Trong 2 năm, trên 28.000 sinh viên học ngành nông nghiệp, 160 doanh nghiệp ký kết hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Trong 2 năm, trên 28.000 sinh viên học ngành nông nghiệp, 160 doanh nghiệp ký kết hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 12/11/2024 15:25 PM (GMT+7)
Năm 2023 và 2024, các trường đào tạo thuộc Bộ NNPTNT đã tuyển sinh được 28.000 sinh viên. Dự kiến, giai đoạn 2025 - 2027, tuyển sinh trên 47.000 sinh viên, học sinh đăng ký học các ngành nông nghiệp chiếm 30% đối với trình độ đại học, 20% đối với trình độ cao đẳng và trung cấp.
Sáng nay, ngày 12/11, tại Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị đào tạo năm 2024 với chủ đề: "Đẩy mạnh tự chủ, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn".
160 doanh nghiệp "bắt tay" ký kết hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NNPTNT) cho biết, giai đoạn 2022-2024, đã sắp xếp tổ chức lại 28 trường cao đẳng thuộc Bộ thành 24 trường cao đẳng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo địa bàn trọng điểm.
Đồng thời kiện toàn hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng như xây dựng chiến lược phát triển các trường trực thuộc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Đối với công tác tuyển sinh, năm 2023 và 2024, các cơ sở của Bộ đã tuyển sinh được 28.000 sinh viên; giai đoạn 2021 - 2024, tuyển sinh được 337 tiến sĩ, 4.474 học viên thạc sĩ; năm 2023 đào tạo trên 6.000 sinh viên hệ Cao đẳng và trên 20.000 hệ Trung cấp; Tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 24.464 học sinh năm 2023 và 20.384 trong năm 2024.
Theo ông Giang, ngoài công tác tuyển sinh, công tác phát triển đội ngũ giảng viên cũng được Bộ NNPTNT, các trường, viện dành sự quan tâm rất lớn, cụ thể: Đổi mới phương thức, quy chế tuyển dụng theo hướng khách quan, công bằng, cạnh tranh; xây dựng chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho giảng viên đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí khác nhau...
Cũng theo ông Giang, điểm nhấn nổi bật trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp thời gian qua, đó là, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị hợp tác kết nối cung cầu trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn năm 2023 và các hội nghị vùng để tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp ký kết các thỏa thuận hợp tác đào tạo.
Tại 3 Hội nghị vùng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trực tiếp chứng kiến việc trao thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở đào tạo của Bộ và một số trường ngoài Bộ có đào tạo nông lâm nghiệp với 160 doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước.
Trong 160 doanh nghiệp đã tham gia ký kết, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH De Heus Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, Công ty DABACO… Nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia cũng tham gia ký kết như: Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn), Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina…
"Hợp tác với doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực cho các trường, giúp các trường có thêm các nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng quản trị; xây dựng uy tín, quảng bá hình ảnh và tăng cường tuyển sinh; tận dụng các máy móc thiết bị, cơ sở vật chất và các nguồn lực của doanh nghiệp phục vụ giảng dạy; đa dạng hóa nguồn thu, giúp nâng cao khả năng tự chủ tài chính, tạo điều kiện nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư duy thị trường cho đội ngũ giảng viên; nâng cao tinh thần khởi nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm sau khi ra trường", ông Ngô Hồng Giang, đánh giá.
Ông Giang cho biết, giai đoạn 2025 - 2027 các cơ sở đào tạo thuộc Bộ sẽ tuyển sinh 47.000 sinh viên (trung bình mỗi năm tuyển gần 16.000 sinh viên) hệ Đại học; 17.000 sinh viên (trung bình mỗi năm tuyển gần 6.000 sinh viên) hệ Cao đẳng; 42.000 học sinh (trung bình mỗi năm tuyển 14.000 học sinh) hệ Trung cấp; 72.000 học sinh (trung bình mỗi năm tuyển hơn 24.000 học sinh) được đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.
Mục tiêu của Bộ NNPTNT đến năm 2030, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Đưa tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp, trong đó, tỷ lệ đăng ký học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản chiếm từ 12,6 - 40%, tùy từng cấp trình độ đào tạo.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt 60%
Liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cho hay, các địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo cho 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Hiện nay, có 285 cơ sở đào tạo tham gia vào đào tạo nghề nông nghiệp.
Bộ NNPTNT cũng ban hành Quyết định về việc triển khai đào tạo nghề nông thôn trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đến nay bước đầu đã hình thành được hệ thống các tài liệu, chương trình đào tạo mới, như: xây dựng được 2 chương trình, giáo trình, học liệu điện tử nghề trồng hoa công nghệ cao và sản xuất rau quả an toàn; xây dựng sổ tay, cẩm nang hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ một số nghề chủ lực (sản xuất nấm, xử lý chất thải nông nghiệp sau thu hoạch làm phân hữu cơ, sử dụng máy cơ giới hóa nông nghiệp...).
Bộ NNPTNT cũng giao các trường, đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho trên 4.700 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động thu nhập thấp; trên 1.200 lao động nông thôn được học nghề sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Tuy nhiên, theo bà Yến, kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn so với kế hoạch đề ra của Quyết định số 3685 của Bộ NNPTNT mới chỉ đạt 60%. Bên cạnh đó, một số đơn vị không thực hiện được, phải trả lại ngân sách nhà nước vì địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó tuyển sinh...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, phát triển nông nghiệp sẽ theo hướng hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường. Vì vậy, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cần đổi mới để phù hợp với xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải... sẽ là "cơ hội, thời cơ cho các trường trong đào tạo nhân lực".
Để nắm bắt cơ hội này, các cơ sở đào tạo phải đổi mới tư duy đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học... ngoài ra, cần mở rộng các ngành đào tạo, các môn học cũng cần có sự tích hợp để nâng cao trong hiệu quả kinh tế, chuyên môn, môi trường.
Trước yêu cầu tự chủ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, có 3 nguồn thu cho các cơ sở đào tạo, đó là: học phí, sản phẩm khoa học và vị thế của trường. "Các trường của Bộ NNPTNT tuy nằm tại các tỉnh nhưng có vai trò, vị thế đại diện cho vùng. Mỗi trường đều có những lợi thế riêng, do đó, để tự chủ được các trường phải phát huy lợi thế này, thay vì chỉ quan tâm từ học phí", ông nói.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của các viện, trường trong xây dựng đội ngũ các chuyên gia trong từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp, nhà khoa học đủ năng lực nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ hiện đại. Ông cho rằng, "một người được đào tạo bài bản, chuyên sâu nhưng chưa chắc đã phải là một chuyên gia. Ngoài yếu tố về chuyên môn, chuyên gia cần phải có kinh nghiệm thực tế, am hiểu kinh tế - xã hội".
Từ thực tiễn này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các viện, trường cần xây dựng tiêu chí cụ thể của "chuyên gia". Đồng thời, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Bộ từ các trường Đại học Cao đẳng, từ đó sử dụng, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia này trong ứng dụng, phát triển cho nông nghiệp nước nhà.
Là một trong 4 cơ sở giáo dục Đại học trực thuộc Bộ NNPTNT, ông Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang cho hay, trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đã không ngừng lớn mạnh, cả về quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu. Hiện tại nhà trường có 4 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 19 ngành đào tạo trình độ đại học, phục vụ cho nhu cầu đa dạng về nhân lực chất lượng cao của các địa phương trong cả nước cả ở lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển được Đảng, Nhà nước, Bộ NNPTNT cũng như các địa phương ghi nhận. Trong đó, danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới là thành tích cao nhất mà Nhà trường đạt được.
"Để có những thành tích đáng tự hào như ngày hôm nay, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc và của các viện, trường thuộc Bộ. Hội nghị công tác đào tạo năm 2024 là dịp để tập thể sư phạm Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang được học tập, tiếp thu những kinh nghiệm hay của các đơn vị, trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường", ông Dương khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.