Dưa hấu rớt giá, ùn tắc ở cửa khẩu: Nông dân “tự bơi” giữa ruộng

Công Xuân- Hùng Phiên- Trương Hồng Thứ năm, ngày 09/04/2015 17:36 PM (GMT+7)
Trong mấy ngày gần đây, tại cửa khẩu quốc tế Tân Thanh (Lạng Sơn), đã có hàng nghìn  xe container chở dưa hấu bán sang Trung Quốc bị ách tắc. Điều đó kéo theo hệ lụy, tại nhiều vùng dưa ở miền Trung, dù đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng người dân không bán được dưa và họ đang “tự bơi” giữa ruộng...
Bình luận 0

Khóc dở, mếu dở với dưa

Với 400-500ha, Đức Phổ là một trong những địa phương có diện tích dưa hấu lớn nhất ở Quảng Ngãi. Sau niềm vui ngắn vì giá dưa đầu vụ đạt 5.000-7.000 đồng/kg, hiện người dân nơi đây đang dở khóc dở mếu vì dưa hấu đầy đồng nhưng thương lái không đến hỏi mua. Gặp chúng tôi, chị Võ Thị Huệ (35 tuổi, ở thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ) thở dài chia sẻ: “Vụ dưa hấu năm nay, ngoài 2 sào đất của gia đình, vợ chồng thuê thêm 4 sào nữa để trồng. Đến ngày thu hoạch, chúng tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi vẫn không tìm được người mua, dẫn đến 1/3 diện tích dưa đành bỏ thối rữa”.

img
Cùng với ND nhiều huyện trong tỉnh Quảng Ngãi, người trồng dưa ở huyện 
Mộ Đức cũng buồn lo vì dưa ế, giá thấp thê thảm. Ảnh: C.X
Tiếc cho tiền bạc và công sức đã bỏ ra, mấy ngày qua, chị Huệ huy động chồng và người thân ra thu hoạch và chở đi bán lẻ khắp nơi. Tuy nhiên, vì người bán đông hơn người mua nên số tiền thu về cũng chỉ được 70.000-100.000 đồng/ngày.

Anh Lê Văn Đức ở cùng thị trấn Đức Phổ cũng than thở: Với 3 sào đất thuê, tôi đã đầu tư gần 15 triệu đồng để trồng dưa. Thế nhưng giờ tìm hỏi khắp nơi cũng không có người mua. Một người bạn buôn dưa thương tình nhận chở giúp ra cửa khẩu Tân Thanh để bán sang Trung Quốc. Vừa rồi bạn gọi về cho biết dưa ngoài này dồn ứ rất lớn nên không biết có bán kịp hay không. Coi như số tiền đầu tư khó mà thu hồi được, nói gì lãi.

Không chỉ Đức Phổ mà nhiều huyện khác trong tỉnh cũng lâm vào trường hợp này. Anh Võ Hồng Quân (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) cho biết: Với 4 sào dưa đã trồng, 2 vợ chồng phải chở thương lái đến tận ruộng mới bán được một ít với giá 1.000 đồng/kg...

Theo những người trồng dưa, mọi việc tiêu thụ hiện nay đều do họ tự thân vận động, chưa thấy chính quyền, ngành chức năng có động thái gì hỗ trợ bà con...

Chính quyền đợi... báo cáo

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên nói: “Hàng trăm ha dưa hấu được chuyên canh tại Phú Yên, hầu hết đều của nông dân Bình Định vào thuê đất để trồng. Tỉnh không khuyến khích phát triển tràn lan cây dưa hấu nhưng việc sản xuất này là quyền của nông dân, giá cả do nhu cầu thị trường quyết định”. Ông Tùng kiến nghị: “Ở tầm cả nước, tôi đề nghị T.Ư cần có chính sách xuất khẩu chính ngạch đối với dưa hấu, để có thể hỗ trợ hoặc bảo hộ đối với người sản xuất”.

Tại Quảng Nam, đợt lũ bất thường mới đây cũng khiến nhiều diện tích dưa ngập nước, mất trắng. Ông Lê Muộn- Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: “Chúng tôi đang nắm lại thiệt hại cụ thể của từng nông dân để đề xuất tỉnh hỗ trợ phân bón giúp bà con sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Nhưng đến nay Sở vẫn chưa nhận được bất cứ tờ trình nào của địa phương về việc hỗ trợ kinh phí hay vật tư cho nông dân bị thiệt hại, mà chỉ mới nhận báo cáo chung chung của các huyện thôi”. Ông Muộn cũng giãi bày: “Sở cũng liên tục điện thoại hối thúc các huyện sớm có tờ trình để trình UBND tỉnh hỗ trợ kịp thời cho nông dân sớm sản xuất vụ mới...”.

“Mỗi trái dưa là một tấm lòng” là khẩu hiệu của nhóm thanh niên có sáng kiến lập các điểm bán dưa hỗ trợ tiêu thụ dưa cho đồng bào miền Trung tại các địa điểm ở Quảng Nam (giá 3.000 đồng/kg) và hiện đã mở rộng ra Hà Nội. Giá dưa bán tại Hà Nội từ 5.000-7.000 đồng/kg và  được rất nhiều người tham gia mua ủng hộ. 
Ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):Giải quyết ngay 2 điểm vướng 

Điểm thứ nhất là các địa phương nên có khuyến cáo, chỉ đạo, hỗ trợ cho nông dân trồng dưa lệch vụ để kéo dài thời gian thu hoạch dưa hấu. Hiện nay thu hoạch dưa chỉ đúng 1 tháng và sản lượng quá lớn thì không thể không tắc đầu ra. Vấn đề thứ hai là, thương lái đưa dưa lên biên giới nhưng không phân loại, đóng gói mà cho hàng lên rồi mới nhặt, đếm, phân loại thì quá mất thời gian để có thể thông quan. Chúng tôi khuyến cáo thương lái hãy phân loại sản phẩm ngay từ ruộng, đóng vào sọt- điều này đã nói nhiều song không ai làm, từ đó gây tình trạng ách tắc. 

Ông Phạm Tất Thắng - Chuyên gia kinh tế:Thuê tư vấn nghiên cứu thị trường 

Vụ thu hoạch dưa hấu tập trung trong thời gian ngắn, nhưng khâu chế biến bảo quản của ta đến nay chưa làm được. Biện pháp dài hơi để khắc phục tình trạng này, theo tôi ngoài việc khuyến khích, tuyên truyền đầy đủ cho bà con nông dân khi đưa hàng lên biên giới, thì việc đầu tư kho bãi để bảo quản hàng hóa tốt hơn, xây dựng trung tâm thu mua phân phối là mới là cốt yếu. Đặc biệt, các bộ ngành nên nghĩ đến biện pháp dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn Trung Quốc hoặc thuê nhà tư vấn “ăn ngủ” tại Trung Quốc nghiên cứu đưa ra phương hướng để thâm nhập thị trường này cho các mặt hàng nông sản mang tính thời vụ. 

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội:Cần có quy hoạch vùng trồng dưa

Vấn đề chính là công tác quản lý, dự báo và định hướng của chúng ta, trực tiếp là Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương còn hạn chế. Các bộ, ngành cần có cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch, tránh thiệt hại kinh tế, tổn thất cho doanh nghiệp và nông dân.

Mai Hương (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem