Thắp lên tình yêu
Dự án phi lợi nhuận “Chèo 48h- Tôi chèo về quê hương” được phát triển từ ý tưởng “Mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ”- ý tưởng đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng- Tôi 20” của nhóm sinh viên Tôi 20. Đây là nhóm sinh viên được thành lập vào năm 2013, tập hợp các bạn sinh viên của nhiều trường đại học ở Hà Nội nhằm thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, giúp nhau cùng phát triển. Dự án được khởi động bắt đầu từ ngày 1.7 dưới sự bảo trợ của Tôi 20, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc Dân tộc, Musicshow Việt Nam và Trung tâm Phát triển bền vững CSDS Việt Nam. Dự án bao gồm 2 hoạt động chính là “Chèo khám phá” (khóa học chèo cho các bạn trẻ) và “Chèo trải nghiệm” (chuyến đi thực tế về một trong những cái nôi của chèo – làng Khuốc, Thái Bình).
Lê Thị Cẩm Tú- cô sinh viên phụ trách truyền thông của dự án cho biết: “Cho tới nay, khóa học “Chèo khám phá” đã thu hút được sự tham dự của hơn 30 bạn trẻ và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Các bạn đến từ nhiều trường đại học và THPT trên địa bàn Hà Nội, như Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia, Ngoại thương, Kinh tế quốc Dân, THPT Kim Liên... Học viên ít tuổi nhất sinh năm 2000, mới chỉ học cấp 2. Khó khăn nhất của nhóm hoạt động và ban tổ chức là trong mảng xin tài trợ và kinh phí. Số lượng tài trợ không nhiều, nên nhóm đã tổ chức đêm nhạc gây quỹ vào đêm 24.7 vừa qua tại Hà Nội để có tiền cho các hoạt động, đặc biệt là đêm Gala Chèo 48h tại đình Kim Ngân vào tối 9.8 tới”.
Với các học viên tham gia khóa đào tạo “Chèo khám phá” suốt hơn 1 tháng nay thì nhờ dự án “Chèo 48h”, họ đã có những ngày hè không thể nào quên. Bạn Nguyễn Thị Thanh Hà- sinh viên Trường Đại học Hà Nội cho biết: “Cứ thứ 2, 4, 6 hàng tuần, 30 bạn trẻ thế hệ 9x chúng tôi lại tập hợp cùng nhau say sưa học hát, học diễn và tìm hiểu nghệ thuật chèo dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Tuấn Cường, cô Trịnh Huyền và rất nhiều nghệ sĩ. Nhìn các thầy cô hào hứng giảng bài, dù mướt mát mồ hôi trên sàn tập mà nụ cười vẫn tươi trên môi, tôi thấy cảm phục lòng yêu nghề và tâm huyết của họ, nghệ thuật là tình yêu, mà tình yêu thì tuyệt đối không thể hời hợt. Thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà đã thắp lên trong mỗi chúng tôi ngọn lửa tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống. Mỗi buổi học, được hóa thân vào nhân vật mẹ Đốp, ngân nga điệu “sắp thường”, tập câu nói “lệch”, nghe thầy kể chuyện, tôi càng thêm hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống”.
Tò mò một khóa học chèo
Trên trang mạng xã hội của dự án Chèo 48h, một 9x khác là bạn Mai Anh- sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đăng một bài thơ rất dễ thương thế này: “Tò mò một khóa học chèo/Ôi hay hay thế, muốn về hát ngay/I í ì i… sắp thường hát lệch/Chèo hay tôi hát, nghênh nghênh điệu chèo/Hát, múa, diễn song thời kết hợp/È è thầy lý, mẹ mõ thông minh/Trong tung ngoài hứng, rộn ràng/Với bao lời dạy nhiệt tình khó quên…”. Đúng là từ sự tò mò, các bạn trẻ thế hệ 9x đã đến và say mê chèo từ lúc nào không biết dù so với lứa tuổi các bạn, từng điệu hát, từng lời hát chèo cổ đều rất khó nhớ, khó thuộc.
Nghệ sĩ Tuấn Cường- người thầy tham gia khóa đào tạo nhận xét: “Khoa Kịch hát dân tộc của Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội đã giới thiệu các em với tôi. Tôi đã nhận lời giảng dạy vì thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Thời điểm này mà vẫn có những bạn trẻ mong muốn đến tìm hiểu chèo, diễn chèo thì bất cứ người nghệ sĩ nào cũng sẽ không thể từ chối. Khoá học diễn ra chỉ trong 8-10 ngày quả là ít ỏi so với việc học làm diễn viên chuyên nghiệp phải mất 4 năm.
Thế nhưng để tìm hiểu và để diễn được một trích đoạn chèo đối với các bạn trẻ đã là điều vô cùng đáng quý rồi. Quá trình tiếp xúc thấy các em rất có ý thức và tiếp thu rất nhanh, nếu các em được học hành và tham gia các chương trình như sân khấu học đường chắc chắn sẽ còn hiệu quả hơn”.
Sau khi kết thúc khóa “Chèo khám phá”, các thầy cô sẽ chọn ra 20 bạn xuất sắc để nhận học bổng “Chèo trải nghiệm” ở làng Khuốc (Thái Bình) dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 8. Một khóa học đầy ý nghĩa, mới chỉ được tổ chức lần đầu tiên do nhóm sinh viên có nhiệt huyết với nghệ thuật truyền thống như vậy có thể xem là đã thành công trên cả mong đợi. Hy vọng tình yêu nghệ thuật của nhóm các bạn trẻ này sẽ còn liên tục được tiếp nối trong tương lai.
Đêm Gala Chèo 48h vào tối 9.8 không chỉ báo cáo tổng kết khóa học, công diễn các trích đoạn “Xã trưởng mẹ Đốp”, “Hề Mồi thắt lưng xanh” do học viên khóa học biểu diễn mà còn có các tiết mục hát quan họ, hát xẩm, hát chèo, múa dân gian, các gian hàng và khu trò chơi dân gian. Vé của đêm Gala có giá 20.000 đồng, toàn bộ tiền vé thu được sẽ dành xây dựng Quỹ Phát triển âm nhạc truyền thống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.