Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)

Nhóm PV Thứ tư, ngày 13/03/2024 06:31 AM (GMT+7)
Nhóm người đã trắng trợn tổ chức buôn thần bán thánh ngay tại khu vực Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) phát giá làm lễ, bày ra những chiêu trò nhằm "móc" túi người dân tới cầu con.
Bình luận 0
Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 1.

Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (còn gọi là Chùa Hương) mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách. Ảnh: Trịnh Trọng.

50.000 đồng không đủ tiền làm lễ, phải 300.000 đồng!

Tiếp nối hành trình khám phá trùng điệp “bẫy” lừa tâm linh tại chùa Hương, nhóm phóng viên tiếp cận sâu hơn, đến những nơi “có tên tuổi” để rồi ngã ngửa khi phát hiện thêm nhiều địa điểm thờ tự cũng đầy rẫy trò bịp cầu con, ngang nhiên “vòi tiền” người dân.

Ra khỏi Suối Tiên sau khi đã chi hơn 400.000 đồng làm lễ, chúng tôi theo dòng người đến với chùa Giải Oan và Điện Mẫu.

Theo nguồn tin đã có từ trước, nhóm phóng viên tiến vào Điện Mẫu - một hang đá nhỏ nằm bên phải chùa Giải Oan. Trái ngược với những gam màu nóng và nguồn sáng vô tận bên ngoài, càng vào Điện Mẫu không gian càng hẹp.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 2.

Trái ngược với những gam màu nóng và nguồn sáng vô tận bên ngoài, càng vào Điện Mẫu không gian càng hẹp.

Tại đây, chúng tôi gặp một người đàn ông mặc áo lam - bộ trang phục chuyên dùng khi đi chùa của các Phật tử - đang bận rộn gõ chuông và lầm rầm khấn vái cho vị khách. Đứng cạnh bàn thờ tượng Mẫu, người này liên tục ban lộc và dâng sớ.

Thấy chúng tôi bước vào, người đàn ông nhanh chóng hỏi muốn cầu gì ở đây đều có tất. Từ cầu bình an, tài lộc đến cầu con cái. Sau khi hỏi họ tên, người này bắt đầu bài khấn dù chưa cần chúng tôi dâng lễ.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 3.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, người đàn ông này thường xuyên xuất hiện tại đây để làm lễ, cúng bái và thu tiền.

“Các con mấy trai mấy gái rồi?”, người làm lễ bỗng hỏi.

Nghe thông tin người cầu chưa có con, người này hỏi ngay: “Thế có cầu Cậu không?”. Chúng tôi cho biết đã thỉnh được “Cậu” ở nơi khác, ý muốn nói không muốn mất tiền làm lễ cầu Cậu, cầu Cô ở đây nữa. Nhưng đã vào đây, không thiếu mánh để moi tiền được bày ra. 

“Dâng Cậu lên đây để chùa tắm cho. Xin Cậu ở đâu cũng được nhưng phải về đây để tắm cho Cậu. Ra kia bảo họ bán cho cái vỏ chai, rồi tự tay vợ chồng phải múc nước cho đầy lọ rồi quay lại đây”, người đàn ông vừa gõ tay xuống bàn vừa giục.

Dưới sự vội vã của “đệ tử” Thánh Mẫu, nhóm phóng viên quay ngược ra ngoài cửa Điện, nơi có một người phụ nữ chờ sẵn để bán vỏ chai với giá 4.000 đồng.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 4.

Chúng tôi mua chai nước vớ giá 4000 đồng để xin nước để tắm cho "Cậu".

“Em xin dưới Suối Tiên có đúng không chị nhỉ?”, phóng viên hỏi.

“Không, phải xin ở đây mới đúng giếng nước Thanh Trì, cái dưới kia là không phải đâu”, người bán hàng khẳng định.

Sau khi mọi thứ xong xuôi, người đàn ông bắt đầu làm lễ cầu con. Vẫn những câu văn khấn ấy, vẫn những điều căn dặn giống lời khấn tại Suối Tiên một lần nữa được vang lên.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 5.

Người đàn ông đưa đĩnh vàng, đình bạc cho phóng viên.

Kết thúc bài văn khấn, chúng tôi tận tay đón “Cậu”. Ông ta cho biết: “Thỉnh Cậu về phải lấy nước thánh tắm cho Cậu, về tới cửa ngõ thì mời Cậu về nhà. Còn đây là đĩnh vàng, đĩnh ngọc về đặt lên bàn thờ để lấy lộc sau nuôi Cậu”.

“Bây giờ con gửi lễ để mua lễ cho Cậu, gửi bao nhiêu thì tùy chúng con cứ ghi vào sổ”, người đàn ông nói thêm.

Nghe theo chữ “tùy tâm”, phóng viên rút ra 50.000 đồng đặt lên bàn dâng lễ. Thấy vậy, người này bỗng cười nhẹ, giọng điệu pha chút mỉa mai: “Gửi lễ là đồ chơi cho Cậu, mua ô tô đồ chơi cho Cậu, hoa quả, xe máy, con gửi 50.000 đồng không đủ mua lễ cho Cậu. Cậu nó phải khác”.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 6.

Người đàn ông yêu cầu viết vào sổ, gửi tiền tùy tâm nhưng là 300.000 đồng.

“Vậy phải đặt bao nhiêu ạ?”.

“Người ta gửi theo kỳ lễ, mỗi kỳ 100.000 đồng, tắm cho cậu người ta gửi ba kỳ lễ là 300.000 đồng, tiền lễ có thì biếu không có thì thôi”, người đàn ông giải thích tường tận.

Tất nhiên, số tiền 300.000 đồng cũng chỉ là tiền mua lễ, còn tiền công thầy khấn “khản cổ” thì lại “có cũng được, mà không có cũng chẳng sao”.

Cầm xấp tiền trên tay, chúng tôi chỉ còn tờ 500.000 đồng chẵn. Lúc này, người đàn ông gắt gỏng: “Cứ đưa tiền đi rồi thừa đâu trả lại cho!”. Nhận được tiền, người này tiếp tục khấn vái, báo cáo chúng tôi đã gửi 300.000 đồng và mong được “Cậu” chứng cho. Cứ như vậy, không đưa tiền không xong.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 7.

Người trả lại tiền cho chúng tôi là bà Bùi Thị Sơn (vợ ông Bùi Đăng Thùy - bảo vệ tại khu vực chùa Giải Oan).

Tìm hiểu thêm vài du khách bước ra từ Điện Mẫu, chúng tôi phát hiện có nhiều cách “móc túi” người dân của nhóm đối tượng trên.

Anh Đình Văn Tuấn (28 tuổi, Ninh Bình) chia sẻ: “Tôi và bạn vừa bước vào Điện Mẫu thì có người ra dúi luôn vào tay chiếc vòng này. Chúng tôi chỉ đặt tờ tiền lẻ 2.000 đồng lên mâm lễ. Tuy nhiên, họ nói rằng mỗi người phải đưa 40.000 đồng, tổng là 80.000 đồng. Khi tôi đưa 100.000 đồng cũng không được trả lại, vì ngại đôi co chốn cửa Phật nên tôi đi ra luôn. Tôi biết mình đã bị lừa”.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 8.

Hình ảnh mặt dây chuyền nhóm đối tượng đưa cho người dân và thu 40.000 đồng.

Tại đây, phóng viên chứng kiến rất đông người dân vào đặt lễ. Theo quan sát, ở góc trái Điện Mẫu có một gian thờ, tại đây 1 người đàn ông liên tục thu tiền của khách.

Như vậy, quãng đường từ chùa Thiên Trù đến chùa Giải Oan có đến 2 điểm diễn ra hoạt động làm lễ, cúng bái và thu tiền của khách. Nơi nào cũng khẳng định mình là “nơi thờ đúng”. Với những người dân mới đến đây lần đầu, đem theo niềm tin và mong muốn cầu bình an, tài lộc, thậm chí cầu con đều bị nhóm đối tượng này dẫn dắt "cúng" lễ.

Bát nháo hoạt động cầu con tại Đền Cửa Võng

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 9.

Đền Cửa Võng là “chân long linh từ” thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao.

Từ chùa Giải Oan đi lên chừng 15 phút leo bộ, chúng tôi đặt chân đến Đền Cửa Võng. Đền Cửa Võng được coi là “chân long linh từ” thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ túy Hồng” của sơn thần tối cao.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 10.

Thắng đưa sớ cho chúng tôi để viết.

Tại Đền Cửa Võng xuất hiện một nhóm người “giăng bẫy” thờ tự, cúng bái nhằm “móc túi” người dân.

Nhóm phóng viên phát hiện 3 người đàn ông đang làm lễ cầu con cho một nữ du khách. Người ngồi đếm tiền lẻ, người luôn miệng đọc văn khấn, người thì ra vào viết sớ. Dòng người chen chúc đông nghịt khiến Đền Cửa Võng trở nên lộn xộn, nhốn nháo.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 11.

Nhiều tượng sáp của “cậu bé ngoan thông minh” được đặt khắp nơi phục vụ người dân có như cầu cầu còn.

Trên ban thờ, ngoài tượng Bà Chúa Thượng Ngàn, rất nhiều tượng sáp của “cậu bé ngoan thông minh” được đặt khắp nơi. Mỗi người đến cầu con sẽ được ban phát một “cậu bé”, với bài văn khấn quen thuộc cùng tiền phí 365.000 đồng.

Khi nhóm phóng viên thắc mắc về số tiền trên tại sao lại giống với hình thức cầu con thu tiền ở Động Suối Tiên, Phạm Văn Thắng (lúc này mặc áo lam, hỗ trợ người dân viết sớ cầu con) khẳng định: “Bọn ở Suối Tiên là lừa đảo, ở đó có gì đâu, có mỗi cái hồ nước không. Nó thu 365.000 đồng là học theo ở đây rồi. Ở đây chúng tôi lấy đúng tiền, anh chị có trả thêm chúng tôi cũng không dám lấy. Cầu ở chùa Giải Oan cũng không phải đâu, ở đây mới đúng”.

Trò bịp cầu con trên đường hành lễ Chùa Hương: Thủ thuật moi tiền trong "Đền, Điện", nạp tiền mới làm lễ (Kỳ 2)- Ảnh 12.

Phạm Văn Thắng - mặc áo lam, hỗ trợ người dân viết sớ cầu con. Thắng là con của ông Phạm Văn Thuận - bảo vệ đền Cửa Võng.

Ai cũng tự nhận mình là nơi thờ đúng, khiến người dân đến Chùa Hương cầu nguyện như lạc vào ma trận tâm linh không lối thoát.

Chị N.T.X (lái đò tại chùa Hương) chia sẻ: “Suối Tiên thì cầu con không đúng đâu, nó là chùa tư nhân ngày xưa. Trước công an bắt nhà đấy rồi. Cầu con phải ở trong động Hương Tích. Không mất chi phí cúng, hay lễ gì cả, mình chỉ mất tiền mua lễ, bánh kẹo. Còn các sư thầy không lấy tiền thêm, không có chuyện 365.000 đồng cho 365 ngày”.

Chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, từng cầu con tại chùa Hương) chia sẻ: “Trước tôi đi cầu con, tôi muốn xin một bé gái thì họ cứ bắt tôi cầu con trai. Rồi họ bảo xin con gái 9 vía thì tôi phải nộp 900.000 đồng. Nhưng tôi không chịu, tôi bảo rằng bản thân tự cầu khấn, không nhờ vả ai nên không đưa tiền”.

Nếu không có sự tìm hiểu từ trước, đi qua ba chặng Suối Tiên - Điện Mẫu - Cửa Võng, người dân có thể bị phải "cúng tiền" lên tới cả triệu đồng.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, tất cả hoạt động cầu con, khấn lễ, thu tiền của khách tại suối tiên, chùa giải oan, đền võng thị là hoạt động mê tín dị đoan, trái quy định.

Mặc dù loa phóng thanh liên tục nhắc nhở người dân cảnh giác trước hoạt động mê tín dị đoan, bói toán thế nhưng bằng nhiều mánh khóe, hình thức tinh vi, nhóm đối tượng trắng trợn “lột” tiền du khách.

Xác định hoạt động mê tín dị đoan

Sau khi ghi nhận thông tin, tối 9/3, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Đặng Văn Triều - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức để thông tin về sự việc trên. Ngay lập tức, vị lãnh đạo huyện đã giao cho công an huyện Mỹ Đức để xử lý vấn đề.

Trao đổi với Dân Việt, Thượng tá Giáp Thành Trung - Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, trong sáng 10/3, sẽ cho lực lượng chức năng phối hợp với phóng Viên Dân Việt để kiểm tra, xử lý.

Ngay sau đó, đoàn kiểm tra gồm: Ban Quản lý khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn, Công an huyện Mỹ Đức, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức, Phòng VH - TT - DL huyện Mỹ Đức, Trưởng Công an xã Hương Sơn đã đi vào Đền Cửa Võng, Điện Mẫu (thuộc Chùa Giải Oan), Suối Tiên để xác minh thông tin phóng viên Dân Việt cung cấp.

Sơ bộ xác định, các hoạt động cầu tự con cái, khấn bái và thu tiền du khách tại Suối Tiên, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng nhưng thông tin PV Dân Việt cung cấp là hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm quy định.

Cụ thể, tại Đền Cửa Võng, ông Nguyễn Văn Thuận (bảo vệ trông coi đền) cho biết, chính con trai ông Phạm Văn Thắng có thực hiện hành vi vi phạm trên.

Tại Chùa Giải Oan, ông Bùi Đăng Thùy (bảo vệ tại khu vực chùa Giải Oan) cho biết đó những du khách đến và thực hiện khấn, bái, thu tiền, nhà chùa hoàn toàn không biết việc trên.

Thế nhưng tư liệu Dân Việt có được, bà bà Bùi Thị Sơn (vợ ông Thùy) chính là người đứng ra thu tiền của khách đấy làm lễ.

Tại Suối Tiên, ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn xác nhận đây là điểm tự phát, có dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan.

Cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức cho biết sẽ củng cố thông tin, xem xét xử lý theo quy định. 


Ngày 11/3, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương năm 2024 và Đoàn giám sát của HĐND huyện đã tiến hành giám sát, đánh giá kết quả công tác tổ chức và quản lí lễ hội Chùa Hương sau 1 tháng khai hội. Theo đó, Ban Tổ chức lễ hội đã triển khai thực hiện nghiêm các nội dung đảm bảo công tác đổi mới lễ hội năm 2024 được du khách đánh giá tích cực và được nhân dân đồng thuận cao.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Dũng - Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội Chùa Hương 2024 yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các lực lượng chức năng đánh giá chính xác và đề xuất các giải pháp chỉ đạo phân công rõ trách nhiệm đối với các cơ quan để tập trung khắc phục tồn tại, bất cập, hạn chế trong quá trình đổi mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem