Trồng hoa tết ở Gia Lai, sao nơi đã trúng mùa, nơi lại hồi hộp chờ giá?

Hoàng Lộc Thứ bảy, ngày 20/01/2024 06:09 AM (GMT+7)
Thời điểm này, người nông dân ở các vùng trồng hoa trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tất bật chăm sóc vụ hoa cuối của năm để có những bông hoa rực rỡ đưa ra thị trường ngày Tết.
Bình luận 0

Nông dân "thủ phủ" hoa cúc phấn khởi vì được mùa

Ghi nhận của PV Dân Việt tại "thủ phủ" hoa cúc ở phường Thắng Lợi (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), người nông dân đang tất bật, bận rộn chăm sóc những chậu hoa để cung ứng cho Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Năm nay, gia đình ông Trần Đăng Hòa (trú tại tổ 3, phường Thắng Lợi) trồng khoảng 1.000 chậu cúc pha lê và đại đóa. Những ngày này, gia đình ông đang thuê nhân công để hái bỏ các nụ cúc thừa. Đây là công đoạn cuối cùng và quan trọng sau nhiều tháng chăm sóc các chậu cúc.

Trồng hoa tết ở Gia Lai, sao nơi đã trúng mùa, nơi lại hồi hộp chờ giá?- Ảnh 1.

Các nhà vườn trồng chúc chậu trên địa bàn phường Thắng Lợi đang thuê nhân công để hái bỏ các nụ cúc thừa

Theo ông Hòa, công đoạn này đòi hỏi người làm phải khéo léo loại bỏ những nụ hoa thừa trên cây, chỉ để lại nụ to nhất để tập trung dưỡng chất cho những bông hoa đạt chất lượng, nở đúng dịp. Bên cạnh đó, để hoa phát triển tốt ngoài yếu tố thời tiết ra thì người nông dân cần phải cung cấp đầy đủ lượng nước, phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại.

"Năm nay thời tiết thuận lợi, cây cúc phát triển khá tốt. Đầu tháng Chạp, các thương lái hầu như đã đặt cọc hết chậu cúc của gia đình. Cũng với 1.000 chậu cúc thì năm ngoái, gia đình tôi thu về được 200 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí. Hy vọng vụ này sẽ khá hơn", ông Hòa bộc bạch.

Tương tự như ông Hòa, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (cùng trú tổ 3, phường Thắng Lợi) cũng gắn bó với nghề trồng hoa cúc được hơn 10 năm nay. Mỗi năm, ông đều duy trì trồng 800 chậu cúc đại đóa và pha lê. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, gia đình ông đã bắt đầu xuống giống.

"Trồng cúc bán Tết khá vất vả và đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc. Từ khi xuống giống đến lúc có hoa cúc bán phải mất hơn 5 tháng. Một trong những kỹ thuật quan trọng là phải sử dụng đèn chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cho cây non, phát triển chiều cao, không ra nụ sớm. Đến tháng 11 âm lịch, các nhà vườn bắt đầu ngắt điện để cây ra nụ và tiến hành chọn nụ, mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to. Hoa cúc sẽ bắt đầu nở từ 20 tháng Chạp. Năm nay gia đình tôi cũng hy vọng kiếm được hơn 100 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí", ông Hồng nói.

Trồng hoa tết ở Gia Lai, sao nơi đã trúng mùa, nơi lại hồi hộp chờ giá?- Ảnh 2.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên các chậu cúc mà bà con trồng phát triển tốt và được thương lái đặt cọc hết

Ông Trần Hải Giang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi thông tin, trên địa bàn phường hiện có 12 hộ trồng hoa cúc chậu với tổng số lượng là gần 11.000 chậu. Khu vực này cũng là nơi cung cấp số lượng lớn hoa cúc trên địa bàn TP.Pleiku và các huyện, thị lân cận.

Theo ông Giang, nghề trồng hoa cúc trong chậu bán dịp Tết đã gắn bó với bà con nông dân được hơn 20 năm nay. Dù khá vất vả, nhưng nhờ đầu ra, giá bán ổn định những năm gần đây nên bà con có nguồn thu nhập khấm khá.

"Qua khảo sát chung, năm nay thời tiết khá thuận lợi cho người trồng cây cúc. Đến thời điểm này, hầu hết các thương lái đều đã đặt cọc hết các chậu cúc của bà con trồng. Giá bán năm nay cũng tăng nhẹ so với các năm trước", ông Giang nói.

Nông dân nín thở chờ giá

Trong khi đó, tại vựa hoa nổi tiếng ở xã An Phú (TP.Pleiku), các hộ dân cũng đang tập trung nhân công để làm cỏ, tưới nước cho các vườn hoa.

Ông Nguyễn Văn My (trú tại thôn 4, xã An Phú) cho biết, năm nay gia đình trồng khoảng 1 sào cây hoa lay ơn, 300m2 cây hoa cát tường, 200m2 cây hoa cúc điện.

Trồng hoa tết ở Gia Lai, sao nơi đã trúng mùa, nơi lại hồi hộp chờ giá?- Ảnh 3.

Các nhân công đang chăm sóc vườn hoa cát tường của gia đình ông My

Để hoa nở đúng dịp Tết, ngay từ cuối tháng 9, gia đình ông đã chuẩn bị cây giống để trồng. Theo ông My, công việc chăm sóc hoa tưởng chừng đơn giản nhưng để hoa nở đúng dịp Tết và đạt chất lượng thì cần sự tỉ mỉ ngay từ khâu làm đất, xuống giống. Ngoài việc chăm cây theo từng giai đoạn phát triển thì phải điều chỉnh nước tưới, dinh dưỡng phù hợp theo thời tiết.

"Thời tiết cho đến hiện tại khá thuận lợi, hoa phát triển tốt. Đây là tình hình chung của các nhà vườn trên địa bàn xã An Phú. Gia đình cũng đang rất hồi hộp chờ giá cả. Hiện các thương lái chưa đến vườn để chốt số lượng và giá cả thu mua vì còn phải phụ thuộc vào thị trường. Mặc dù vật tư, công cán tăng nếu tăng giá hoa thì khó bán nên có khả năng giá hoa xuống thấp hơn so với năm ngoái", ông My chia sẻ.

Trồng hoa tết ở Gia Lai, sao nơi đã trúng mùa, nơi lại hồi hộp chờ giá?- Ảnh 4.

Gia đình ông Hùng đang hồi hộp chờ giá thu mua hoa lay ơn trong khi Tết nguyên đán sắp cận kề

Còn ông Võ Đăng Hùng (cùng trú tại thôn 4, xã An Phú) cho hay: "Như mọi năm, gia đình xuống giống khoảng 2 sào lay ơn. Loại cây này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu nắng ấm thì lay ơn nhanh nở hoa, còn nếu trời lạnh kéo dài thì cây sẽ lâu ra hoa hơn. Đến thời điểm này, khoảng 20% diện tích có dấu hiệu ra hoa sớm. Do vậy, tôi phải thường xuyên theo dõi thời tiết và túc trực ở vườn thường xuyên để xử lý cho cây nở hoa đúng dịp Tết".

Cũng theo ông Hùng, do chi phí trồng hoa có tăng nhẹ so với mọi năm, nên người trồng hoa đang rất hồi hộp, nghe ngóng giá thị trường, không biết giá cả thế nào. Dự kiến từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch, các thương lái sẽ đổ về lấy hàng tại vườn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem