Mỗi năm vườn cam mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho gia đình anh Ngô Quang Tuấn. Ảnh: Thu Hà
Năm 1994 nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương thích hợp với cây cam, anh Tuấn cải tạo 1ha đất đồi vốn trồng keo sang trồng cam sành. Ngày mới bắt tay vào làm, anh Tuấn gặp vô vàn khó khăn, nhất là khâu xử lý bệnh dịch trên cây cam. Không nản, anh tìm đến những người trồng cam trong vùng chia sẻ, học hỏi kỹ thuật trồng.
“Người có công, cam chẳng phụ. Đến năm thứ 4 vườn cam đã cho thu hoạch. Cầm trên tay những quả cam sành to, mọng nước vợ chồng tôi ứa nước mắt vì hạnh phúc. Năm đầu tiên thu hái cam, trừ chi phí tôi lãi hơn 60 triệu đồng” - anh Tuấn thổ lộ.
Thấy cây cam đem lại thu nhập cao, anh Tuấn tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cam. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó với cây cam sành, anh đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm và tự tin mở rộng diện tích trồng cam lên 10ha. Ngoài ra, năm 2014, anh Tuấn còn ký hợp đồng làm đại lý cấp 1 cho các công ty vật tư phục vụ cho việc trồng cam.
“Do Cam sành Bắc Quang đã xây dựng thương hiệu nên những năm gần đây cam tiêu thụ rất dễ dàng. Hiện với 10ha cam sành, trong đó 6ha cam đang cho quả, mỗi năm tôi có khoản thu khoảng 1 tỷ đồng. Tuy cho thu nhập cao nhưng công việc trồng cam vất vả như chăm con mọn” - anh Tuấn bộc bạch. Anh Tuấn cho biết thêm: “Cam là loại cây khó tính, đòi hỏi người trồng phải cần mẫn và nắm chắc quy trình kỹ thuật chăm sóc từ lúc cây non đến khi cho thu quả”.
Giàu có nhưng vợ chồng anh Tuấn sống rất tình nghĩa với làng xóm. Vợ chồng anh đã giúp nhiều hộ nghèo trong xã bằng hình thức bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm không tính lãi và còn tư vấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng cam của mình cho các hộ khác để cùng có thu nhập cao từ loại cây này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.