Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Nhân tài - thu hút không khó, giữ được mới khó
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Nhân tài - thu hút không khó, giữ được mới khó
Nguyễn Quỳnh (thực hiện)
Thứ tư, ngày 23/12/2020 06:07 AM (GMT+7)
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”. Nhân dịp này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã có cuộc trao đổi với NTNN/Dân Việt về vấn đề này.
Nhân tài có vai trò như thế nào trong việc phát triển đất nước hùng cường, thưa ông?
- Từ xa xưa ông cha ta cũng đã nói "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", điều này thể hiện vai trò rất lớn trong công tác tổ chức cán bộ cũng như nhân tài. Nhất là trong tình hình hiện nay khi chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế thị trường để xây dựng một đất nước hùng cường thì việc xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đặc biệt là những nhân tài để đóng góp cho đất nước là rất quan trọng.
"Theo tôi, lần này chúng ta phải có chiến lược về tài chính, về cơ chế tuyển dụng, đặc biệt là phải tạo môi trường làm việc. Nếu chúng ta tuyển dụng về mà không tạo môi trường làm việc thì cũng không giữ được nhân tài".
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh
Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, đường lối về việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Đơn cử, Bộ Chính trị đã thông qua đề án về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược để phục vụ cho công nghiệp hóa hiện đại hóa, phát triển kinh tế đất nước…
Vậy theo ông đề án "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài" lần này có điểm nào mới so với những chủ trương trước đây của Đảng và Nhà nước ta?
- Nếu như trước đây việc thu hút, trọng dụng nhân tài thể hiện qua các nghị quyết, đề án thì giờ đây được xây dựng thành chiến lược. Chiến lược có tính chất đồng bộ, dài hơi và toàn diện hơn.
Thực tế từ trước đến nay đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án rồi, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đã có chương trình này rồi. Các tỉnh đã có chính sách đưa đi đào tạo nước ngoài rồi về tuyển dụng. Hà Nội năm nào cũng tổ chức gặp mặt thủ khoa của các trường đại học trên địa bàn, sau đó tuyển dụng vào các cơ quan. Tuy nhiên, rõ ràng vẫn còn những điều hạn chế bởi vì chúng ta chưa giải quyết một cách đồng bộ tất cả để thực sự thu hút và giữ được nhân tài. Thu hút nhân tài thì được nhưng việc giữ nhân tài thì chúng ta chưa làm được bao nhiêu cả.
Phải công bằng, khách quan
Thu hút nhân tài cần phải có sự công bằng, khách quan, vô tư, chọn lựa những người thực sự xứng đáng chứ không phải chọn lựa "hậu duệ", những người quen biết của mình. Thực tế hiện nay có những nhân tài trên lý thuyết. Nhân tài không nhất thiết phải là tiến sĩ, giáo sư… mà người ta cần học hành bài bản, có kiến thức rộng rãi, uyên bác, đề xuất hiến kế được những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, có hiệu quả mang lại lợi ích cho đất nước. Tôi cho rằng những người đó mới là nhân tài. Ngoài ra những nhân tài đó phải có một cái tâm, cái tâm đó phục vụ cho đất nước, xã hội chứ không phải dùng cái tài đó trục lợi cho cá nhân.
Nhân tài không thể cống hiến nếu lương "ba cọc, ba đồng". Nhân tài thể hiện được bản lĩnh, giá trị mà công sức, giá trị đó có hiệu quả chứng minh cho đất nước, xã hội thì nên có thù lao xứng đáng để giữ được những người đó.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
"Bắt đúng bệnh mới có thuốc chữa"
Trong giai đoạn vừa rồi chúng ta đã có chủ trương, có những biện pháp nhưng sức hút đó chưa mạnh nên việc "chảy máu chất xám" vẫn còn diễn ra.
Bây giờ cần có những giải pháp rất cụ thể. Thứ nhất: Đảm bảo chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là môi trường làm việc, họ cần được tôn trọng, có điều kiện làm việc để phát triển tài năng và kiến thức. Điều này rất quan trọng đối với những người tài, bất kể già hay trẻ.
Thứ hai, chúng ta nên đánh giá lại thời gian đã làm tốt ở đâu, chưa làm tốt ở đâu, nguyên nhân là gì và trên cơ sở đó đề xuất xử lý những vấn đề bất cập. Phải đưa ra những giải pháp mang tính đột phá thì theo tôi mới giải quyết được. Nếu làm được việc này thì chúng ta mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Tôi kỳ vọng dự thảo "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài" sẽ đưa ra được những giải pháp cụ thể mang tính chất đột phá hơn, có sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên nếu không lại như nước chảy. Nếu chúng ta không bắt được đúng bệnh thì không thể có thuốc chữa.
PGS-TS Bùi Thị An -
nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
Quỳnh Nguyễn (ghi)
Theo tôi, lần này chúng ta phải có chiến lược về tài chính, về cơ chế tuyển dụng, đặc biệt là phải tạo môi trường làm việc. Nếu chúng ta tuyển dụng về mà không tạo môi trường làm việc thì cũng không giữ được nhân tài. Như việc 40 nhân tài ở Đà Nẵng xin thôi việc hay Hà Nội năm nào cũng có chính sách thu hút nhưng nhân tài ở lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói vậy để thấy, thu hút nhân tài thì chúng ta đã có nhưng giữ lại được nhân tài để gắn bó và phát triển và trưởng thành còn hạn chế.
Quan điểm dự thảo có nêu rõ việc xây dựng chính sách nhân tài phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài. Ông đánh giá điều này như thế nào?
- Cái chính là phải xây dựng thể chế, chính sách, trong đó tạo môi trường làm việc cho người tài, đồng thời thu hút người tài từ các khu vực khác về khu vực công rất quan trọng. Còn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra thì tôi nghĩ ít trường hợp trù dập thôi, chỉ có những trường hợp lợi dụng chính sách này để có lợi ích nhóm, đưa con em của những đồng chí không đạt tiêu chuẩn. Những trường hợp như vậy ở một số tỉnh đã có rồi. Có trường hợp trở về không phục vụ, hoặc phục vụ vài năm xin ra, không gắn bó. Cần nghiêm khắc hơn với những trường hợp đó, bởi đã tham gia chương trình thì anh phải có trách nhiệm, về nước phải phục vụ bao nhiêu năm thì mới có thể đi ra khu vực khác.
Tôi biết nhiều người sẵn sàng trả lại số tiền đó sau khi tốt nghiệp và làm được ra tiền rồi. Chúng ta cần cơ chế mạnh hơn, xử lý nghiêm hơn, có chế tài để nhân tài thực hiện cam kết, cái đó là cái khó. Quay trở lại để nói, ngoài cơ chế chính sách về tài chính thì môi trường làm việc, trong đó trân trọng, tạo điều kiện cởi mở cho các nhân tài được tự do sáng tạo… là rất quan trọng. Nếu thu hút họ về làm việc mà còn những ràng buộc, áp lực, phân công công việc không đúng chuyên môn thì người ta còn bỏ cuộc
Công khai, minh bạch nhưng chưa đầy đủ
Theo ông việc xây dựng chính sách nhân tài hiện nay đã đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch hay chưa?
- Chúng ta vẫn công khai, minh bạch nhưng chưa toàn diện và đầy đủ, chưa đặt trọng tâm vào cái nhân tài cần, cái người ta mong muốn. Chúng ta vẫn coi trọng về tài chính, cương vị, cơ chế xét tuyển, cho đi đào tạo bồi dưỡng nước ngoài… Tuy nhiên, khi về mình có trân trọng người ta không, có tạo điều kiện cho người ta phát huy tính sáng tạo của họ hay không hay coi họ là cán bộ mới, sử dụng không phù hợp thì rõ ràng người ta không có điều kiện làm việc nữa, sẽ chán và ra khu vực khác. Nhiều người chấp nhận trả lại tiền, chấp nhận mức phạt nào đó… chứ không phải tất cả đều vì tiền.
Như những nhân sĩ yêu nước, trí thức ngày xưa sẵn sàng bỏ đồng lương rất cao ở các nước phát triển để về tham gia kháng chiến, phục vụ nhân dân, đất nước. Tham gia kháng chiến rất gian khổ, không có lương nhưng người ta vẫn vui vẻ về và cống hiến hết sức, đó chính là từ việc Bác Hồ biết cách tạo môi trường làm việc và trân trọng người tài thực sự, giúp họ phát huy tính sáng tạo, đây là điều nghe thì đơn giản nhưng thực hiện rất khó.
Bản thân ông có kỳ vọng gì vào dự thảo "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài"?
- Tôi kỳ vọng bởi một chiến lược phải nghiên cứu rất kĩ. Chiến lược được Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng từ năm 2019, từ chiến lược này sẽ có một loạt động thái như hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật để triển khai đồng bộ trên cả nước, trong đó phát huy tính đặc thù của các tỉnh, các bộ ngành. Từ thống nhất quan điểm chung, chúng ta sẽ xây dựng được các giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.