Ông Nguyễn Văn Tranh xuất ngũ năm 1978 về quê ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyên Long Mỹ. Nhà có 3 công đất chuyên canh lúa, nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng bởi đất phèn mặn.
Nhiều năm cố gắng làm lụng, ông Tranh cũng chỉ khiến gia đình đủ ăn đủ mặc. Năm 2016, ông Nguyễn Văn Tranh cất công đi tìm hiểu các mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với trình độ của mình, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Sau nhiều lần tham quan học tập, ông Tranh chọn mô hình trồng ổi lê. Ông cải tạo đất vườn lên liếp và mua 3000 cây ổi lê giống về trồng. Bên cạnh đó, ông còn trồng xen trong vườn ổi 200 cây bưởi da xanh. Bên dưới mương, ông Tranh thả cá lóc, cá rô đồng, cá mè vinh…
Ông Nguyễn Văn Tranh bên vườn ổi lê trồng xen canh bưởi da xanh của gia đình.
Ông Tranh chia sẻ một số kinh nghiệm: “Không như những vườn ổi lê khác, người ta sử dụng phân hóa học nên trái to, bóng, xốp, màu sắc hấp dẫn, tôi dùng phân hữu cơ như trùn quế trộn rơm mục; phân heo, gà, vịt, bò, nước ngâm ốc bươu vàng để tưới, bón cho vườn ổi, vườn bưởi da xanh. Kết quả, trái ổi lê vẫn to, sản lượng cao, chất lượng vẫn tốt, trái ổi có vị ngọt đậm, mùi thơm, ít hạt. Vì thế, ổi lê trong vườn nhà tôi bán cao hơn ổi thường từ 30 đến 40% vẫn có người mua...”.
Cũng theo ông Tranh, toàn bộ 300 cây ổi lê của ông không bị “mé nhánh” như cách trồng của nhiều nông dân khác, từ đó khả năng hấp thu ánh sáng vào lá và giúp cây phát triển rất tốt, màu xanh đậm rất hấp dẫn.
Qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật ở địa phương, ông Tranh nhận ra rằng, cây ổi ( nhất là lá ổi) có tác dụng xua đuổi sâu rầy cắn phá. Chính vì thế, ông Tranh đã áp dụng phương pháp trồng xen canh ổi lê với bưởi da xanh. Cách trồng xen này giúp bưởi da xanh không bị dịch bệnh vàng lá gân xanh. Để giảm sức lao động, hiện nay ông Tranh đã lắp đặt hệ thống phun tưới tự động, sử dụng máy bao trái tự động nên chi phí thuê mướn nhân công bao trái ổi theo kiểu truyền thống giảm rất nhiều.
Áp dụng biên pháp canh tác bền vững, ông Tranh chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ để bón cho vườn ổi nên mã trái ổi đẹp, trái to, vị ngọt...bán được giá cao.
Một nguyên nhân khác khiến ông Tranh chọn ổi lê làm cây trồng chủ lực bởi loại ổi này có chất lượng thơm, ngon, giá bán cao, sản lượng nhiều, ít sâu bệnh được thương lái và người dùng rất ưa chuộng. Nếu trồng đúng kỹ thuật thì sau 6 đến 8 tháng, cây ổi lê sẽ cho trái “chiếng”.
Hiện nay mỗi ngày, ông Tranh thu hoạch từ 70 đến 80 ký ổi lê với giá bán bình quân từ 7.000 đến 8.000 đồng. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, ông Tranh còn lãi xấp xỉ 400.000 đến 500.000 đồng mỗi ngày. Như vậy nếu qui đổi cả năm thì ông Tranh sẽ thu lãi trên 150 triệu đồng/năm từ 300 gốc ổi lê, cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa.
Theo dự tính của ông Tranh, khoảng tháng 10 năm nay, 200 gốc bưởi da xanh của ông bắt đầu thu hoạch ước đạt khoảng 30 triệu/năm và con số này sẽ tăng cao trong những năm tiếp theo.
Cạnh đó, nguồn cá đặc dưới ao mương vườn mỗi năm cũng mang về cho ông Tranh vài chục triệu đồng và chưa kể cả nguồn thu từ chăn nuôi heo, gà...
Việc bao trái ổi lê được ông Tranh áp dụng bằng máy nên bớt đi phần chi phí thuê nhân công.
Thấy vườn ổi lê của ông Tranh quá thành công, đã có 8 hộ nông dân cùng ấp đến nhờ ông tư vấn kỹ thuật và áp dụng mô hình trồng ổi lê trên đất vườn và đã thành công với tổng diện tích 5 ha.
Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông nhận xét: “Ông Tranh luôn tỏ rõ phẩm chất cao quý của người cựu chiến binh gương mẫu; người nông dân cần cù, sáng tạo, nhạy bén và đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" cấp xã, huyện. Ông rất tận tâm giúp đỡ đồng chí, đồng đội, người dân quanh vùng; đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng tại địa phương”.
Bên cạnh nguồn thu từ ổi lê, bắt đầu từ năm nay, ông Tranh có thêm nguồn thu từ bưởi da xanh trồng xen với ổi.
Ông Tranh đúc kết kinh nghiêm: “Mình ít đất sản xuất thì nên chọn cây trồng có sản lượng, chất lượng cao; giá bán ổn định; độ rủi ro ít; thu hoạch nhanh sau khi trồng. Khi trồng cần nắm bắt các biện pháp tiên tiến trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Song song đó không chạy theo “phong trào trồng-chặt". Mình “chậm, nhỏ, đơn giản nhưng chắc ăn”. Tối tính vầy đó...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.