Theo báo cáo mới nhất của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, đối tượng phá rừng là người dân của thôn 4 (xã Đạ Long, huyện Đam Rông). “Lúc đầu, chỉ vài hộ phá khoảng vài ha, nhưng nay thì lên đến vài chục hộ - chính xác là 45 hộ, với diện tích bị phá hơn 17ha. Rồi nữa, trong khu vực rừng bị phá, hiện đã có đến 35 cái chòi tạm được dựng lên. Người dân ăn ở, ngủ nghỉ ngay trong rừng...” - ông Lê Văn Hương-Giám đốc VQG Bidoup Núi Bà cho biết.
Rừng của VQG Bidoup Núi Bà cần được bảo vệ.
Ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cũng khẳng định rằng: “Qua nhiều đợt tuyên truyền và vận động, tình hình vẫn không có những chuyển biến tích cực; người dân vẫn không chấp hành và tỏ ra kiên quyết quay lại làng cũ tại hai tiểu khu 26 và 27 để sinh sống; rừng bởi vậy mà bị tàn phá...”.
Vẫn theo lời ông Hải, mới đây nhất - giữa tháng 3.2015, một đoàn công tác liên ngành của huyện Lạc Dương, Đam Rông, Phòng PA 88 thuộc Sở Công an Lâm Đồng cùng với lực lượng chức năng gồm kiểm lâm, VQG Bidoup Núi Bà, Ban lâm nghiệp xã Đưng Knớ... đã vào tận nơi, gặp từng hộ dân để giải thích, vận động, đối thoại, thuyết phục nhưng “khi đoàn công tác liên ngành rời hiện trường, chỉ còn lại lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, VQG Bidoup Núi Bà và Ban lâm nghiệp xã Đưng Knớ thì các hộ dân này lại tiếp tục phá rừng để lấy đất sản xuất”.
Thực tế cho đến lúc này, huyện Lạc Dương vẫn chưa dùng “biện pháp mạnh” để ngăn chặn nạn phá rừng tại VQG Bidoup Núi Bà. Song, huyện cũng phải thừa nhận “công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông quay về lại nơi cư trú thực sự không đạt hiệu quả”.
Và theo UBND huyện Lạc Dương, huyện sẽ kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông xử lý dứt điểm vấn đề này, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo mới của UBND tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.