Thức ăn cho heo, gà chứa dược liệu có lợi đơn, lợi kép gì mà ở Gia Lai thấy nhiều nhà sử dụng?

Thứ ba, ngày 18/07/2023 05:16 AM (GMT+7)
Mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu tại địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh vừa được một số hộ dân tại thị trấn Kbang (tỉnh Gia Lai) triển khai. Hướng đi mới này được kỳ vọng giúp các hộ chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Hương (tổ 1, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp và công nghiệp. Đàn gà thả vườn của gia đình chị được nuôi khép kín từ khâu chọn giống đến khi xuất chuồng. 

Tuy nhiên, việc áp dụng không đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

“Năm 2020, khi được chọn tham gia mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu tại địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh, 1.000 con gà của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Khi tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 30% giống và nguồn thức ăn”-chị Hương cho biết.

Theo chị Hương, khi sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu, đàn gà hầu như không bị nhiễm bệnh dù không sử dụng kháng sinh. 

Việc duy trì loại thức ăn này đã tạo ra nguồn sản phẩm sạch, người tiêu dùng rất thích bởi độ ngọt và dai của thịt gà. Chính vì thế, đàn gà của chị Hương được xuất bán với giá 160-180 ngàn đồng/kg, cao hơn thị trường.

Thức ăn cho lợn, cho gà có chứa dược liệu lợi đơn, lợi kép gì mà ở Gia Lai thấy nhiều người áp dụng? - Ảnh 1.

Gia đình chị Lê Thị Hương (tổ dân phố 1, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phấn khởi khi mô hình sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu trong chăn nuôi gà thả vườn cho hiệu quả cao. Ảnh: M.K

Ông Phan Đình Hân-nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho hay: Mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn có trộn dược liệu tại địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh được triển khai từ năm 2020 đến 2023 với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng do Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) chủ trì. 

Theo đó, Trung tâm đã chọn 6 hộ chăn nuôi (4 hộ nuôi gà và 2 hộ nuôi heo) tham gia mô hình. Qua theo dõi, mô hình rất có triển vọng và có thể nhân rộng trên địa bàn bởi cách thức triển khai thực hiện không quá phức tạp; nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông hộ.

“Sau khi tham gia mô hình, người chăn nuôi nắm chắc quy trình sản xuất, có thể chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ trong vùng, xúc tiến chăn nuôi an toàn thành phong trào rộng khắp”-ông Hân nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Quân-Chủ nhiệm mô hình: Hiện nay, người dân Gia Lai sử dụng dược liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm chủ yếu dựa trên các phương pháp dân gian. Cách sử dụng dược liệu trong chăn nuôi còn thô sơ và không thể bảo quản lâu. 

Nhằm góp phần khai thác tiềm năng của thảo dược trong chăn nuôi sạch, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành điều tra tình hình chăn nuôi, việc trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng mô hình chăn nuôi có sử dụng dược liệu.

“Chúng tôi đã tìm ra các loại dược liệu có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn, không sử dụng thuốc kháng sinh như: hoàn ngọc, dã quỳ, cỏ xước, ngũ sắc, cỏ lào, mơ lông, kinh giới… 

Đây là những loại dược liệu có thể sử dụng để phòng và trị bệnh cho heo, gà. Cùng với đó, chúng tôi xây dựng quy trình kỹ thuật thu hái-chiết tách-phối trộn các nhóm dược liệu tiềm năng tạo ra hỗn hợp có phổ kháng khuẩn rộng; xây dựng quy trình sử dụng các loại thức ăn chứa hỗn hợp dược liệu thay thế chế phẩm kháng sinh trong chăn nuôi cho 2 loại gia súc, gia cầm chính là heo và gà; xây dựng mô hình chăn nuôi heo thịt, gà thịt có sử dụng dược liệu trong thức ăn thay thế thuốc kháng sinh”-Tiến sĩ Quân nói.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phương Mai-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai-đánh giá: “Việc nghiên cứu và sử dụng các chế phẩm từ cây dược liệu để bổ sung vào thức ăn nhằm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi là bước đi quan trọng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, phù hợp với xu thế phát triển. 

Từ mô hình này, chúng tôi đã có danh mục dược liệu tiềm năng địa phương cần phát triển để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất các chế phẩm bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm thay thế kháng sinh”

Mai Ka (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem