Em N. T. T.N - học sinh lớp 12, Trường THPT Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nhà rất nghèo. Cha mẹ tằn tiện, dành dụm cả năm mới mua được cho em chiếc xe đạp 1,2 triệu đồng để đi học. Đến trường, N dựng xe đúng nơi quy định và khóa lại cẩn thận vậy mà chiếc xe vẫn không cánh mà bay.
Chuyện mất xe đạp, máy tính bỏ túi, tiền bạc... của học sinh xảy ra như cơm bữa ở nhiều trường học, nhất là bậc THCS và THPT. Tại Quảng Ngãi còn xảy ra tình trạng nhiều học sinh khi ra nhà vệ sinh hoặc trên đường đi học về đến chỗ vắng, thỉnh thoảng lại bị thanh niên, học sinh xấu chặn lại "xin đểu".
Nếu không đưa, liền bị trấn lột, ăn đấm, đá ngay và nhận lời đe dọa: "Mày mà báo thầy cô, cha mẹ là hết đường sống với bọn tao". T.V.T - học sinh lớp 9, ở thị trấn Sơn Tịnh cho biết: "Em đã vài lần bị “xin đểu” mà không dám nói với bố mẹ vì sợ bị trả thù".
Tình hình trộm cắp trong sinh viên phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều. Sinh viên Nguyễn Văn Minh - Trường ĐH Đà Nẵng cho biết, em từng là nạn nhân của 8 lần trộm cắp và trấn lột, lúc mất mấy trăm ngàn, khi vài cái áo, cái quần mới may... Dịp cuối năm, kẻ xấu thường lẻn vào ký túc xá, chỗ trọ rồi "khoắng" sạch tài sản.
Huỳnh Văn Tuấn - lớp kế toán K45, Trường Cao đẳng Tài chính Quảng Nam cho biết: "Sinh viên ở tập thể, ký túc xá như tụi em bị mất cắp đồ đạc, vật dụng học tập nhiều lắm. Có bữa, một phòng mất 6 -7 cái điện thoại di động, biết đối tượng lấy đấy nhưng chẳng có chứng lý đành chịu".
Để bắt quả tang và xử lý những đối tượng trộm cắp là điều rất khó khăn, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên câu kết với thanh niên bên ngoài để ăn cắp của bạn. Nhiều vụ việc mất cắp được báo lên nhà trường, bảo vệ vào cuộc nhưng thành công thì ít, thất bại thì nhiều.
Đỗ Tấn Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.