Trọng dụng nhân tài - bệ đỡ cho phát triển

MInh Lê Thứ tư, ngày 21/04/2021 07:00 AM (GMT+7)
Làm sao để biến khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh, phát triển hùng cường trở thành hiện thực? Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta cần phát huy sức mạnh dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bằng một mục tiêu rõ ràng, cụ thể và tạo ra bước ngoặt...
Bình luận 0

Một nền tảng vững chắc

46 năm đất nước hòa bình, thống nhất và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế, vai trò và đóng góp của mình trên trường quốc tế, với thế giới. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Chưa bao giờ đất nước ta có một cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu nhưng năm 2020 GDP Việt Nam đã tăng 2,91%, là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong khối ASEAN. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011-2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Năm 2020, nước ta đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.

Trọng dụng nhân tài - bệ đỡ cho phát triển - Ảnh 1.

Giàn công nghệ Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: V.N.P

"Phải trọng dụng, thu hút nhân tài cống hiến cho khát vọng về một quốc gia thịnh vượng".

TS Lê Đăng Doanh

Những thành công của đất nước trong 5 năm qua và nhiều thập kỷ qua là rất đáng ghi nhận và tự hào. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, chặng đường 25 năm hiện thực hóa mục tiêu "sánh vai với các cường quốc năm châu" sắp tới vẫn còn vô vàn khó khăn. Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 "trở thành nước phát triển, thu nhập cao". Theo các chuyên gia kinh tế, thu nhập cao có nghĩa là thu nhập bình quân đầu người tối thiểu đạt 20.000 USD/năm. Như vậy, Việt Nam phải tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm từ nay đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu này là không phải dễ nếu như không có khát vọng cháy bỏng cùng với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của cả dân tộc.

Phát biểu tại lễ bàn giao công việc của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Kế nhiệm Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 là vinh dự, nhưng cũng là những khó khăn, thách thức mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ phải đối mặt để có thể kế thừa, duy trì và phát huy có hiệu quả những thành tựu, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

Hành động mạnh mẽ hơn

Về con đường để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chúng ta cần phát huy sức mạnh dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bằng một mục tiêu rõ ràng, cụ thể để tạo ra bước ngoặt nhằm thực hiện và đạt được khát vọng đó.

Theo ông Cung, nhiệm kỳ vừa qua, tăng trưởng GDP bình quân đầu người chỉ đạt là 5,9%. Vậy, trong những năm tiếp theo để bứt phá lên 6,5%, 7%, 7,5% thì rõ ràng cần phải có bước ngoặt. Vậy bước ngoặt đó là gì? TS Cung cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chúng ta có dân số hơn 90 triệu người là một lợi thế để huy động được nguồn lực. Nhưng điều quan trọng nhất là sử dụng nguồn lực đó như thế nào. Đó là chưa kể đến doanh nghiệp tư nhân, dư địa còn rất lớn. Một đất nước hơn 90 triệu dân mà mới chỉ có 800.000 doanh nghiệp thì quá ít.

"Một dư địa nữa là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Rất nhiều người Việt Nam đứng top đầu thế giới trong lĩnh vực này. Người tài luôn mong có môi trường đóng góp cho sự phát triển quốc gia, thịnh vượng của dân tộc. Rõ ràng đây là một trong những dư địa tốt để chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn" - ông Cung nêu.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, một Việt Nam hùng cường luôn là khát vọng của cả dân tộc ta. Để thực hiện được mục tiêu, khát vọng này, chúng ta cần phải có những bước đi, kế hoạch cụ thể, đúng đắn, phù hợp để phát huy được sức mạnh toàn dân, sự hợp lực của toàn xã hội. "Phải bắt đầu từ đổi mới khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, cổ phần hóa mạnh hơn doanh nghiệp nhà nước… đặc biệt phải trọng dụng, thu hút nhân tài cống hiến cho khát vọng về một quốc gia thịnh vượng" - ông Doanh nói.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem