Trở về sau 38 năm báo tử

Thứ ba, ngày 21/06/2011 11:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Liệt sĩ” Phạm Tuấn Hanh, sinh năm 1950 ở Kim Tân, Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã được người thân đưa về nhà sau thời gian dài tìm kiếm. Người cựu binh này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mới nảy sinh.
Bình luận 0

Hành trình đi tìm anh trai

Cả xã Kim Tân ồn lên về câu chuyện liệt sĩ 38 năm đã trở về. Giờ đây, ông Hanh đang sống với người anh cả Phạm Tuấn Xíu đã mất vợ mấy năm nay. Những ngày này, nhà ông Xíu đông vui hẳn lên vì bà con tới hỏi thăm.

Bà Phạm Thị Bình - em gái ông Hanh kể: “Hồi anh tôi đi B, tôi mới 4 tuổi, đến ngày 16.12.1973, gia đình nhận được giấy báo tử của anh nhưng vẫn chưa tin là anh tôi đã hy sinh vì chưa tìm thấy xác”.

img
Phạm Tuấn Hanh trong ngày nhập ngũ.

Năm 1993, từ Hải Dương, bà Bình bắt đầu hành trình tìm anh. Ròng rã hàng tháng trời, đi khắp các chiến trường miền Nam, hết sang Tây Ninh rẽ về Long An, đi theo địa chỉ Bộ Liên lạc 4b có trong bức thư anh trai gửi về từ chiến trường, đi mãi tiền cũng hết, thế là bà Bình đưa luôn gia đình vào Lâm Đồng định cư để tiện việc tìm anh.

Năm 2007, bà Bình tiếp tục cuộc tìm kiếm dò khắp các nghĩa trang miền Đông, miền Tây, đăng tin “Nhắn tìm đồng đội”. Bẵng đi một thời gian, bà lại nghe thông tin về một người trông rất giống anh mình đang ở Trà Vinh. Đến tháng 2.2011, bà Bình cùng cô bạn khăn gói vào xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, một người dân đã nhận ra tấm hình bà cho xem là ông Ba Bắc Kỳ từng gặt lúa thuê nhà anh. Như chết đuối vớ được cọc, bà bắt xe ôm vào từng nhà trong xã để hỏi.

Khoảng 20 hôm sau, bà Bình nhận được tin anh trai đang ở chợ Lớn (Trà Vinh), bà lại khăn gói đi lần nữa. Tới chợ Lớn, người ta bảo ông ở huyện Trà Cú. Đến Trà Cú thì người dân tộc ở đây bảo ông Ba Bắc Kỳ vừa xuống Đà Lạt làm ở trang trại hoa. Linh cảm của người cùng “máu mủ ruột già”, bà Bình tin chắc đấy là anh trai mình nhưng khi gọi điện, ông khăng khăng bảo: “Tôi không có em gái, tôi không có gia đình, tôi không phải là người họ Phạm”.

img
Phạm Tuấn Hanh của 38 năm sau.

Ông cho biết mình tên là Điểu Vấn. Cái tên ông già người Kà Tu đặt cho sau khi móc ông lên từ lòng đất sau một trận bom vùi. Từ đó, ông sống du canh du cư với ân nhân tên là Điểu Sang, khi ông Điểu Sang mất, ông lang thang đi làm thuê kiếm bát cơm ăn. Quần áo rách nát, không người thân thích, người ta thương tình thì cho ở nhờ, cho ăn cơm vài bữa rồi cho đi làm cùng. Cuộc sống của ông là một chuỗi ngày như thế với cái tên thường gọi là ông Ba Bắc Kỳ.

Khó khăn ngày gặp lại

17 giờ chiều ngày 25.4.2011, bà Bình bắt xe từ Trà Vinh lên Lâm Đồng. Cả đêm trằn trọc không sao chợp nổi mắt, bà chỉ mong trời mau sáng để đi Đà Lạt tìm gặp anh trai. Một người xe ôm chỉ cho bà tìm vào lán hoa của ông Tứ Quý - nơi có ông Ba Bắc Kỳ đang làm việc.

Sau phút giây bàng hoàng 43 năm mới gặp lại anh, trước mắt bà Bình lúc này là một ông già tiều tụy, nhưng vẫn còn những đường nét của ngày xưa trong tấm ảnh để lại cho gia đình. Bà Bình ôm chầm lấy anh, nhưng ông Hanh vẫn lạnh lùng như một người xa lạ, ông kiên quyết không nhận người thân.

Phải lân la mãi, bà Bình dỗ: “Ông Hanh cứ lên chơi nhà em, không đúng là anh của em thì em sẽ bảo cháu đưa anh về chỗ cũ”. Và bà hứa trả tiền ngày công làm việc hôm ấy thì ông Hanh mới chịu theo bà về Lâm Đồng chơi.

img
Niềm vui đoàn tụ của đại gia đình ông Phạm Tuấn Hanh.

Bà Bình đưa ông đi thử máu để nhận huyết thống và bà mừng đến chảy nước mắt khi anh em bà cùng nhóm máu O. Sau 2 ngày ở nhà em gái, đi làm nương rẫy cùng cháu, nghe cháu kể về ông bà, về quê Hải Dương thì ông Ba Bắc Kỳ mới vui sướng thốt lên: “Đúng tao là Phạm Tuấn Hanh rồi. Tao còn có anh trai tên Xíu, người yêu tên Hồng làm ở thủy sản ở Hải Phòng”.

Những ký ức đầu tiên về người thân của ông Hanh làm cả nhà bà Bình mừng rơi nước mắt… Hai hôm sau, ông Hanh sốt ruột giục em gái đưa ông về quê trong sự ngỡ ngàng của cả làng, cả xã.

Cả đời anh tôi coi như chẳng có gì cả, chẳng vợ, chẳng con. Mấy chục năm tha hương không nhớ nổi tên mình, không biết đâu là quê nhà, lang thang cắt lúa, cuốc mướn cho người ta để sống qua ngày. Tôi chẳng có mong ước gì hơn là anh tôi được thừa nhận là thương binh.

Giờ đây về quê, ông Hanh không có một quyền lợi gì của một người sống vì ông vẫn là một liệt sĩ. Những ngày này, ông được ông Xíu chăm sóc nhưng những di chứng của chiến tranh vẫn ngày đêm đeo bám ông Hanh. Có đêm đang ngủ, ông lao dậy chạy ra sân hô to: “Có bom, có bom” làm người nhà phát hoảng. Vì vậy, tối nào ông Xíu cũng phải khóa chặt cửa lại để canh em.

Thần kinh không ổn định, về nhà ông Hanh chẳng chịu ngồi yên mà lang thang khắp xóm. Hễ được ai đón đi chơi là ông Xíu dặn mọi người phải trông ông Hanh cẩn thận. Gia đình ông chỉ có một mong ước duy nhất là ngành thương binh xã hội của địa phương làm các thủ tục để công nhận ông Hanh là một thương binh và còn sống trở về sau 38 năm mất tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem