Lão nông Hòa Bình bật mí bí quyết trồng bưởi diễn VietGap lãi hàng trăm triệu đồng/ha
Bưởi diễn bén rễ trên đất Đại Đồng
Lão nông mà chúng tôi nhắc đến đó là ông Nguyễn Đức Bình (SN 1973) ở xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Những ngày đầu tháng 5, giữa cái nắng oi ả của mùa hè, có mặt tại xóm Đại Đồng, chúng tôi như lạc vào ma trận của những cây bưởi. Dọc 2 bên đường, nhìn đâu cũng thấy toàn màu xanh của những cây bưởi. Ở xóm này, người dân trồng một số loại bưởi nhưng nhiều nhất có lẽ là bưởi diễn.
Có mặt tại nhà ông Nguyễn Đức Bình (SN 1973), ngoài căn nhà cấp 4 khang trang, xung quanh chúng tôi được bao phủ bởi hàng trăm gốc bưởi diễn đã hàng chục năm tuổi.
Qua câu chuyện với ông Bình, chúng tôi được biết, ông vốn quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Năm 1978, ông cùng một số anh em cùng quê lên đây khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Để phát triển kinh tế, lúc đầu, ông chỉ trồng các loại cây trồng như ngô, đậu… nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp.
Sau đó, ông chuyển sang trồng nhãn, do không có kinh nghiệm, cộng với loại cây này không phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên nhãn không ra quả nên ông phải ngậm ngùi phá bỏ hết.
Đến năm 1998, cây bưởi diễn bắt đầu bén rễ trên đất Đại Đồng. Khi đó, một số hộ dân ở xóm mang giống bưởi diễn về trồng. Thấy vậy, ông Bình cũng trồng thử mấy chục gốc bưởi. Sau một thời gian, nhận thấy trồng bưởi diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2000, ông quyết định mở rộng diện tích trồng bưởi của mình lên đến vài trăm gốc.
"Lúc mới bắt đầu trồng bưởi tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như là nguồn nước. Nguồn nước lúc bấy giờ không đủ để tưới cho cây. Bên cạnh đó, kinh nghiệm về chăm sóc cho cây bưởi diễn tôi cũng chưa có, tôi cũng phải lặn lội đi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật chăm sóc bưởi", ông Bình nói.
Trồng bưởi diễn theo hướng VietGap xuất sang Vương quốc Anh
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc bưởi diễn, ông Bình bật mí, vào tháng 12, sau khi thu hoạch xong bưởi, ông sẽ tiến hành dọn vườn, phun rửa cây và phun ủ mầm hoa. Đồng thời, cây bưởi sẽ được "cho ăn" các loại phân như phân chuồng, phân lân.
Khoảng tháng 2 năm sau, khi cây ra hoa, ông tiến hành phun kích hoa, đồng thời tiến hành thụ phấn bổ sung để tăng tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi diễn. Sau đó, phun thuốc để phòng các loại bệnh trên cây bưởi như thán thư, nhện đỏ, rệp… Khoảng tháng 3 – 4, khi cây bưởi ra quả non, ông lại tiến hành phun phòng nấm bệnh, sâu và bón thêm phân NPK, kali.
Bên cạnh đó, có 2 giai đoạn phải tỉa quả là tháng 3 và tháng 5. Vào tháng 3, khi bưởi ra quả, những chùm từ 3 đến 4 quả phải loại bỏ bớt. Những quả méo mó cũng phải được loại bỏ. Đến tháng 5, sẽ tiến hành kiểm tra lại một lần nữa, những chùm quả nào còn sót hoặc méo mó sẽ được tiếp tục loại bỏ.
"Số lượng quả bưởi để lại trên cây tùy theo kích cỡ cây. Cây bình thường thì để 100 quả đổ lại, nếu cây to thì để 150 quả. Nếu quả quá nhiều thì cây bưởi sẽ không đủ chất dinh dưỡng để nuôi quả. Vào nắng nóng, tôi thường tưới 2 lần trong ngày là sáng và tối. Để quả bưởi đạt chất lượng, tất cả các khâu chăm bón, phòng bệnh đều rất quan trọng", ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, năm 2015, ông tham gia Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đại Đồng. Tại đây, ông được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi diễn sao cho cây bưởi có năng suất và chất lượng tốt. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, các thành viên HTX Nông nghiệp Đại Đồng đã tiến hành trồng bưởi diễn theo hướng VietGap. Đến năm 2019, bưởi diễn của HTX đạt chuẩn VietGap.
Khi trồng bưởi theo hướng VietGap, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi cũng phải tỉ mỉ hơn. Cây bưởi sẽ được đánh dấu theo số thứ tự để tiện theo dõi, khi cây bị bệnh sẽ được tổ kỹ thuật của HTX đến tận vườn để hướng dẫn cách xử lý.
Quy trình chăm sóc như bón phân, phun, tưới nước đều có sổ nhật ký để ghi chép, mua phân bón ở đâu, loại gì, bón bao nhiêu phân, bao nhiêu diện tích đều phải được ghi chép rõ ràng. Hàng tháng, HTX đều đến để kiểm tra sổ sách.
Để tiện chăm sóc, ông Bình cũng đầu tư khoan giếng và làm hệ thống tưới nước tự động cho cây. Bên cạnh đó, năm nay, ông tiến hành chăm sóc bưởi diễn theo hướng hữu cơ sinh học như bón đậu tương và ngô nghiền để giảm lượng lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho cây bưởi, đồng thời, tăng cường sức đề kháng cho cây bưởi, giúp cây khỏe mạnh, kháng sâu bệnh tốt.
"Năm vừa qua, tôi cũng xuất bán được 1 tấn bưởi sang Vương quốc Anh. Để xuất sang được nước Anh, chúng tôi đã phải xét nghiệm 821 chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay, vườn bưởi của tôi dự kiến sẽ xuất sang Vương quốc Anh được khoảng 4 -5 tấn" – ông Bình hồ hởi nói.
Hiện, khu vườn rộng 0,6ha trồng theo hướng VietGap của gia đình ông Bình có khoảng 400 gốc, độ tuổi trên 20 năm. Với giá trung bình 12.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm, từ việc bán bưởi VietGap, ông Bình thu về khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.