016 16:00 PM (GMT+7)
Các chuyên gia phân tích cho rằng, thay đổi chế độ đặt ra mối đe dọa nguy hiểm không kém vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Bình luận 0

Khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền thay người cha quá cố Kim Jong-il vào tháng 12.2011, ông trở thành nhà lãnh đạo của một đất nước được cho là "bị cô lập" nhất thế giới.

Theo National Interest, mối bận tâm sâu sắc nhất của các nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn là nguy cơ thay đổi hệ thống chính trị. Do đó, tương tự như cha và ông mình, mục tiêu lớn nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là duy trì chế độ và quyền lực của gia tộc họ Kim.

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng quan chức quân sự Triều Tiên chỉ đạo một cuộc tận trận của quân đội nước này.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp lệnh cấm của Liên Hợp Quốc cũng như sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Logic cho việc này rất dễ hiểu: Nếu sở hữu vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ trở thành một cường quốc quân sự của thế giới và không còn sợ Mỹ, Hàn Quốc hay thậm chí Trung Quốc bắt nạt.

Nói một cách đơn giản, vũ khí hạt nhân được xem là công cụ giúp duy trì chế độ Bình Nhưỡng. Vì thế, dễ hiểu, mới đây, ông Kim Jong-un lại vừa ra lệnh cho quân đội sẵn sàng tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo mới chỉ vài ngày sau khi thử hạt nhân lần thứ 5 thành công.

Ngoài vũ khí hạt nhân, để duy trì chế độ, ông Kim Jong-un còn tiến hành các đợt thanh trừng nội bộ đẫm máu.

Mới đây nhất, hồi tháng 7, ông Kim Jong-un bị cho là đã ra lệnh xử tử Hwang Min, một cựu bộ trưởng nông nghiệp và Ri Yong-jin, một quan chức cấp cao của Bộ giáo dục Triều Tiên.

Cả hai quan chức Triều Tiên được cho là đã bị xử tử bằng súng phòng không. Ông Hwang bị cho là bị thanh trừng vì có hành động đe dọa trực tiếp đến sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Ttrong khi đó ông Ri bị khép tội xem thường lãnh đạo khi ngủ thiếp đi trong một cuộc họp do ông Kim Jong-un chủ trì.

Trước đó, tháng 12.2013, cả thế giới từng rúng động vì vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek, chú lấy dì ruột của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, trên thực tế, nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân cũng như các cuộc thanh trừng nội bộ tàn khốc vẫn không thể giúp ông Kim Jong-un hoàn toàn loại trừ nguy cơ chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.

Một trong những lý do cốt lõi là vì nước này có một nền kinh tế yếu kém, đang hấp hối do bị cô lập dẫn đến vấn đề an ninh lương thực không được đảm bảo.

Triều Tiên là đất nước thường xuyên bị thiên tai hoành hành. Những năm 1990, lũ lụt và hạn hán đã gây ra nạn đói thảm khốc ước tính cướp đi mạng sống của 3 triệu người Triều Tiên.  

Tuy nhiên, tháng 9.2016, bánh xe lịch sử lại lặp lại. Miền Đông Bắc Triều Tiên bị lụt lụt nghiêm trọng, khiến "hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy" và hàng triệu người Triều Tiên mất sạch toàn bộ gia sản. Vấn đề an ninh lương thực một lần nữa lại đe dọa sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng. Đã có những lời kêu gọi Triều Tiên cải cách kinh tế và mở cửa nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

Láng giềng gần gũi nhất và cũng là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên là Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi Bình Nhưỡng cải cách kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực, tránh nguy cơ sụp đổ chế độ. Trên thực tế, vấn đề an ninh lương thực từng là "tia lửa" quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông.

Hơn ai hết, Bắc Kinh cũng lo sợ chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ sẽ dẫn đến sự thay đổi cấu trúc trong quan hệ quốc tế ở Đông Á. Sự thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng sẽ là bàn đạp giúp Mỹ hiện diện mạnh mẽ hơn ngay trước cửa nhà Trung Quốc và Bắc Kinh thậm chí sẽ còn phải đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi hàng triệu người tị nạn Triều Tiên có thể tràn sang nước này.

Tuy nhiên, việc cải cách kinh tế và mở cửa cũng bị lãnh đạo Triều Tiên quan ngại sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ hiện nay.

Một trong những người anh trai của ông Kim Jong-un, Kim Jong-nam, người đang sống lưu vong ở Macau cũng từng thừa nhận: "Cá nhân tôi tin rằng, cải cách kinh tế và sự mở cửa là con đường tốt nhất để mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân Triều Tiên. Tuy nhiên, xem xét vị trí của Triều Tiên hiện nay, có một mối quan ngại rằng, việc mở cửa cũng như cải cách kinh tế sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ hiện nay".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem