Trồng nấm lợi lớn nhờ sáng kiến nhỏ

Đào Minh Trung Thứ bảy, ngày 23/07/2016 13:30 PM (GMT+7)
Ông Đỗ Đình Hòa, 54 tuổi, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) đã có nhiều sáng tạo, giải pháp hiệu quả giúp phát triển nghề trồng nấm của địa phương.
Bình luận 0

Ham học hỏi

Gia đình ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm và bịch phôi nấm các loại. Thời gian đầu, ông gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm bào ngư. Sau nhiều tháng quan sát, nghiên cứu, ông bắt tay vào thiết kế và làm 1 bộ phận nâng nhiệt cho lò khử trùng bằng 1 cái hộp sắt hàn kín, bên trong rỗng. Hộp sắt có kích thước 45x20x10cm và được nối với 1 ống sắt thông từ nồi áp suất để dẫn nhiệt ẩm vào nơi khử trùng bịch phôi. “Thiết bị” này được gắn bên cạnh đáy chảo, dùng lửa có sẵn trong lò để nung nóng làm cho nhiệt độ lò khử trùng bịch phôi tăng cao, đạt khoảng 160 độ C.

img

Ông Đỗ Đình Hòa chăm sóc nấm thành phẩm. Ảnh: Đào Minh Trung

Sáng kiến này của ông Hòa đã đảm bảo khử trùng các bịch phôi nấm, từ đó tỷ lệ thành phẩm bịch phôi nấm đạt chuẩn tăng từ 75 – 80% trước đây lên 98% như hiện nay. Sáng kiến của ông Hòa đã được Hội ND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ trao giải Nhất tại hội thi “Sáng tạo Nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2015.

Do điều kiện thời tiết, khí hậu, việc trồng nấm của gia đình ông Hòa thường ngưng trệ trong mùa hè. Để khắc phục điều này, ông Hòa đã đưa giống nấm sò mới có tên Phượng Vĩ (giới khoa học gọi là giống nấm ưa nhiệt vào sản xuất).

"Nhờ ông Hòa trực tiếp hướng dẫn thực hành trồng nấm mà tôi có kỹ năng vững vàng hôm nay. Cùng học nghề như tôi, còn có 5 người khác ở Bình Định, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Yên cũng thành công nhờ theo học thầy Hòa”.

Ông Nguyễn Thơm (thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành,  huyện Phù Cát, Bình Định)

Tuy mới đưa meo giống nấm mới vào sản xuất được 2 tháng nay, nhưng sản lượng cung ứng cho tới 10 trại nấm của gia đình. Sản lượng nấm thành phẩm thu được đạt 1,2 tấn với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Hòa lãi ròng 15 triệu đồng.

Ông Hòa phấn khởi chia sẻ: “Có được những bước cải tiến đó, tôi đã phải đọc nhiều tài liệu sách, báo, nhờ tham vấn kỹ thuật từ chuyên gia Nguyễn Lân Dũng. Thông qua vị chuyên gia này mà tôi biết được giống nấm sò mới ưa nhiệt, giúp gia đình sản xuất liên tục trong năm dù thời tiết nắng nóng. Giống nấm này cũng giúp nhiều hộ làm nghề ở địa phương tăng thời gian sản xuất trong năm, tạo thêm việc làm, thu nhập…”.

Vui vì được truyền nghề cho người khác

Là một thành viên sinh hoạt tích cực trong câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 14.10” của tỉnh Bình Định, bản thân ông Hòa luôn được các cơ sở dạy nghề ở địa phương mời tham gia công tác truyền nghề, nhân, cấy nghề trồng nấm. Ông Hòa rất nhiệt tình tham gia hướng dẫn tận tình học viên, nhất là ở khâu thực hành. Cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông trở thành địa điểm thực hành tốt cho nhiều khóa học.

Ông Nguyễn Thái Vinh - Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh – một giảng viên đào tạo nghề cho nông dân nhận xét: “Ông Hòa rất giỏi nghề trồng nấm. Học viên các lớp tôi đưa đến thực hành đều làm tốt các khâu kỹ thuật do ông Hòa hướng dẫn. Nhiều học viên đã làm ra sản phẩm tốt sau học nghề”.

Ông Trần Văn Hùng- Chủ tịch Hội ND huyện Tây Sơn cho hay: “Quy mô sản xuất nấm của ông Đỗ Đình Hòa chưa phải là lớn, nhưng cách làm của ông là bài bản, trong đó chìa khóa thành công nằm ở việc ham học hỏi, thích sáng tạo, cải tiến, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Cơ sở sản xuất nấm của ông Hòa còn giải quyết việc làm cho 60 lao động thời vụ ở địa phương…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem