Giữa những ngày mưa của miền Trung, anh bạn tôi ở Hà Nội nhắn tin: “ Vào Người Biển Đen nhé”. Người Biển Đen là trang web của các cựu du học sinh Việt Nam tại thành phố Odessa, thành phố cảng nổi tiếng của Ucraina mà chúng tôi vẫn thích gọi là miền phượng trắng (akatsia).
|
Phố Puskin, nơi đại thi hào đã sống trong thời gian đi đày |
>> Xem những hình ảnh Odessa hôm nay
Akatsia - Loài hoa thanh khiết, còn gọi là cây xiêm gai nở trắng bên bờ biển mỗi độ hè sang, mà bất cứ ai khi đặt chân đến nơi này mỗi lần dạo bước từ Primorsky Bulva cho đến các bãi tắm Denphin và Arcadia đều ngất ngây trong hương thơm nồng nàn của nó. Có lần lang thang trên phố biển, tôi đã viết:
Thành phố ấy có lắm người quen
Thành phố xa bao giờ cũng nhớ
Hàng kastan rợp bên cửa sổ
Tháng Sáu về thơm akatsia.
Chia tay Odessa, chia tay hòn ngọc bên bờ biển Đen mà nữ hoàng Ekaterina đệ nhị đã ký quyết định thành lập vào năm 1794, mỗi du học sinh chúng tôi đều không khỏi cảm giác nhớ nhung, lưu luyến.
Một người bạn, qua Odessa thực tập tiếng Nga 10 tháng, sau 20 năm nay đã là một cán bộ của Công an Hà Nội, vẫn không quên giây phút bước chân lên tàu trở về quê hương: “Lúc đó tôi chỉ muốn nhảy ra khỏi con tàu để trở về với chiếc tranleibus số 2 quen thuộc, trở về với ngôi nhà số 2 Sepkina xiết bao thân thiết và hôn lên từng viên gạch, từng hàng cây, từng con phố thân yêu.
|
Cô gái Odessa bán hàng lưu niệm bên cầu thang Potemkin |
Hơn 20 năm đã trôi qua, càng ngày tôi càng thấm thía một điều - tình yêu dành cho Odessa ngày càng lớn trong tôi. Tôi nâng niu, chắt chiu mỗi kỷ niệm cho dù là nhỏ nhất. Mỗi cuộc gặp gỡ với bạn bè, mỗi mẩu tin về thành phố đều làm cho tôi bồi hồi, xao xuyến. Tôi thực sự biết ơn nhà thơ Chế Lan Viên vì ông đã giúp tôi và rất, rất nhiều những người bạn khác nữa nói lên được một phần nào tình cảm của "Người Biển Đen" chúng tôi với thành phố của mình: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".
Có một bài hát nổi tiếng thời chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết do nhạc sĩ Soloviov – Sedoi sáng tác: “Chiều hải cảng”. Bài hát được rất nhiều người Việt Nam ưa thích, bài hát không một từ Odessa nhưng mỗi khi cất lên ai cũng nghĩ về thành phố ấy. Tâm trạng của người lính chia tay người yêu ra chiến trường trên bến cảng, thổn thức, thương mến, nhớ nhung nhưng đầy kiêu hãnh, cũng là tâm trạng của mỗi chúng tôi khi chia tay thành phố này: “Thành phố xinh xắn mến yêu ơi, Ngày mai tôi sẽ cách xa người, Làn sóng gió vút cao, Biển khơi đón chúng ta, trên bờ bao khăn thắm vẫy chào xa”.
Từ Odessa, cũng như từ nhiều thành phố Xô Viết khác, đã biết bao thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh đã trở về Việt Nam, đã cống hiến xây dựng và bảo vệ đất nước nhưng trong họ vẫn đong đầy một miền ký ức về thành phố xinh xắn và cổ kính bên bờ biển Đen. Chúng tôi mong muốn và khát khao một lần trở về, bên mái trường xưa, thầy cô và bạn bè, về với những con đường mùa hè sang nồng nàn hoa phượng trắng.
|
Sinh viên khoa Văn Tổng hợp Odessa khóa 1984-1989 |
Vào "Người Biển Đen" lần này như lời nhắn tin của anh bạn, tôi đã gặp một trong những cuộc trở về ấy của những cô cậu sinh viên năm xưa giờ đã ở tuổi trên dưới 60, cái tuổi đã có thể tĩnh tâm nhìn lại quãng đời đi qua, những thăng trầm được mất, hiểu rõ những giá trị thiêng liêng và cao cả.
Dù hôm nay đã trở thành cha, thành mẹ, thành ông, thành bà, thành những doanh nhân thành đạt hay chỉ là những viên chức bình thường nhưng trong tất cả vẫn một vẻ hồn nhiên, lãng mạn, nghịch ngợm như tuổi mười chín, đôi mươi khi trở về miền ký ức đã đi theo họ mấy chục năm trời. Họ đã trở về đi trên những con đường lát đá xanh cổ kính, qua những ngôi nhà, ngõ phố còn in dấu của Puskin, của Gôgôn, của Gorki, của Akhmatova và rất nhiều bậc thiên tài khác.
Họ trở về bên ký túc xá nơi có những bà gác cổng hiền từ, nhân hậu, tay thoăn thoắt đan len nhưng không quên hỏi han tình hình của những chàng trai, cô gái đến từ Việt Nam. Họ trở về với ngôi trường mà những thầy cô năm xưa có thể không còn nữa nhưng từng giảng đường, lối đi vẫn đầy ắp những kỷ niệm của ngày hôm qua thật đáng yêu và trong sáng.
|
Sinh viên Bách Khoa Odessa về thăm trường cũ hè 2011 |
“Các bạn ơi, có ai còn nhớ về thiên tai ở Odessa khoảng mùa đông 1976 không? Mùa đông năm ấy lạnh đến nỗi đường ống đóng băng bị vỡ, ký túc xá mất điện mất nước, thực phẩm ở các cửa hàng hết nhẵn, may mà sinh viên ngoại quốc được ưu tiên mua 1/4 cái bánh mỳ. Không biết bên ký túc xá nam khắc phục khó khăn như thế nào? Còn bên bọn con gái chúng tôi phải lấy tuyết về, chẻ bàn ghế vào phòng rửa mặt đốt lửa đun nước pha chè để uống cho ấm.
Các lớp học không có lò sưởi lạnh run rẩy. Cây đổ làm tê liệt hệ thống tàu điện bánh hơi..., cây cối khắp nơi đóng băng như có hàng trăm lưỡi lê băng chĩa xuống đất, đi phía dưới sợ run. Sau đó vài ngày Odessa được các thành phố khác viện trợ thực phẩm, và có lẽ thời tiết khả quan hơn nên các hoạt động dần phục hôi. Để lại một kỷ niệm khó quên cho chúng ta các bạn nhỉ!”.
Quả thật, trong mỗi đời người, có những miền ký ức mà chạm vào đấy có gì thật thiêng liêng, nao nao đầy cảm xúc. Không quá lời khi quả quyết rằng, đối với rất nhiều thế hệ người Việt Nam có những năm tháng sống, học tập và làm việc ở đất nước Xô Viết, khi trở về quê hương đều nặng tình với miền bạch dương xa thẳm.
|
Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng Giám đốc Viettel (thứ hai từ phải sang) thăm ký túc xá |
Anh hùng Lao động Hoàng Anh Xuân, dù hôm nay đã là người đứng đầu một Tổng công ty mạnh, chèo lái đưa con thuyền Vietel tiến về phía trước trong sóng gió thị trường nhưng ông vẫn không thể quên ơn những thầy cô Xô Viết đã dìu dắt ông từ những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào ngôi trường Đại học Bách khoa Odessa, để hôm nay tìm lại một giảng đường xưa, một góc trường cũ, những ngày tháng đã qua, những khuôn mặt thân quen lại trở về đầy nghĩa tình lưu luyến.
Và Trần Minh Cả - dù luôn bận rộn với công việc của một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, những lúc bên bạn bè thân hữu, anh vẫn hát những giai điệu: “Đôi bờ”. Bài hát bao người Việt Nam ưa thích, bài hát anh đã hát những năm tháng dưới mái trường Kinh tế Odessa, trong các buổi sinh hoạt giao lưu dã ngoại. Bài hát mà ít người biết nó xuất phát từ Odessa, trong bộ phim “Khát”, về tình yêu thắm thiết của những người dân Odessa trong những tháng ngày máu lửa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc để làm nên một thành phố anh hùng (Odessa là một trong 15 thành phố anh hùng của Liên Xô trước đây).
|
Trước nhà hát lớn Odessa đẹp nhất châu Âu |
Có thể kể tên rất nhiều người đã học tập và trưởng thành từ thành phố này như nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân, Phó Tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Qui Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Việt Thắng...
Trở về nước, nhiều cựu du học sinh Odessa đã trở thành những nhà chính trị, những anh hùng, những doanh nhân, nhà thơ, nhà báo, nhà quân sự… Thời gian đi qua nhưng những năm tháng nơi miền đất xa xôi bên bờ biển Đen ấy vẫn không phai trong ký ức của bao người. Họ đã đến thành phố này, từ những năm tháng gian khó của đất nước trong chiến tranh ác liệt và cho đến những ngày hòa bình trong tình thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ của các thầy cô Xô Viết ở hàng chục trường Đại học của Odessa. Trên mảnh đất này, họ đã sống những tháng năm đẹp nhất, có buồn, có vui, có yêu thương và sẻ chia bên bạn bè, thầy cô.
Cảm nhận niềm hạnh phúc từ những anh chị lớp trên khi trở về với thành phố thân yêu của mình, tôi lại nhớ những tháng Tư hoa bồ công anh rực nở bên vạt cỏ ven con đường đến trường Đại học Tổng hợp, từ giảng đường nhìn ra những hàng cây trổ lá mướt xanh, cây tô pôn thả bông trắng lãng đãng giữa trời. Tôi nhớ những chuyến tàu điện đi luồn trong bóng lá của con đường Vô Sản, chạy qua mênh mang bờ sóng bên bãi biển Vàng, nơi có ngôi nhà tuổi thơ của nữ thi sĩ Anna Akhmatova.
|
Cầu thang Potemkin |
Tôi nhớ công viên Shevtrenco, nơi có con đường mang tên Tôn Đức Thắng, người thợ máy đã kéo cờ trên biển Đen vào năm 1919 ủng hộ Cách mạng tháng 10 Nga, sau này trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nhớ bến cảng luôn đông vui tấp nập, những bãi tắm ngập nắng khi hè sang. Và hơn hết, nhớ những người thầy, người cô đã tận tình chỉ bảo, dạy dỗ bao thế hệ sinh viên Việt Nam và những người dân Nga hiền lành nhân hậu luôn xem chúng tôi như những người thân của mình.
Odessa thân thương đến thế, nhiều kỷ niệm đến thế, nên mỗi cuộc chia tay và trở về đều là dấu ấn khó phai trong ký ức. Giờ đây, qua những thăng trầm và hạnh phúc, trong lo toan và bận rộn mỗi lần gặp lại nhau, trong chúng tôi vẫn vẹn nguyên những tình cảm chân thành, thương yêu, gắn bó của một “thời thanh niên sôi nổi” như một bài hát của Pakhmutova mà nhiều người Việt Nam thuộc lòng:
“Dù sương gió tuyết rơi
Dù vắng ngôi sao giữa trời
Hoà trái tim với tiếng ca
Thúc ta nhịp chân bước đường xa”.
Trà Xuân Phương
(Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.