Quảng Bình: Trồng loại cây chịu kham khổ, nông dân này thu hàng trăm triệu/năm

Trần Anh Thứ tư, ngày 11/09/2024 05:35 AM (GMT+7)
Bà Lê Thị Lan Hương (ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trồng tre lục trúc lấy măng trên diện tích 2 ha đất gò đồi, sau 2 năm trồng theo hướng hữu cơ, dưới những khóm tre mầm măng vươn chồi, bà Hương thu hoạch mang bán đạt doanh thu 600 triệu đồng/ha.
Bình luận 0

Trồng tre lục trúc lấy măng, loại cây chịu được kham khổ

Trò chuyện với PV, bà Lê Thị Lan Hương (ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "3 năm trước, bão đổ bộ vào Quảng Bình khiến nhiều diện tích trồng cây cao su gãy đổ, nông dân trắng tay vì "vàng trắng". Qua tìm hiểu, tôi thấy thấy tre lục trúc là loại cây trồng thích ứng với thời tiết, có giá trị kinh tế cao và đã được trồng thành công ở các tỉnh phía Bắc nên tôi từ Đồng Hới ra xã Hòa Trạch cải tạo lại 2ha đất gò đồi để trồng 3.200 cây tre lục trúc".

Trồng tre lục trúc, loại cây chịu kham khổ, một nông dân Quảng Bình thu hàng trăm triệu/năm- Ảnh 1.

Vườn tre lục trúc bà Lê Thị Lan Hương ở thôn Bàng xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Sau 2 năm trồng, vườn cây tre lục trúc của bà Lê Thị Lan Hương cứng cáp và khép tán, cho lứa măng đầu tiên.

Theo bà Lan Hương, mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20 - 30 cây, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15 - 30kg măng tươi.

Trồng tre lục trúc, loại cây chịu kham khổ, một nông dân Quảng Bình thu hàng trăm triệu/năm- Ảnh 2.

Bà Lê Thị Lan Hương đã lặn lội ra các tỉnh phía Bắc để mua giống tre lục trúc, loại cây thích ứng được với vùng đất gò đồi, có khí hậu khắc nghiệt.

Măng được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm, mỗi ha cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

"Cây tre lục trúc là loại cây chịu được kham khổ, rất hợp với khí hậu khắc nghiệt cũng như thổ nhưỡng ở vùng gò đồi. Cây tre thấp, thân dẻo, chống chịu được gió bão. Lá tre khép tán cũng hạn chế được việc đất đồi bị rửa trôi, xói lở", bà Lê Thị Lan Hương cho hay.

Trồng tre lục trúc, loại cây chịu kham khổ, một nông dân Quảng Bình thu hàng trăm triệu/năm- Ảnh 3.

Sau 2 năm trồng, mầm măng đã nhú lên dưới những khóm tre lục trúc.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng tre lục trúc

Theo bà Lê Thị Lan Hương, để trồng tre lục trúc lấy măng hiệu quả trước hết phải chọn cây giống bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, phải nắm vững được quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Phải chọn được chất đất phù hợp, không bị ngập úng. Để tạo độ tơi xốp cho măng phát triển, người trồng phải thường xuyên tưới nước và phủ mùn cưa hoặc trấu tại các gốc tre và sau 6 tháng sẽ bón phân cho tre lục trúc một lần.

Trồng tre lục trúc, loại cây chịu kham khổ, một nông dân Quảng Bình thu hàng trăm triệu/năm- Ảnh 4.

Vườn măng của bà Lê Thị Lan Hương đang vào chính vụ thu hoạch.

Tre lục trúc là loại cây trồng mới, xanh về môi trường, sạch về dinh dưỡng, có khả năng kháng sâu bệnh cao, dễ trồng và có khả năng chắn gió, giữ đất tốt. Sau khi trồng 1 năm sẽ cho thu hoạch và thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ 10-15 năm.

Mỗi năm, khi thu hoạch xong măng, nhà vườn chặt bỏ khoảng 15-20 cây tre đã già và chừa lại cũng chừng đó mầm măng để cho phát triển thành khóm và năm tiếp theo mầm măng sẽ được nhiều hơn.

Trồng tre lục trúc, loại cây chịu kham khổ, một nông dân Quảng Bình thu hàng trăm triệu/năm- Ảnh 5.

Trung bình mỗi khóm tre lục trúc cho thu hoạch từ 15 - 30 kg măng tươi.

Việc trồng tre lục trúc lấy măng được thực hiện theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên được thị trường ưa chuộng.

Hiện, mỗi ngày vườn tre lục trúc của chị Lê Thị Lan Hương đang cho thu hoạch từ 10-20kg măng. Sản phẩm làm ra hiện đang được các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn đặt mua với mức giá 60 nghìn đồng/kg.

Trồng tre lục trúc, loại cây chịu kham khổ, một nông dân Quảng Bình thu hàng trăm triệu/năm- Ảnh 6.

Chính quyền địa phương cùng người dân đến tham quan mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của bà Lê Thị Lan Hương và đánh giá cao hiệu quả mô hình này.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của nông dân Lê Thị Lan Hương là mô hình tiêu biểu cho việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Bình. Trung tâm cũng đã đồng hành, hỗ trợ một phần phân bón và kinh phí để nông dân Lan Hương phát triển mô hình. Đến nay, mô hình đã cho hiệu quả cao, doanh thu mỗi ha đạt 600 triệu đồng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem