Trồng tre tứ quý bán măng nghịch vụ, ông nông dân Cần Thơ chăm nhàn mà thu tiền đều

Thúy Vy Thứ sáu, ngày 08/12/2023 18:52 PM (GMT+7)
Với 20.000m2 trồng tre tứ quý bán măng nghịch vụ, ông Nguyễn Văn Cua, phường Tân Phú, quận Cái Răng, (TP Cần Thơ) bán với giá từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, thu tiền triệu đều đều mỗi ngày.
Bình luận 0

Nói về cơ duyên với cây tre tứ quý, ông Cua chia sẻ: Trước đây, ông đã trồng đủ loại cây ăn trái, nhưng không một cây nào mang lại hiệu quả mong đợi. 

Sau đó, ông đã quyết định cải tạo đất và chuyển hướng sang trồng dừa, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Đến năm 2012, ông tình cờ được người cháu tặng cho 80 gốc tre tứ quý để thử nghiệm trồng.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 1.

Tre tứ quý cho măng quanh năm, thu nhập từ tre tứ quý cao hơn so với việc trồng dừa bởi không chỉ măng mà giống cây, thân cây tre, lá cây tre đều bán được hết. Ảnh: Thúy Vy

Ban đầu, ông chỉ định trồng tre để thu hoạch măng để ăn. Nhưng sau một thời gian quan sát, ông nhận ra rằng tre tứ quý có tiềm năng lớn. 

Chúng cho măng quanh năm, thu nhập từ tre tứ quý cao hơn so với việc trồng dừa bởi không chỉ măng mà giống cây, thân cây tre, lá cây tre đều bán được hết.

Nhận thấy được tiềm năng kinh tế của giống tre tứ quý này, ông Cua mạnh dạn đốn bỏ vườn dừa và tập trung nhân giống tre. Đến nay, 20.000m2 vườn nhà ông đã "phủ xanh" với hơn 500 gốc tre tứ quý.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 2.

20.000m2 vườn nhà ông Cua đã "phủ xanh" với hơn 500 gốc tre tứ quý. Ảnh: Thúy Vy

"Tre tứ quý không chỉ dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn nhẹ công chăm sóc. Chỉ cần tưới nước cách ngày và bón phân đầy đủ 2 tháng 1 lần là cây có thể sinh trưởng nhanh và phát triển mạnh. Tre tứ quý hầu như ít bị sâu bệnh nên không cần sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật.

Trong quá trình canh tác, tôi thường xuyên tận dụng cỏ, lá tre khô xung quanh để vun gốc, giữ ẩm cho gốc tre và giữ lại gốc rễ để kích thích măng non mau ra. Khoảng 1 năm thì chặt bỏ tre 1 lần để măng tơ phát triển thành lứa cây mới" – Ông Cua nói.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 3.

Mỗi bụi tre thường cho từ 6 đến 8 mục măng/tháng, mỗi mục có trọng lượng từ 1,5kg trở lên, cao khoảng 30cm là có thể thu hoạch. Ảnh: Thúy Vy

Mỗi bụi tre thường cho từ 6 đến 8 mục măng/tháng, mỗi mục có trọng lượng từ 1,5kg trở lên, ông chọn mục to đẹp nhất để giữ lại làm giống. Qua đó, ông Cua đã có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ việc bán tre giống với giá 25.000 đồng/nhánh chiếc. Ngoài ra, lá tre cũng được nhiều người tìm đến để mua sử dụng cho việc gói bánh với giá trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 4.

Nhờ sự cần cù, chịu khó và kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, vườn tre tứ quý của ông Cua luôn xanh tốt và mang lại sản lượng cao. Ảnh: Thúy Vy

Riêng đối với măng, khi đạt chiều cao khoảng 30cm là có thể thu hoạch, bình quân có thể thu hoạch từ 20 -30kg măng/ngày. Ông Cua thổ lộ: "Tôi thường tập trung dưỡng cây vào mùa thuận, giữ lại măng để bán vào mùa nghịch, đó là thời điểm từ tháng 11 đến tháng 5, măng đạt giá cao nhất. Điểm đặc biệt của măng tứ quý là vỏ xanh, không lông, thịt trắng, và không có hậu đắng như các loại măng khác. Không chỉ vậy, khi nấu măng tứ quý, không cần phải lược bỏ một nước, đặc biệt là càng nấu chín thì măng càng trở nên vàng đẹp và thơm ngọt hơn".

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 5.

Ông Cua (bên trái) chiết cành giống để bán. Ảnh: Thúy Vy

Theo ông Cua, giá bán măng cho bạn hàng tại các chợ trong huyện và thương lái trong những thời điểm trái mùa dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Nhờ măng được hái mỗi ngày nên rất tươi ngon, khách hàng rất ưa chuộng. Với mức giá này, ông Cua có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ việc trồng tre tứ quý.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 6.

Măng được hái mỗi ngày nên rất tươi ngon, khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: Thúy Vy

Gia đình ông Nguyễn Văn Giao (SN 1950 ngụ phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cũng là một trong những hộ gia đình trồng tre tứ quý, chia sẻ: "Trước đây tôi trồng mít Thái nhưng dần thấy hiệu quả không cao nữa nên tôi đến nhà ông Cua hỏi mua giống tre tứ quý về trồng.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 7.

Chỉ sau năm đầu tiên chăm sóc, vườn tre tứ quý của ông Giao (bên phải) đã thu về lãi hơn 100 triệu đồng từ việc bán măng, cây giống, thân tre và lá tre. Ảnh: Thúy Vy

Sau đó tôi đã mạnh dạn phá bỏ hơn 1.000m2 vườn mít Thái để trồng 200 gốc tre tứ quý. Ban đầu tôi cũng đối mặt với không ít áp lực bởi tre tứ quý vẫn còn khá mới đối với gia đình tôi. 

Nhưng chỉ sau năm đầu tiên chăm sóc, vườn tre tứ quý đã thu về lãi hơn 100 triệu đồng từ việc bán măng, cây giống, thân tre và lá tre. Hàng tháng, thương lái đến tận vườn nhà tôi mua măng với giá từ 30.000 – 45.000 đồng/kg nên tôi không lo về đầu ra".

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 8.

Anh Nguyễn Văn Bình (con trai ông Giao) thường xuyên tưới nước, chăm bón cho vườn tre. Ảnh: Thúy Vy

Gần đây, ông Giao thường xuyên đón khách hàng từ những tỉnh lân cận như Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long tìm đến mua tre giống về trồng. Nhìn thấy sự phát triển và tiềm năng của loại tre tứ quý trên thị trường, gia đình ông đã quyết định mở rộng thêm 3.000m2 nữa để tăng diện tích trồng tre tứ quý, nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua ngày càng tăng.

Trồng tre tứ quý bán nghịch mùa, lão nông Cần Thơ nhàn tênh mà thu tiền triệu đều đều - Ảnh 9.

Hiện nay ở địa bàn phường Tân Phú đã có nhiều hộ đạt thu nhập cao từ khi mạnh dạn cải tạo đất để phát triển mô hình trồng tre tứ quý. Ảnh: Thúy Vy

Đánh giá cao về mô hình này, Huỳnh Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, thông tin: "Hiện nay ở địa phương đã có nhiều hộ đạt thu nhập cao từ khi mạnh dạn cải tạo đất để phát triển mô hình trồng tre tứ quý. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế tốt nhất cho hội viên nông dân, địa phương đã thành lập Tổ hợp tác trồng tre tứ quý, vận động người dân tích cực tham gia nhằm kết nối cùng nhau hỗ trợ kỹ thuật trồng, cây giống, phân bón…

Trong thời gian sắp tới, Hội Nông dân phường Tân Phú sẽ tiếp tục triển khai chiến lược đa dạng hóa sản phẩm từ tre. Cụ thể, thân tre sẽ được sử dụng để làm đũa, còn măng có thể được chế biến thành măng khô và dưa măng để cung ứng ra thị trường. 

Thông qua đó, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân tại địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức của bà con về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, từ đó đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem