Người giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô

Kim Duyên Thứ ba, ngày 24/01/2023 11:09 AM (GMT+7)
Cồng chiêng là "kho báu" văn hóa của đất Mường, là biểu trưng cho hồn cốt dân tộc Mường. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường ở Hà Nội, Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn ngày ngày miệt mài gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này.
Bình luận 0

Một ngày đầu Xuân, khi những cánh hoa đào bung nở, chúng tôi tìm về vùng đất bán sơn địa tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) để tìm hiểu về người lưu giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô.

Dừng chân tại ngôi nhà cấp 4 nhỏ bên sườn đồi thôn Đồng Dâu (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội), đón chúng tôi là một phụ nữ đang bồng cháu nhỏ trên tay. Thật khó để dung trước mắt chúng tôi là nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn – người ngày ngày bảo vệ và phát triển "báu vật nhân văn sống" của người Mường Thủ đô Hà Nội.

Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm in hằn sự vất vả nơi núi rừng, khẽ vấn lại chiếc khăn trắng trên đầu, thắt lại bộ tênh (khăn thắt ở eo – PV) truyền thống của người Mường, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vui vẻ mời chúng tôi vào nhà.

Trong căn nhà nhỏ, chúng tôi bị cuốn vào không gian hùng vĩ của núi rừng, đắm chìm vào những tiếng "bính boong" trầm bổng lúc sâu lắng, lúc hào hùng quyến rũ khi tiếng cồng chiêng được nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn tấu lên.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn tâm sự về “kho báu” của dân tộc mình. Thực hiện: Kim Duyên

Giữ tiếng chiêng, giữ cả văn hóa Mường

Trong câu chuyện chia sẻ, bà Thìn bảo: Ðối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng đi sâu vào cuộc sống mỗi người dân Mường, được truyền thụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây.

Song, cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có những nét đặc sắc riêng. Nếu như cồng ở Tây Nguyên người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng thì cồng của người Mường tại  Thạch Thất lại có quai xách, khi chơi mỗi người xách một cồng lên để đánh. Cồng chiêng của người Mường Thạch Thất có núm ở giữa, của người Tây Nguyên không có núm. Một bộ cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất thường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. 

Người giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô - Ảnh 2.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vẫn miệt mài lưu giữ “hồn” âm thanh của văn hóa Mường. Ảnh: Kim Duyên.

Là người con của núi rừng bên dãy Viên Nam hùng vĩ, nét văn hóa của dân tộc Mường đã in sâu vào con người nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn. Bà kể, tiếng cồng chiêng như ngấm vào máu của mình, càng gắn bó lại càng say mê với tiếng nhạc của dân tộc. "Từ khi lên 8 tuổi, tôi đã phải làm thuê kiếm sống. Cả thôn Đồng Dâu khi ấy chỉ có một gia đình giàu sở hữu bộ chiêng cổ. Để được nghe tiếng chiêng tôi xin vào nhà đó phụ trông trẻ. Cứ thế, tôi đã thuộc từng nốt nhạc khi nào không hay", Nghệ nhân Bích Thìn bồi hồi nhớ lại. 

Năm 1974, bà trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu - là khóa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay). Ra trường, bà đã trải qua nhiều môi trường công tác, từ Sở Văn hoá tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng văn hoá huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình), sau đó tham gia Ban Văn hoá xã Tiến Xuân.

Người giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô - Ảnh 3.

Những tấm bằng khen, giải thưởng được nghệ nhân gìn giữ treo nơi trang trọng nhất trong nhà. Ảnh: Kim Duyên.

Đến nay, dù đã nhiều năm không làm công tác văn phòng tại ủy ban nhưng địa phương hễ có cuộc thi nào cũng đều nhờ bà dàn dựng. Trong nhiều cuộc thi, nhiều vở diễn, bà vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch, vừa là diễn viên... Một mình gánh nhiều vai trò như thế nhưng cuộc thi nào có bà cũng giành giải cao: Giải nhất Hội thi Nông dân giỏi, Giải nhì Cuộc thi Hòa giải viên giỏi...

Là người có năng khiếu nghệ thuật, được học các lớp đào tạo chuyên nghiệp, bà Thìn đã dàn dựng thành công nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tham dự hội diễn của huyện, tỉnh và đoạt giải cao. Điều đáng quý là trong những tiết mục mà bà vừa làm biên kịch, vừa làm đạo diễn kiêm diễn viên ấy, có nhiều tiết mục khơi gợi trọn vẹn hình ảnh cồng chiêng của dân tộc Mường. 

Năm 2009, bà được tham gia đoàn biểu diễn của Thủ đô Hà Nội đi dự Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Được biểu diễn trên sân khấu lớn, bà càng thêm tự hào văn hoá cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình.

Năm 2014, bà Thìn cùng đội văn nghệ được tham gia Liên hoan các loại hình múa dân gian Hà Nội, được biểu diễn chiêng và tổ hợp các bài hát múa dân gian truyền thống do bà dàn dựng tại Tượng đài Lý Thái Tổ. "Kết thúc tiết mục biểu diễn, những tràng pháo tay, những lời khen ngợi của công chúng Thủ đô chính là động lực để bà giữ lửa nghề", bà Thìn hạnh phúc hồi tưởng. 

Vời nghệ nhân Bích Thìn, để gìn giữ trọn văn hóa của dân tộc mình, không chỉ giữ "hồn" âm thanh của dân tộc mà nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn luôn chỉn chu về trang phục mỗi khi "chơi" nhạc cụ dân tộc. Người nghệ nhân gìn giữ văn hóa cồng chiêng dân tộc mường tâm sự: "Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Mường chỉ hay và hoàn hảo khi người biểu diễn mặc đúng trang phục của dân tộc Mường, thậm chí đội khăn, búi tóc cũng phải theo đúng quy tắc". 

Người giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô - Ảnh 4.

Thế hệ trẻ luôn là thế hệ được bà Thìn quan tâm, bởi với bà đây là thế hệ sẽ tiếp tục phát triển văn hóa cồng chiêng của người Mường.

Nỗ lực của người nghệ nhân "nghèo"

Dấu tích về những bộ chiêng cổ không còn đậm nét nhưng đối với đồng bào Mường, nghệ thuật cồng chiêng không chỉ là tài sản quý mà còn mang giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc. Đặc biệt, chính tiếng chiêng là nguồn sức mạnh tinh thần giúp nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, cố gắng gìn giữ nét văn hóa riêng của dân tộc.

Trước tình trạng nhiều người đã bán cồng chiêng, lo lắng trước nguy cơ mai một, bà tìm gặp những người cao tuổi nắm giữ nhiều kiến thức về văn hóa cồng chiêng hỏi han, xin truyền dạy và thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân. 

Người giữ "kho báu" của người Mường ở Thủ đô - Ảnh 5.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn trong cuộc sống đời thường cùng con cháu. Ảnh: Kim Duyên.

Được UBND huyện Thạch Thất đầu tư 6 bộ cồng cho 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, CLB Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân do nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chủ nhiệm đã nỗ lực hết mình để lan tỏa "tiếng nói" của cồng chiêng đến với người dân cả nước.

Để vực dậy điệu "hồn" chiêng xứ Mường, huyện Thạch Thất đã tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng tập trung cho người dân. Không ai khác, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chính là người đứng lớp bởi bà luôn đau đáu làm sao có thể dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau.

Thậm chí, năm 2015, ngay khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", với phần thưởng 10 triệu đồng, bà Thìn đã vay thêm tiền để mua 1 bộ chiêng của riêng mình nhằm phục vụ cho việc truyền dạy cho người dân (thời điểm đó, bà vẫn sống trong căn nhà cấp 4 cũ kĩ, dột nát). Đến nay, nhiều người Mường ở các vùng khác đã tìm đến mượn cồng chiêng của bà để học và biểu diễn.

Bà chia sẻ, hiện nay, việc đưa văn hóa cồng chiêng của người Mường vào trường học tại địa phương cũng là một tín hiệu vui để người nghệ nhân thêm tin tưởng vào thế hệ sau về việc gìn giữ văn hóa của dân tộc. Một số đội học trò của bà Thìn đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. "Hiện nay, nhiều người đã biết đánh "Bông trắng bông vàng" và "Sắc bùa" là 2 bài chiêng truyền thống của người Mường", Bà Thìn nói trong hạnh phúc.

Vì yêu văn hóa dân tộc, muốn gìn giữ "hồn" dân tộc bà Thìn đã gắn bó cả đời với đất Đồng Dâu, với tiếng chiêng của bản làng. Tuy nhiên bà Thìn cũng mong muốn: "Nhà nước cũng như TP.Hà Nội có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để tuyên truyền, quảng bá di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô nói chung". 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể trong đó có cồng chiêng, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Với mục tiêu trong quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc khác, cần bảo tồn và phát huy được các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường, do đó UBND huyện Thạch Thất đã xây dựng và thực hiện Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016- 2020".

Sau 5 năm hoàn thành đề án, 100% các thôn tại 3 xã có Đội Chiêng Mường và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo Chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, tất cả các thôn của 3 xã có bộ Chiêng Mường đạt yêu cầu để phục vụ việc tập luyện, tham gia các chương trình giao lưu, hội thi và các sinh hoạt cộng đồng của thôn – đạt 100% so với mục tiêu".

"Tôi tin rằng, sau thành quả của Đề án "Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất giai đoạn 2016- 2020", đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thất - Hà Nội sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mình, để tiếng chiêng Mường mãi mãi vang xa giữa Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem