Triệu Vân và Điển vi đều là những tướng hộ vệ xuất sắc trong Tam Quốc. Thật khó để phân tài cao thấp khi hai người chưa từng đơn đấu trong lịch sử. Tuy nhiên, có 3 yếu tố để quyết định ai là người mạnh hơn.
Trong Tam Quốc, bên cạnh các võ tướng tiên phong ở tuyến đầu, có một lực lượng đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các vị quân chủ. Những võ tướng này không chỉ tài mạo song toàn mà còn có lòng trung thành tuyệt đối với quân chủ. Nếu như Tào Tháo may mắn có Điển Vi thì Lưu Bị cũng có Triệu Vân luôn kề cận bảo vệ.
Trong thời kỳ thiên hạ đại loạn này, trong dân gian có lưu truyền một câu nói nổi tiếng: "Một Lã, hai triệu, ba Điển Vi, bốn Quan, năm Mã, sáu Trương Phi". Câu nói tôn vinh 6 võ tướng mạnh nhất Tam Quốc, lần lượt là Lã Bố, Triệu Vân, Điển Vi, Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi.
Nếu theo bảng xếp hạng này, luận về võ nghệ, Lã Bố là người đứng đầu Tam Quốc, kế tiếp là Triệu Vân, Điển Vi... Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về mức độ tin cậy của bảng xếp hạng trong dân gian. Đơn cử như Điển Vi, một võ tướng có khá ít cơ hội thể hiện tài năng nhưng lại được xếp cao hơn cả Quan Vũ, Mã Siêu và Trương Phi, những người có nhiều chiến công nổi tiếng.
Vậy, để so sánh xem Triệu Vân và Điển Vi ai mới thực sự là võ tướng mạnh hơn thì phải làm thế nào?
Theo các sử gia, để xem xét năng lực của một võ tướng hộ vệ cần dựa vào số lượng tướng lĩnh bị đánh bại, kinh nghiệm chiến đấu và khả năng "cứu chủ" mà người đó đạt được. Dù cả Điển Vi và Triệu Vân đều là tướng hộ vệ và có ít cơ hội đơn đấu hay cầm quân đi đầu, nhưng thực tế vẫn có ít nhiều ghi chép về chiến tích của cả hai.
3 yếu tố quyết định năng lực của Điển Vi và Triệu Vân
Thứ nhất, số lượng võ tướng bị đánh bại. Theo thống kê sơ bộ trong Tam Quốc diễn nghĩa, Điển Vi đã giết tổng cộng 3 người, trong đó chỉ có một người là có danh tiếng. Ngược lại, Triệu Vân đã giết ít nhất 22 võ tướng, chưa kể số tướng sĩ mà danh tướng này hạ gục trong trận Trường Bản năm 208 để cứu sống A Đẩu (con trai Lưu Bị).
Thứ hai, kinh nghiệm chiến đấu. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Điển Vi do Hạ Hầu Đôn tiến cứ cho Tào Tháo. Nhờ lập được công lao nên ông được phong làm Tư mã, sau thăng làm Đô úy, Hiệu úy và được Tào tháo cho hộ vệ bên cạnh.
Điển Vi bình sinh có sức khỏe phi thường và thích làm điều nghĩa hiệp. Kể từ khi được tin tưởng làm hộ vệ cho Tào Tháo, Điển Vi đã nhiều lần xả thân cứu vị quân chủ này.
Cụ thể, năm 194, Tào Tháo và Lã Bố giao tranh tại Bộc Dương. Sau đó, Tào Tháo bị Lã Bố mang quân vây áp 3 mặt. Hai bên đã giao chiến từ sáng đến chiều vài chục lần nhưng quân Tào vẫn không sao thoát ra được. Để giúp Tào Tháo giải vây, Điển Vi đã liều mạng dẫn theo mấy chục quân cảm tử, xông thẳng về phía quân Lã Bố để mở đường máu. Nhờ vậy, Tào Tháo mới có cơ hội mang quân chạy thoát.
Đến năm 197, Tào Tháo mang quân tới đánh Trương Tú ở Uyển Thành. Ban đầu Trương Tú mang quân ra hàng. Tuy nhiên, ít ngày sau, do Tào Tháo ép thím Trương Tú là Chậu thị làm thiếp nên mới xảy ra tai họa. Trương Tú bất ngờ mang theo quân đột kích trại Tào Tháo lúc nữa đêm. Điều này khiến Tào Tháo không kịp trở tay. Điển Vi khi đó một mình quần thảo với quân của Trương Tú, giết vài chục người, thành công chặn đường giúp Tào Tháo chạy thoát. Tuy nhiên, do bị quá nhiều vết thương nên Điển Vi đã mất mạng trong trận chiến này.
Nhờ có Điển Vi chặn giữ cửa trước nên Tào Tháo mới thành công trốn thoát trong đêm tối. Khi Tào Tháo và binh lính lui về Vũ Âm, ông mới nghe tin Điển Vi đã tử trận. Tào Tháo thương khóc và cho người đi lấy thi thể Điển Vi về, an táng ở Tương Ấp. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo vô cùng thương tiếc Điển Vi và sai lập đền thờ, bày bàn cúng tế và nói với các tướng lĩnh rằng: "Ta mất một con trưởng, một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Điển Vi mà thôi".
Về phần Triệu Vân, võ tướng nổi tiếng của Lưu Bị từng lập nhiều chiến tích vang dội, trong đó đả bại nhiều tướng lĩnh tên tuổi. Tiêu biểu là Cao Lãm, người được mệnh danh là "Hà Bắc tứ đình trụ" (hay bốn trụ cột của Hà Bắc), cùng với các tướng là Nhan Lương, Văn Xú và Trương Cáp. Tuy nhiên, võ tướng bị Triệu Vân đâm chết chỉ trong vòng chưa tới 3 hiệp ở Nhưỡng Sơn năm 201.
Hơn nữa, so với Điển Vi, Triệu Vân còn là võ tướng có tài năng chỉ huy, biết dùng mưu kế ứng biến để giành thắng lợi khi cầm quân. Nhiều trận chiến quan trọng như Bác Vọng, chiến dịch Tây Xuyên, trận Hán Trung, Triệu Vân đều chỉ huy các cánh quân và có đóng góp không nhỏ cho nhiều chiến thắng lớn của Lưu Bị.
Rõ ràng, xét về kinh nghiệm chiến đấu và thành tích, Triệu Vân có phần nổi trội hơn so với Điển Vi. Mặt khác, do Điển Vi tử trận khi còn trẻ nên chưa có nhiều cơ hội để đóng góp hay lập thêm công lao trên chiến trường Tam Quốc.
Với góc độ hiệu quả chiến đấu, Triệu Vân cũng là một trong số ít võ tướng chết già. Điều này có nghĩa là ông có khả năng sống sót cực cao trên chiến trường. Ngay cả khi đã già, Triệu Vân vẫn lập công khi theo Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt lần thứ nhất.
Thứ ba, khả năng cứu quân chủ. Trên thực tế, Điển Vi đã hai lần cứu sống Tào Thào và thành công cả hai lần. Đến lần thứ hai (tức năm 197), Điển Vi tuy cứu được Tào Tháo nhưng lại không may mất mạng.
Trong khi đó, Triệu Vân từng ba lần xả thân cứu Lưu Bị. Kết quả, võ tướng này không chỉ lần nào cũng thành công mà còn bình an vô sự. Hơn nữa, hai lần Điển Vi cứu Tào Tháo đều đối mặt với hầu hết các binh lính.
Ngược lại, Triệu Vân nhiều lần phải đương đầu với nhiều mãnh tướng. Chẳng hạn, trong trận Nhưỡng Sơn năm 201, Triệu Vân đơn thương độc mã liên tiếp giao chiến với 5 võ tướng dũng mãnh của Tào Tháo và thành công cứu sống Lưu Bị. Sau trận chiến này, ngay cả một người kiêu ngạo như Quan Vũ cũng bày tỏ sự tán thưởng với Triệu Vân.
Hay trong trận Trường Bản, Triệu Vân không chỉ phải chạm trán nhiều mãnh tướng mà còn phá vỡ vòng vây của đại quân Tào lên tới hàng nghìn người để tìm kiếm và cứu sống A Đẩu. Khả năng chiến đấu này quả thực phi thường.
Như vậy, phân tích trên cả 3 yếu tố trên, Triệu Vân rõ ràng vượt trội hơn nhiều so với Điển Vi. Đương nhiên, nếu lịch sử cho phép Điển Vi và Triệu Vân giao đấu với nhau, chắc chắn đây sẽ là một trận chiến hấp dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.