Không chỉ tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống mà mô hình kết hợp này còn mở ra nhiều triển vọng cho người dân địa phương.
Anh Võ Hoàng Khải, ở Ấp 13, xã Khánh An là một trong những người tham gia trồng bông súng, cho biết, trước đây ngoài trồng lúa trên phần đất nông nghiệp, lên bờ bao trồng hoa màu thì diện tích mương dưới bờ bao thường bỏ trống. Khoảng 2 năm trở lại đây, thấy nhu cầu thu mua bông súng của thương lái tăng nên anh Khải tận dụng bông súng cơm tại địa phương trồng dưới mương, xung quanh diện tích đất nông nghiệp của gia đình.
Mỗi hộ có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng từ bông súng.
Thật bất ngờ là bông súng thích hợp với vùng đất và nước nơi đây nên phát triển khá tốt. Hiện nay, anh Khải đã nhân rộng bông súng toàn bộ diện tích mặt nước mương bờ bao của gia đình với chiều dài 1.000m, ngang 5 m. Với diện tích bông súng này, cứ 2 ngày anh thu hoạch được từ 40-50 kg bông súng. Hiện bông súng được thương lái thu mua với giá 8 ngàn đồng/kg nên mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập khá.
Anh Khải chia sẻ: “Trồng bông súng rất nhẹ công chăm sóc, chỉ cần dọn cỏ, cải tạo nước nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu nhập từ 5-6 triệu đồng tiền bán bông súng, nhờ vậy cuộc sống cải thiện hơn trước rất nhiều”.
Hiện nay, bông súng được xem là loại rau sạch, chế biến được nhiều món ăn nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Chính vì thế, đầu ra cũng như giá cả của bông súng hiện rất ổn định nên mang về cho người dân nguồn thu nhập khá.
Ngoài nguồn thu nhập trực tiếp từ bông súng, bà con nông dân trên địa bàn Ấp 13 còn kết hợp nuôi cá đồng. Việc trồng bông súng kết hợp nuôi cá đồng mang lại hiệu quả kép, cá nuôi dưới chân bông súng có lượng thức ăn phong phú nên cá rất mau lớn và đạt đầu con, lượng cá này sẽ mang về nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân ở vụ mùa sau.
Trưởng Ấp 13 Dương Ngọc Sinh cho biết: “Có thể nói, mô hình trồng bông súng kết hợp nuôi cá đồng đã và đang mở ra nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Khánh An nói riêng, huyện U Minh nói chung. Không chỉ giải quyết việc làm, giúp tăng thu nhập cho người dân, mà còn thích ứng khá tốt với tình hình thời tiết cực đoan, diễn biến phức tạp như hiện nay. Chính vì thế, mô hình hiện đang được nhiều hộ dân tại địa phương quan tâm nhân rộng.
Trần Thể (Báo Cà Mau)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.