Trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc sau 12 năm "lăn lộn giữa rừng" trồng cây dẻ ra trái đầy lông
Cao Bằng: Trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 sau 12 năm "lăn lộn giữa rừng" trồng cây ra trái đầy lông nhọn
Chiến Hoàng - Văn Tiệp
Thứ bảy, ngày 18/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Từ hai bàn tay trắng, sau 12 năm "lăn lộn giữa rừng", chị Nguyễn Hồng Minh (tổ 5, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) không chỉ có của ăn của để, mà còn trở thành người duy nhất của tỉnh Cao Bằng vinh dự được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Cao Bằng năm 2021-chị Nguyễn Hồng Minh (tổ 5, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) với mô hình trồng cây dẻ lấy hạt.
Khu kinh tế của gia đình chị Nguyễn Hồng Minh (tổ 5, phường Hợp Giang, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cách trung tâm thành phố chừng 2km.
Đó là những ngọn núi chon von xanh thẫm trên cánh rừng Đung Đăm Khuổi Slỏ, thuộc tổ 3, phường Sông Bằng. Từ nơi này nhìn xuống, có thể thu trọn trong tầm mắt thành phố Cao Bằng bên dòng sông Hiến thơ mộng.
Chúng tôi choáng ngợp khi trước mắt là cánh rừng hơn 7ha trải dài vô tận với bạt ngàn cây mận, cây cam, cây dẻ, cây trám đen đang vào vụ, quả lúc lỉu trên cành.
Chị Nguyễn Hồng Minh người gầy nhỏ nhưng đôi chân thoắt thoắt trên núi cao không hề biết mỏi. Khi chúng tôi đến, chị vẫn cặm cụi dưới những gốc dẻ đang vào độ thu hoạch. Những quả dẻ khô lăn lóc chẳng khác nào đám cỏ lông chông trước gió, được đôi bàn tay khéo léo của chị Minh gắp nhặt cho vào chậu.
Chị bảo, tháng này đang rộ quả, mỗi năm chỉ có một lần thu hoạch hạt dẻ, do đó phải nhanh. Nếu không, quả rơi đất lâu, ẩm mốc là hư hỏng.
Theo chị Minh, khu rừng này hiện có 1000 gốc dẻ, vài trăm gốc trám đen, còn lại là các loại cây cho trái khác như cây cam, cây mận…
"Riêng cây dẻ, mỗi năm cũng cho chừng 5 tấn hạt. Chỉ vài năm nữa thôi, sản lượng này sẽ tăng gấp đôi khi các cây còn lại cho quả. Giá hạt dẻ tại rừng hiện đang được tôi bán với giá 60.000 đồng/kg. Tôi chủ yếu cung cấp cho các ki-ốt, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh là chính. Sản phẩm tại vườn thường không đủ cung cấp cho nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương", chị Minh cho biết thêm.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị bảo: "Chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Rừng khi đó rậm rạp, hoang lạnh lắm. Sau khi học hết 12, tôi quyết định trở về làm nông dân, trót đam mê trồng trọt từ bé rồi mà, với lại muốn thoát nghèo thì phải cố gắng thôi".
Khi đó, một cô bé mới học hết lớp 12 lại dám lên núi, ăn rừng, ngủ rừng, đánh vật với vắt, với muỗi, trăm ngàn mối hiểm nguy rình rập khác. Điều đó khiến chúng tôi khó có thể hình dung và đặc biệt nể phục.
"Những ngày đầu khó khăn trăm bề, thiếu thốn đủ thứ. Cái gì ăn được thì hái, cái gì bán được thì thu, lấy ngắn nuôi dài chứ biết làm sao khi mà tiền không có. Dốc thì cheo leo, nhiều chỗ chỉ đặt được nửa bàn chân, tay bám dây mà leo lên thôi. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tôi luôn có niềm tin, nhất định sẽ thắng cái nghèo, nhất định sẽ thành công.
Nhiều khi mệt mỏi, thậm chí cũng có lúc nản lòng lại tự động viên mình, cố lên, có đi mới có đến. Rồi mọi thứ dần ổn định, cuộc sống cũng dễ thở hơn, rừng cũng đã "quy củ", không còn cảm giác hoang lạnh như những ngày đầu nữa", chị Minh nhớ lại.
Câu chuyện giữa chúng tôi chốc chốc lại gián đoạn bởi những đợt gió chạy tràn từ chân núi lên, tiếng chim gù, tiếng vo ve của bầy ong đi lấy mật... Chị bảo, không khí trong lành khiến chị khỏe mạnh và cũng muốn ở trên núi hơn.
Đôi chân ấy đã quen với núi rồi, bước đi trên phố cũng chừng gượng gạo. Quyết tâm thoát nghèo cùng nỗ lực lao động của chị ngày nào giờ đã được đền đáp.
Theo chị Minh, tổng thu từ những cánh rừng này cũng được từ 300 – 500 triệu đồng/năm, tùy năm được mùa, năm mất mùa.
Chị Minh cho biết, hai năm nay dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến mức thu, do vật tư đầu vào cao, giá thành bán ra lại thấp hơn khi chưa có dịch. Nhìn chung là cũng khó khăn.
Nói về việc được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021, Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: "Tôi thật sự rất vui vì đó là công sức, nỗ lực phấn đấu bao năm. Nếu cho tôi lựa chọn lại, tôn vẫn sẽ lựa chọn mô hình này".
Trao đổi với PV, ông Triệu Lưu Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cho biết, hội viên Nguyễn Hồng Minh là một phụ nữ siêng năng, cần cù, giàu nghị lực và quyết tâm.
Mô hình chị Nguyễn Hồng Minh thực hiện đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình tốt, rất cần được tuyên truyền và nhân rộng tại địa phương. Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng cũng đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động. Thông qua đó, đã nâng cao được nhận thức trong phát triển kinh tế hộ gia đình cho hội viên nông dân.
Nhờ đó, tỉnh Cao Bằng hiện nay đã có nhiều mô hình trang trại, gia trại tiêu biểu, được các hội viên nông dân thực hiện một cách quy mô, bài bản, cho thu nhập cao cũng như giải quyết được công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương.
"Nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân hiện nay rất hạn chế. Để giải quyết khó khăn, chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành. Đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới để giúp được nhiều hơn nữa cho các hội viên nông dân thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình như trường hợp hội viên Nguyễn Hồng Minh", Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng bày tỏ.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 2017 chị Nguyễn Hồng Minh đã vinh dự được nhận bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng về việc đạt danh hiệu hộ "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp tỉnh giai đoạn 2012-2016.
Năm 2018, chị Nguyễn Hồng Minh nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2014-2018.
Năm 2020, chị Nguyễn Hồng Minh tiếp tục nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng vì đã có thành tích trong phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020; Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2015 - 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.