Trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc, Hà Giang
Trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc, Hà Giang
P.V
Thứ hai, ngày 25/10/2021 22:36 PM (GMT+7)
Vừa qua, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã tổ chức chiến dịch trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc, Hà Giang.
Đây là sự kiện hưởng ứng chương trình "Trồng mới 1 tỷ cây xanh-Vì một Việt Nam xanh", ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan về việc tổ chức chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc- Hà Giang.
Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, là một huyện có đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, độ cao trung bình so với mặt nước biển là 1.150m, nhân dân thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng (về mùa khô thường gây ra thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân khoảng 5 - 6 tháng, từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau); tỷ lệ hộ nghèo cao trên 35% tổng số hộ; dân số toàn huyện trên 95% là dân tộc thiểu số; hoạt động phát triển kinh tế chủ yếu vẫn là thuần nông (trồng trọt và chăn nuôi). Hiện nay trên địa bàn toàn huyện có tổng 20.500 ha rừng (bao gồm rừng đặc dụng, rừng tự nhiên và rừng trồng), tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 35,4%.
Xuất phát từ những khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nên việc tổ chức trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là hết sức cấp thiết để với mục đích giữ đất, sản sinh nguồn nước qua đó giảm bớt gánh nặng về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho người dân, huyện cũng định hướng cho các xã, thị trấn quan tâm triển khai cho nhân dân trồng một số loài cây ăn quả đặc sản của địa phương để phục vụ du khách và định hướng phát triển thành hàng hoá, cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Hưởng ứng chương trình, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh Trường THCS và THPT Marie Curie đã đóng góp trồng mới 12ha rừng tạo nên "Khu rừng Marie Curie" ở huyện Mèo Vạc - Hà Giang.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, Quản lý cấp cao-Đối ngoại và phát triển bền vững, Unilever Việt Nam cho biết: "Hôm nay, Unilever Việt Nam hân hạnh là doanh nghiệp đầu tiên đồng hành cùng huyện Mèo Vạc – tỉnh Hà Giang góp phần thực hiện mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn của địa phương. Một trong những chủ đề lớn trong Kế hoạch Phát triển Bền vững mang tên La bàn Unilever của chúng tôi chính là "Cải thiện sức khỏe hành tinh", bao gồm 3 trụ cột: Hành động Khí hậu, Bảo vệ & Tái tạo Thiên nhiên, và Một thế giới không rác thải.
Hoạt động Trồng cây trong dự án "Vì Một Việt Nam Xanh", hợp tác cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường không chỉ giúp Unilever chung tay vào mục tiêu quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh đến hết năm 2025 mà còn hỗ trợ chúng tôi thực hiện cam kết kép trong chủ đề về môi trường của Tập đoàn, đó là ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ-tái tạo thiên nhiên. Chúng tôi hi vọng rằng, việc triển khai dự án "Vì Một Việt Nam Xanh" giữa Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Unilever Việt Nam sẽ giúp lan tỏa tinh thần doanh nghiệp và toàn dân chung tay cùng Nhà nước thực hiện mục tiêu trồng cây xanh và bảo vệ môi trường, từ đó truyền cảm hứng đến các tổ chức, doanh nghiệp có cùng tầm nhìn và mục tiêu để góp sức đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động này".
Unilever Việt Nam cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai chương trình hành động "Vì một Việt Nam xanh", thực hiện trồng 200.000 cây xanh tại các địa phương trên cả nước trong giai đoạn 2021-2022, và hướng đến mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến hết năm 2025, tập trung tại rừng phòng hộ, rừng quốc gia, trường học, đô thị. Nhân dịp này, Công ty CP Check in Việt Nam đã trao tặng đồng bào khó khăn và học sinh xã Khâu Vai 1 tấn gạo, 700 quyển vở, áo mũ, 20 thùng sữa…
Phát biểu tại Lễ khởi động, ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Mèo Vạc là một trong những huyện đặc biệt khó khăn nhất trong cả nước, bà con nơi đây trên 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ còn nhiều hạn chế về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là việc thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt kéo dài 4-6 tháng/năm. Trước đây, do tác động của thời tiết khí hậu khắc nghiệt như sương muối, mưa tuyết, rét đậm, rét hại và nhu cầu lấy gỗ làm nhà, nhu cầu về chất đốt nên nhiều diện tích rừng của huyện nói chung và diện tích rừng đầu nguồn nói riêng bị khai thác, chặt phá, diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ nhân dân về tiền và gạo để người dân tham gia bảo vệ rừng nên đã có nhiều diện tích rừng được khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi, hiện nay toàn huyện có hơn 20.500 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 35%.
Xuất phát từ những khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nên việc tổ chức trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là hết sức cấp thiết để với mục đích giữ đất, sản sinh nguồn nước qua đó giảm bớt gánh nặng về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn toàn huyện, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững cho người dân nơi vùng cao biên giới.
Mặt khác, để hưởng ứng Chương trình trồng mới một tỷ cây xanh, vì một Việt Nam xanh cho nên việc Trung tâm Truyền thông Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các nhà tài trợ quan tâm ký kết triển khai chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn cho Mèo Vạc là vô cùng ý nghĩa đối với huyện nhà. Tôi tin tưởng rằng khi dự án được triển khai sẽ góp phần tích cực, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn huyện về công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái".
Lãnh đạo huyện cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để tổ chức thực hiện thành công chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn cho Mèo Vạc.
Ngay sau Lễ phát động, các đại biểu và nhân dân địa phương đã tổ chức trồng hàng ngàn cây sa mộc tại xã Khâu Vai và các xã thuộc huyện Mèo Vạc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.