Trồng thành công loài cây ví như "Quốc bảo của Việt Nam" trên vùng Mù Cang Chải của Yên Bái

Hoàng Hữu Thứ ba, ngày 14/05/2024 05:49 AM (GMT+7)
Sau hơn 5 năm trồng thử nghiệm, đến nay sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đã sinh trưởng, phát triển tốt tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Từ thành công bước đầu này, cây sâm hứa hẹn sẽ trở thành cây thoát nghèo cho người dân nơi đây trong tương lai không xa.
Bình luận 0

Đèo Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có điều kiện khí hậu mát mẻ, độ cao phù hợp, do vậy Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam đã dành 10 tỷ đồng để xây dựng một trang trại trồng sâm và dược liệu rộng 6ha tại đây.

Trồng thành công loài cây ví như "Quốc bảo của Việt Nam" trên vùng Mù Cang Chải của Yên Bái- Ảnh 1.

Trang trại trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái của Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hữu.

Đến nay, sau 5 năm trồng thử nghiệm, công ty đã trồng được nhiều loại sâm quý và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, tam thất, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa...

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam cho biết, Mù Cang Chải có quỹ đất còn tương đối lớn, nguồn nhân công dồi dào nên dư địa phát triển rất tốt. 

Trong khi đó, thị trường sâm Ngọc Linh mới chỉ manh nha, sản lượng còn chưa đủ để phục vụ tươi. Sau này, sẽ có nhiều sản phẩm cần sử dụng nguyên liệu từ sâm, thậm chí phục vụ xuất khẩu nên thị trường và tiềm năng phát triển rất lớn.

"Nếu được quy hoạch tốt, Mù Cang Chải sẽ trở thành trung tâm cây dược liệu, không chỉ trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu mà còn nhiều loài dược liệu khác" - ông Nguyễn Đức Thuận nói.

Trồng thành công loài cây ví như "Quốc bảo của Việt Nam" trên vùng Mù Cang Chải của Yên Bái- Ảnh 3.

Vườn sâm giống phát triển tốt tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu.

Giám đốc Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam cho biết thêm, đến nay trang trại sâm và cây dược liệu này đã bắt đầu cho ra những sản phẩm thương mại. Tùy theo độ tuổi của sâm, đã có những củ sâm bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/kg. 

Cùng với đó, trang trại sâm và cây dược liệu này còn tạo việc làm cho 10- 15 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Những thành công bước đầu này sẽ là tiền đề để công ty mở rộng diện tích cũng như bàn giao kỹ thuật cho người dân cùng phát triển.

Trồng thành công loài cây ví như "Quốc bảo của Việt Nam" trên vùng Mù Cang Chải của Yên Bái- Ảnh 4.

Củ sâm khoảng 4 năm tuổi có giá trị cao được trồng tại vườn của Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hữu.

Trồng thành công loài cây ví như "Quốc bảo của Việt Nam" trên vùng Mù Cang Chải của Yên Bái- Ảnh 5.

Cây sâm Lai Châu phát triển khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu thuận lợi ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu.

"Công ty đang tích cực mở rộng diện tích trồng sâm và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao tại Kim Nọi. Công ty hiện đang hợp tác với Viện Công nghệ sinh học để phát triển và bảo tồn các loài sấm quý.

Đây cũng là một yếu tố để sau này chúng tôi thành lập một quy trình và có thể chuyển giao kỹ thuật cho bà con" - ông Nguyễn Đức Thuận cho hay.

Ông Hờ A Hứ, Chủ tịch UBND xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam đã trồng thành công sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trên địa bàn xã. 

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trên địa bàn xã. Từ đó mở rộng diện tích trồng sâm và cây dược liệu, tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn".

Trong chuyến thăm và làm việc tại vườn trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trên địa bàn xã Kim Nọi mới đây, ông Đỗ Đức Duy - UVBCH Trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái đã đánh giao cao mô hình kinh tế mới này.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái mong muốn Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam và các nhà đầu tư tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình, sau đó chuyển giao dần công nghệ cho người dân địa phương, từ đó giúp người dân nhanh chóng phát triển kinh tế từ loại dược liệu này để thoát nghèo bền vững.

Trồng thành công loài cây ví như "Quốc bảo của Việt Nam" trên vùng Mù Cang Chải của Yên Bái- Ảnh 7.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (đứng thư 2 bên phải sang) kiểm tra mô hình trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và dược liệu quý tại Công ty CP đầu tư PALEX Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hữu.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh, địa phương sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện cho mô hình phát triển thuận lợi, góp phần tạo nguồn giống sâm cho người dân trên địa bàn huyện Mù Cang Chải phát triển trong tương lai. Đây sẽ là tiền đề để người dân xã Kim Nọi nói riêng và các xã khác trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có thể trồng, phát triển cây sâm. Từ thành công bước đầu của cây sâm trên đất Kim Nọi, hứa hẹn cây sâm sẽ là cây thoát nghèo cho người dân vùng cao Mù Cang Chải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem