Trong ngôi nhà mơ ước

Nhà thơ Vi Thùy Linh Thứ tư, ngày 25/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Mùa xuân 2023, tôi chuyển nhà thuê lần thứ ba, kể từ khi làm mẹ. Bất đắc dĩ, bởi mỗi lần dọn, chuyển, là “ngộp thở” vì sách và đồ. Và tiếp tục, sang năm thứ 10 rời nhà bố mẹ, tôi lại nuôi - chữ, trong ngôi nhà ước mơ...
Bình luận 0

Ông nội tôi, Vi Kiến Minh (1926 - 1981) ít lần vẽ ngôi nhà gỗ lim bề thế ở thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) - nghe vận động cách mạng, thân mẫu ông đành đốt đi "tiêu thổ kháng chiến". Đứng trên lưng núi nhìn về nhà ở trung tâm phố chính, cháy ròng rã mấy ngày, Cụ bà đau xót, ốm và qua đời sớm. Ông tôi là anh trưởng, bươn chải lo cho các em. Gia thế nuôi thầy dạy chữ, thầy dạy võ, đầu bếp, vú em... tan tác cả. Theo cách mạng, rồi về Thủ đô học Mỹ thuật Yết Kiêu, ông nội tôi quay lại thành phố gang thép để sáng lập Khoa Mỹ thuật Trường Nghệ thuật Việt Bắc mà ông là trưởng khoa đầu tiên.

xuan/Trong ngôi nhà mơ ước - Ảnh 1.

Cô và trò Trường Tiểu học Dịch Vọng B - “mái nhà” chung của tôi và con gái. Ảnh: V.T.L

Ngôi nhà trong giấc mơ tôi vẫn là nhà cấp 4 hồi niên thiếu, một ký ức hằn sâu. Nhưng ngôi nhà của các con tôi thì chúng tôi đã "nhìn thấy": phòng hồng cho con gái, phòng xanh nước biển cho con trai. Xuân là mùa của tin, hy vọng.

Thái Nguyên thành quê hương thứ hai của ông bà nội, bốn anh em bố tôi. Nhà lúc đi sơ tán ở Cúc Đường, ở gần cầu Gia Bảy, đồi ông Tấn (Tướng Chu Văn Tấn). Bố tôi học Trường Tiểu học Vân Hồ ở Hà Nội, còn các cô chú thì học ở TP.Thái Nguyên.

Về Tập thể Bộ Văn hóa ở Cầu Giấy (Hà Nội) năm 1976, dãy nhà ông tôi ngay gần Công ty Xây dựng của bộ nhưng cả khu chỉ là nhà cấp 4. Nhà ông tôi ngói xi măng, còn mấy dãy phía sau thì lợp lá cọ, gọi là "dãy nhà lá". Tường vữa rơm, quần áo ít, mùa đông rất lạnh mà ông thì yếu phổi từ lúc trẻ. Năm 1986, khi tôi học lớp 2, nhà chuyển qua dãy hiện nay, rộng hơn nhà cũ, mái ngói xi măng, hàng rào cúc tần cả khu sau chuyển sang xây gạch. Nhà tôi dùng cổng gỗ nhiều năm mới "lên đời" cổng sắt, qua bao mùa mưa nước tràn vào nhà, chặn bao cát không xuể, mãi đến năm 2000 mới xây được 4 tầng chân phương. Xây nhà, phải vay tiền, bố mẹ chỉ làm được cửa gỗ tầng 1, khánh thành với các phòng không cửa, không bình nóng lạnh, thì sao lo được nội thất cầu kỳ, sau 22 năm nhà cũng chỉ đổi nước sơn chứ không sang sửa gì đẹp hơn.

Tôi nhớ mãi nhà cấp 4 trước khi bị đập ra xây. Bà nội tùng tiệm muối dưa cà, bán từng "ấm" (nhúm) lẻ chè Thái Nguyên, ép bánh quế và trồng giàn mướp cắt quả bán cho hàng xóm. Khoảng sân nhỏ có vườn ở giữa, thực ra là bồn quây xi măng, đất tốt, nhiều giun, trồng xương rồng, me lá, ổi, táo tròn giòn thanh trĩu quả dịp Tết. Nơi mảnh đất 2m2 ấy, tôi gieo hạt ớt, cà chua. Thật thích khi chiều chiều lấy nước rửa rau, vo gạo tưới cây; hào hứng hái ớt chín cây cho bố và cà chua cho mẹ nấu canh. Ngoài giờ học, tôi đi cắt cây khoai ngứa về cho mẹ nấu cám lợn. Lợn nuôi ở chái bếp đằng sau lợp giấy dầu.

Nhớ lắm ngôi nhà cũ có con mèo nhị thể (trắng đen) hay chuột, không ăn vụng, năng động. Cõng em đi xem nhờ tivi, tivi hàng xóm có cửa kéo, màn hình đen trắng nhiễu "muỗi" sau khi đấm tay khởi động. Nhớ những tối hè gió lộng, tôi và lũ bạn tán chuyện ở khoảng mái bằng gần giàn mướp của bà, đứa dọa: "Trái đất sẽ nổ tung năm 2000", đứa cứ hỏi: "Khi nào bọn mình được đi máy bay?", còn tôi thì nghĩ về mặt trăng, ngoài cổ tích, đồng dao chú Cuội, chị Hằng, có gì trên ấy?...

Thời nay, người ta thường đánh giá con người qua vật chất. Nhà của ông tôi, bố tôi là được Nhà nước phân. Còn tôi, không biết khi nào an cư trong ngôi nhà của mình thực thụ?

Tôi nuôi trong tôi nhiều mong muốn, ước mơ, hầu hết không cao xa, mà đều chính đáng, xứng đáng. Ước mơ vẫn thêm sức xuân khi mùa mới. Sở dĩ tôi vượt qua năm 2022 khó khăn nhất trong phần đời tôi đã sống, chính là bởi con gái tôi được "trú ngụ" ở một ngôi trường nửa thế kỉ ở quận Cầu Giấy - Trường Tiểu học Dịch Vọng B - ngôi trường văn minh, nhân văn. Trường là ngôi nhà lớn của con tôi, con được vui, cười nhiều khi đi học. Tôi cố ý muốn lịch sử nối tiếp khi con tôi học tại nơi tôi từng học, dù xưa chỉ học một buổi ở trường có 2 dãy lớp mái ngói đỏ, hơn 20 năm nay trường đã là 4 tòa nhà khang trang.

Còn tôi, ngày đêm vẫn rèn luyện và góp phần rất nhỏ bé vào sự đẹp -giàu của tiếng Việt qua lao động như một lý tưởng kiếp người. Mỗi trang viết của tôi như một viên gạch hồng. Tôi nỗ lực "xây nhà" cho mình và các con, dẫu hành trình dài, mỏi mệt nhưng không từ bỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem