Trồng lan rừng treo la liệt, lan nghinh xuân tuôn hoa cản chả kịp, một người Đà Nẵng giàu hẳn lên
Trồng lan rừng thành công, treo la liệt, lan nghinh xuân tuôn hoa cản chả kịp, một nông dân Đà Nẵng giàu lên
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ ba, ngày 30/04/2024 05:32 AM (GMT+7)
Xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của các loài hoa lan rừng và sự nhanh nhạy khi nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, ông Lê Trọng Hiếu (52 tuổi, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng hoa lan rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ tay về vườn hoa lan rộng hơn 1.000m2, ông Hiếu tâm sự: "Tôi yêu vẻ đẹp kiêu sa nhưng mộc mạc của hoa lan rừng nên đã bắt đầu thú vui tao nhã này từ khi còn nhỏ.
Tận dụng sân vườn nhà, tôi sưu tầm nhiều loại lan về trồng và chăm sóc để thỏa niềm đam mê chứ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nhân giống, kinh doanh các loài hoa lan.
Từ tình yêu với hoa lan rừng, ông Hiếu, nông dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) mạnh dạn khởi nghiệp trồng hoa lan, trong đó có lan rừng và kinh doanh hoa lan. Ảnh: T.N.
Khoảng năm 2015, nhận thấy hoa lan rừng có giá trị kinh tế, được nhiều người chơi hoa săn đón, cộng với niềm đam mê thiên nhiên, cây cỏ, tôi quyết định chuyển hướng kinh doanh ăn uống sang trồng và kinh doanh hoa lan".
Để có được các giống hoa lan rừng đẹp, ông Hiếu tìm đến nhiều vườn trồng lan uy tín trong và ngoài địa phương để học hỏi kinh nghiệm, sưu tầm cây về nhân giống.
Nhờ chịu khó học hỏi mà ông đã nắm bắt kỹ thuật nhân giống và điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Từ đó, các loài hoa lan rừng do ông trồng được nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng.
Theo ông Hiếu, trồng lan rừng không khó nếu người chơi am hiểu đặc tính của từng loại. Phải theo dõi vườn thường xuyên để xử lý bệnh kịp thời, tưới đủ nước, duy trì ánh sáng và độ ẩm tốt, thoáng gió, giá thể trồng lan phải dễ dàng thoát nước giúp cây phát triển tốt.
Trong giá thể, ngoài than củi, vỏ thông và phân hữu cơ, ông Hiếu dùng thêm phân tan chậm để bón cho cây vào thời điểm cần thiết. Ảnh: T.N.
Mỗi ngày, ông tưới nước 1 lần từ 7-15 phút để cung cấp đủ lượng nước cho cây lan. Trong giá thể, ngoài than củi, vỏ thông và phân hữu cơ, ông dùng thêm phân tan chậm để bón cho cây vào thời điểm cần thiết. Hoặc trồng cây trên giá thể gỗ và lũa, để tạo ra những giò lan cực đẹp và có giá trị cao.
Lan rừng-hoa lan nghinh xuân là giống lan có giá trị nhất, mang một vẻ đẹp thuần khiết và hương thơm quyến rũ hiếm có loài lan nào có được. Ảnh: T.N.
"Lan rừng là loài cây ưa nắng nhưng sợ nóng, ưa nước nhưng sợ ẩm. Thời tiết ở miền Trung lại nắng nóng khắc nghiệt, mưa gió thất thường, nên tôi phải chăm sóc kỹ lưỡng.
Tôi thường xuyên dọn vệ sinh để vườn thông thoáng, thay giá thể trồng đã hư mục, sang chậu khi tách chiết lan và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh định kỳ", ông Hiếu cho hay.
Để ươm được một chậu lan thành công, ông Hiếu chăm chỉ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ sách báo, mạng internet, hội nhóm.
Sau khi chọn và mua những cây lan về, ông tách chiết cây hoặc cắt thân thòng để nhân giống, xử lý giá thể. Đến giai đoạn lan phát triển ổn định, ông phun thuốc khử trùng và áp dụng phương pháp chăm sóc hợp lý, khi cây nảy mầm sẽ chuyển sang chậu lớn.
Thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm
Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho mượn đất trống để mở rộng quy mô vườn lan, ông Hiếu mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, làm giàn và mái che, lưới chống nắng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây lan, lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động và các vật dụng để trồng lan.
Cùng với đó, ông sắp xếp vườn lan hợp lý, chia khu theo từng độ tuổi để dễ dàng chăm sóc, phát triển mô hình trồng và kinh doanh hoa lan rừng theo hướng bài bản, hiện đại.
Hiện nay, ông Hiếu đang trồng hơn 5.000 giò hoa lan, với hàng chục giống lan các loại. Ông đang trồng các giống lan rừng như: giả hạc, nghinh xuân, kiếm, long tu, long nhãn...
Nhiều người thường mua lan để trang trí trong dịp Tết, vì vậy ông điều chỉnh cho hoa ra đúng dịp để tăng giá trị thẩm mỹ, nhờ đó mà có thu nhập khá.
Ông Hiếu chia sẻ: "Tùy loại lan mà việс gây ức сhế để cây ra hoa hay đâm chồi cũng khác nhau, rồi chế độ tưới, ngắt nước như thế nàо trước khi gây ức сhế để cây cho hoа đúng dịp Tết cũng là chuyện không đơn giản.
Hiện nay, cây lan nghinh xuân (miền Nam gọi là ngọc điểm, miền Bắc gọi là đai châu) là giống lan có giá trị nhất, mang một vẻ đẹp thuần khiết và hương thơm quyến rũ hiếm có loài lan nào có được.
Đặc biệt, nghinh xuân cho hoa nở đúng vào dịp Tết, càng tưới nước nhiều thì lá càng xanh tốt, ít bị sâu bệnh nên là mặt hàng bán chạy trên thị trường".
Phong lan luôn được mệnh danh là nữ hoàng của các loài hoa không chỉ vì vẻ đẹp thuần khiết, sang trọng của nó mà còn bởi cách thức chăm sóc cầu kỳ và tỉ mỉ, giúp cho giá trị của một giò lan có thể từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng. Nhờ đó, ông Hiếu thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Nghề trồng hoa lan đem lại cho ông Hiếu mức lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.N.
Ngoài bảo tồn các giống lan rừng quý hiếm, ông còn mua các giống lan ngoại về lai tạo để tăng thêm số lượng và đa dạng các giống lan trong vườn nhà.
Đồng thời, đây cũng là địa điểm để những người đam mê trồng lan từ nhiều nơi tìm đến tham quan, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm.
Với những kinh nghiệm được đúc kết nhiều năm, ông Hiếu luôn nhiệt tình chia sẻ kỹ thuật trồng lan cho hoa đẹp, có giá trị kinh tế cao để cùng nhau phát triển kinh tế trên chính quê hương mình
Ông Hiếu bộc bạch: "Làm nghề gì cũng vậy, điều quan trọng là phải có đam mê để vững bước vượt qua những khó khăn, thử thách.
Với nghề trồng hoa lan, nếu người chơi dành trọn tình yêu và tâm huyết để chăm sóc chúng thì khó cũng thành dễ, thành công nhất định sẽ đến".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.