Trồng cây ăn trái chuyên nghiệp, tăng hiệu quả, giảm chi phí

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 03/09/2022 19:00 PM (GMT+7)
Mặc dù được coi là ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch trái cây của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều khâu vẫn làm thủ công là chính, như thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân...
Bình luận 0
gop/Trồng cây ăn trái chuyên nghiệp - giảm chi phí, tăng hiệu quả - Ảnh 1.

Thu hoạch vườn chanh tại Tiền Giang. Ảnh: VOV

"Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây, hình thành các tổ dịch vụ cơ giới hóa. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các đề tài khoa học về cơ giới hóa trong nông nghiệp…".

Ông Nguyễn Đức Long

Chuyên nghiệp hóa nghề sản xuất cây ăn trái

Tại hội thảo cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn trái do Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2021, cả nước có 1,18 triệu ha cây ăn trái. Xuất khẩu trái cây đã mang về cho đất nước hơn 3 tỷ USD. 

Theo ông Tiến, trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của cả nước. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trái cây thì tất yếu phải đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch.

Ông Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết, thời gian qua việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trái cây vùng ĐBSCL bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. 

Cụ thể, tại vùng trồng trên 15.000ha cây sầu riêng chuyên canh của huyện Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhà vườn đã ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa vào việc chăm sóc vườn cây. Các công đoạn như bơm nước ra vào vườn cây, tưới cây, phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây đều được cơ giới hóa 100%.

gop/Trồng cây ăn trái chuyên nghiệp - giảm chi phí, tăng hiệu quả - Ảnh 3.

Máy bay không người lái thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật trên vườn điều ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đại Thành

gop/Trồng cây ăn trái chuyên nghiệp - giảm chi phí, tăng hiệu quả - Ảnh 4.

Trong khi đó, ông Võ Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định Tiền Giang đang là địa phương có tỷ lệ cơ giới hóa cao trong sản xuất cây ăn trái. 

Trong đó, cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 84,3%, bơm tát bằng động cơ chiếm 100%, phun thuốc BVTV bằng máy chiếm 100%, ứng dụng hệ thống tưới nước phun mưa vào sản xuất chiếm 59% diện tích.

Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là so với cây lúa, mức độ cơ giới hóa đối với sản xuất cây ăn trái còn nhiều hạn chế. Các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái tại cả nước hiện nay mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, chăm sóc, còn lại các khâu khác chủ yếu thực hiện bằng lao động thủ công.

Theo ghi nhận của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong sản xuất trái cây thì cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%, khâu chăm sóc đạt từ 70 - 80%, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch khoảng 20%...

Tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành cho biết: Quá trình phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai mô hình trình diễn ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy bà con nông dân rất mong muốn có cơ hội sử dụng máy bay không người lái vào chăm sóc cây ăn trái, bởi bà con đã nhìn thấy giá trị thực tế mà máy móc mang lại. Đó là giảm công lao động, khỏe người.

"Với cây lúa, nông dân có thể lội ruộng dễ dàng để phun thuốc BVTV, nhưng cây ăn quả, cây công nghiệp thì bà con không thể nào trèo lên ngọn cây để phun được. Còn đứng ở dưới gốc cây để phun thì hiệu quả rất thấp, và cực kỳ độc hại. Mỗi khi phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bà con phải mặc áo mưa trùm kín người. Và khi phun xong thì không khác nào vừa tắm mưa, cực kỳ độc hại. Trong khi sử dụng máy bay không người lái sẽ khắc phục được tất cả những hạn chế này" - ông Trường khẳng định.

Theo ông Trường, nhu cầu cơ giới hóa đồng ruộng ngày càng lớn, nhưng cái khó hiện nay là bà con không có tiền để đầu tư. Đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, bà con thường không có thói quen tích lũy nên để bỏ ra 400-600 triệu đồng mua 1 máy bay không người lái là rất khó. Do vậy, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc khơi thông nguồn vốn cho vay, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, cũng như tạo điều kiện cho bà con tích tụ ruộng đất để máy móc đi vào đồng ruộng thuận lợi hơn.

Để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hiệu quả trong sản xuất trái cây vùng ĐBSCL cũng như các vùng khác, TS Võ Hữu Thoại - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho rằng, cần phải quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung nhằm phát triển thành vùng chuyên canh thuận lợi trong việc cơ giới hóa. Nghiên cứu lựa chọn, bảo trì và vận hành những trang thiết bị, máy móc phù hợp quy mô từng vườn cây ăn quả; thâm canh theo tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP…

Còn ông Nguyễn Đức Long - Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần xác định tiềm năng và lợi thế của từng vùng để lựa chọn các máy móc, thiết bị phù hợp với từng loại trái cây. Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tập trung đất đai để hình thành cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ giới hóa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem