Bộ Y tế vừa phát động chiến dịch “Bữa ăn an toàn” vào dịp Tết Nguyên đán 2013. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn khó có thể có bữa ăn an toàn khi các vấn đề về vệ sinh, chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm nhập lậu vẫn chưa thể kiểm soát. Ngày 30.11, PV NTNN đã phỏng vấn ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về vấn đề này.
Ông Trung cho biết: Thực phẩm có nhiều mặt hàng có vấn đề, đặc biệt là hàng nhập lậu và cứ có tiêu thụ là có nhập lậu. Gần đây nổi cộm nhất là vấn đề gà nhập lậu. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) phối hợp với Bộ NNPTNT đã tiến hành lấy mẫu gà ở Lạng Sơn và kiểm tra. Kết quả cho thấy, khoảng 20% mẫu gà có tồn dư kháng sinh cao, trong đó có cả nhóm kháng sinh đã bị nghiêm cấm sử dụng trong chăn nuôi nhiều năm nay.
Hiện nay, với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, UBND TP.Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành, tình trạng gà sống nhập lậu đã giảm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, xu hướng gà đã giết mổ đông lạnh chắc chắn sẽ tiếp tục bị tuồn vào nội địa.
|
Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra nhiều mặt hàng trước Tết Nguyên đán (ảnh minh họa). |
Còn tình hình các mặt hàng thực phẩm khác thế nào, thưa ông?
- Tình trạng thực phẩm vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều. Đặc biệt là việc dùng phụ gia thực phẩm tạo màu, bảo quản thực phẩm, hóa chất làm hoa quả chín sớm không rõ nguồn gốc, chất cấm diễn ra khá phổ biến. Gần đây, một số báo chí đã đưa tin về thịt hổ khô không rõ nguồn gốc, đang bán ở một số cổng trường cấp 1-2 - cũng là một trong nhiều mặt hàng nhập lậu qua biên giới. Hiện, Cục cũng đã lấy mẫu xét nghiệm.
Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP sẽ có hiệu lực từ ngày 25.12. Theo ông, điểm mạnh của Nghị định này là gì?
- Lần đầu tiên, lĩnh vực ATTP có một “cái roi” nghiêm khắc như vậy. Nhiều sai phạm trước kia chỉ phạt 50.000-100.000 đồng, giờ nâng lên 3-5 triệu đồng. Mức xử phạt cao nhất trước kia chỉ 20-30 triệu đồng, giờ đã lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, mức xử phạt theo giá trị hàng hóa cũng sẽ tăng cường sức mạnh, ngoài việc tịch thu hàng hóa, tiêu hủy, người sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm mất an toàn còn bị phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa kinh doanh.
Càng buôn bán, sản xuất nhiều hàng hóa bẩn, mức xử phạt càng cao. Trước kia chỉ ngành thanh tra hoặc quản lý thị trường, Nghị định 91 đã mở rộng chức năng xử phạt cho cục trưởng cục ATTP, các chi cục trưởng chi cục ATTP các tỉnh đều có quyền xử phạt hành chính, phạt tiền, phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…
Lấy mẫu “cua đồng thuốc sâu”
Nói về vụ việc bắt cua bằng thuốc trừ sâu mà Báo NTNN đã phản ánh, ông Trung cho biết, Cục đã yêu cầu Chi cục ATTP Hà Nội lấy mẫu cua ở một số chợ để kiểm tra và chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, nếu có kết quả sẽ thông báo.
Từ nay tới Tết Nguyên đán không còn xa, Bộ Y tế có biện pháp gì để tăng cường ATTP, đảm bảo “bữa ăn an toàn”?
- Hiện Cục đang triển khai tuyên truyền Nghị định 91 tới tất cả các cán bộ y tế phụ trách ATTP của xã, phường cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các tỉnh, thành. Trong tháng 12, Cục sẽ thành lập nhiều đoàn để thanh kiểm tra các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, bánh kẹo, hoa quả, rượu…
Chiến dịch “Bữa ăn an toàn” là một điểm nhấn để nâng cao ý thức người dân nhằm đảm bảo cho người dân có một cái Tết an lành. Cục sẽ tích cực tuyên truyền để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nguồn gốc và tích cực tham gia tẩy chay các thực phẩm không đảm bảo.
Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.