Trồng mãng cầu xiêm 10 quả đẹp như 10, nhà khoa học cũng kéo đến xem ông nông dân tỉnh Hậu Giang
Vườn trồng mãng cầu xiêm 10 quả đẹp như 10 của nông dân Hậu Giang, ngay các nhà khoa học cũng đến xem
Thứ ba, ngày 09/11/2021 07:00 AM (GMT+7)
Bằng việc sử dụng ống chích để thụ phấn cho bông mãng cầu xiêm mà ông Phan Văn Niềm, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), đã tạo ra trái mãng cầu cân xứng, đẹp mắt, đồng thời góp phần tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác.
Giống như nhiều hộ nông dân khác ở cùng ấp, những năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Niềm là từ cây mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát.
Hiện tại, gia đình ông có 6,5 công đất trồng mãng cầu xiêm được 16 năm tuổi đang phát triển xanh tốt và thường xuyên trĩu trái.
Điều bắt mắt khi vào thăm vườn mãng cầu xiêm của ông Niềm là các trái mãng cầu đều no tròn, thân trái và suông, rất ít có trái bị méo hay cong vẹo như thường gặp tại nhiều vườn mãng cầu khác.
Chia sẻ bí quyết có được trái mãng cầu như trên, ông Niềm cho biết: “14 năm trước, tôi cũng áp dụng kỹ thuật dùng dụng cụ như cây cọ để thụ phấn cho bông mãng cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ trái mãng cầu tròn trịa nhìn bắt mắt và ít bị cong vẹo không được nhiều như ý muốn...".
Theo ông Niềm, nguyên nhân là do trong quá trình thụ phấn bông mãng cầu bằng cây cọ chúng ta quét nhụy không đều khắp mặt bông nên chỗ nào bị thiếu thì trái sẽ bị lép ở chỗ đó.
Sau nhiều năm trăn trở và tự mày mò nghiên cứu thì 2 năm nay, ông đã thực hiện rất thành công với cách làm dùng ống chích thay cho cây cọ để thụ phấn cho bông mãng cầu...
Theo đó, bông mãng cầu thuộc dạng lưỡng tính nên không có bông đực hay bông cái. Vì vậy, sau khi cây mãng cầu ra bông thì ông Niềm chọn hái những bông có cuốn nhỏ và hái tuyển những chùm bông (mỗi chùm bông chỉ chừa lại một hoặc hai bông tốt nhất để đậu trái).
Sau khi hái bông xong thì đợi vào sáng sớm, bông mãng cầu sẽ nở ra thì lúc này ông Niềm sẽ tiến hành lắc nhẹ cho những nhụy bông rớt vào thau mũ. Khi số lượng nhụy trong thau đã nhiều thì ông lấy ống chích loại 10cc để rút những nhụy bông vào bên trong ống và tiến hành bơm nhụy thụ phấn cho bông mãng cầu.
Sở dĩ dùng ống chích loại 10cc là đầu ống sau khi cắt bỏ phần gắn kim tiêm thì rất vừa với bông mãng cầu, nếu dùng ống chích loại 5cc hay 6cc thì không phủ trọn phần bông nên quá trình thực hiện sẽ không đạt hiệu quả.
Ngoài ưu điểm là thụ phấn đều cho bông để có được trái mãng cầu no tròn, suông đẹp thì việc dùng ống chích còn giúp cho quá trình thụ phấn được nhanh hơn. Theo ông Niềm, nếu trước kia dùng cây cọ để thụ phấn cho vườn mãng cầu vào thời điểm bông rộ thì cả ngày một mình ông sẽ thụ phấn được khoảng 400-500 bông.
Còn với phương pháp dùng ống chích 10cc đang làm thì với số lượng bông tương tự, ông Niềm chỉ mất khoảng 4 tiếng là xong và bình quân mỗi bình ống chích chứa đầy nhụy sẽ thụ phấn được 250 bông mãng cầu. Ngoài ra, khi dùng cây cọ thụ phấn bông mãng cầu thì gặp lúc trời mưa sẽ không làm được, còn sử dụng ống chích thì cứ vô tư thực hiện mà không sợ bị ảnh hưởng đến chất lượng trái sau này.
Khi thụ phấn xong thì sau thời gian khoảng 5 tháng, ông Niềm tiến hành thu hoạch trái kéo dài trong thời gian khoảng 8 tháng theo hình thức xen kẽ.
“Ngoài những lợi ích trên thì bình quân 1.000 trái mãng cầu xiêm khi áp dụng biện pháp dùng ống chích trong thụ phấn cho bông có thể cho năng suất cao hơn 500kg so với những hộ áp dụng kỹ thuật truyền thống...".
Theo ông Niềm, lý do là khi sử dụng ống chích để thụ phấn cho bông thì cho ra trái mãng cầu to tròn và trái lớn đồng đều hơn, từ đó trọng lượng mỗi trái sẽ nặng hơn so với kỹ thuật bình thường.
Với cách làm của ông Niềm như hiện nay thì năng suất một công mãng cầu trên 10 năm tuổi có thể đạt từ 4-5 tấn trái/năm.
Riêng những vườn mãng cầu từ 5-6 năm tuổi có thể cho năng suất 7-8 tấn trái/năm và giá bán từ đầu năm đến nay là từ 6.000-12.000 đồng/kg...
Với những kết quả khả quan mang lại, ông Niềm đã chia sẻ và được nhiều bà con trồng mãng cầu xiêm nơi đây cùng áp dụng để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Ngoài trao đổi kỹ thuật mới trong cách thụ phấn để trái mãng cầu đạt hiệu quả thì ông Niềm còn nói bí quyết để hạn chế 3 loại đối tượng chính gây hại trên cây mãng cầu là ruồi đục trái, sâu ăn da và rệp sáp.
Cụ thể là ông Niềm xử lý cho cây mãng cầu ra hoa và thu hoạch trái trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng Giêng âm lịch, riêng các tháng còn lại do 3 đối tượng trên phát triển mạnh nên vườn mãng cầu nhà ông có ít trái thu hoạch trong giai đoạn này.
Vì vậy, nhiều năm qua, chi phí về vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại trên cây mãng cầu của ông cũng ở mức thấp.
Với cách làm sáng tạo của mình, ông Niềm đã và đang tạo ra niềm hy vọng mới cho người trồng mãng cầu trong tỉnh Hậu Giang về quy trình xử lý ra trái cho cây mãng cầu đạt hiệu quả về mặt chất lượng và năng suất; từ đó góp phần mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn cho nhà vườn.
Hiện nay, không riêng gì bà con trong ấp cùng áp dụng kỹ thuật mới trong thụ phấn bông mãng cầu từ ý nghĩ của ông Niềm, mà đã có nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ đến nghiên cứu với ông để ngày càng hoàn thiện và phát triển cách làm mới của ông Niềm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.