Nhà quản lý, chuyên gia "hiến kế" cho nông dân Quảng Bình thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng

Trần Anh Thứ năm, ngày 29/08/2024 19:00 PM (GMT+7)
Ngày 29/8, tại Quảng Bình đã diễn ra Diễn Đàn "Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức.
Bình luận 0

Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan ban ngành, chuyên gia và gần 150 nông dân đã sôi nổi đặt câu hỏi, thảo luận, trình bày các tham luận đưa ra các giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Nhà quản lý, chuyên gia cùng nông dân bàn giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai - Ảnh 1.

Diễn Đàn "Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng".

Tại Diễn đàn, ông Đặng Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai - Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, giải pháp trong thời gian tới là cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bổ sung lắp đặt trạm đo mưa tự động, hệ thống quan trắc chuyên dùng của các ngành, địa phương; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng hồ chứa mới, bổ sung dung tích phòng lũ cho một số hồ trên các lưu vực sông; rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đê biển theo hướng nâng cao mức đảm bảo an toàn với bão, triều cho một số khu vực; đầu tư kinh phí củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, cửa sông xung yếu, đảm bảo chống bão theo tiêu chuẩn thiết kế.

Nhà quản lý, chuyên gia cùng nông dân bàn giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận, trình bày các tham luận đưa ra các giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ; di dời dân cư ở khu vực có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt hệ thống theo dõi, cảnh báo tự động lũ quét, sạt lở đất. Tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng nhà an toàn cho người dân trong khu vực; huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai.

Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, với các loại hình thiên tai như: mưa, lũ, bão, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn… cần có các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác hại. Giải pháp về trồng trọt, đối với mưa, lũ, bão và áp thấp nhiệt đới cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trồng rừng, khơi thông dòng chảy các sông suối; gia cố hệ thống đê điều; bố trí, di dời các hộ dân vùng ngập lụt tới nơi an toàn.

Nhà quản lý, chuyên gia cùng nông dân bàn giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai - Ảnh 3.

Nông dân Đỗ Thị Lý (ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi về các giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai cộng đồng đối với lĩnh vực chăn nuôi.

Trong điều kiện hạn hán, nắng nóng, người dân cần đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của hạ tầng kỹ thuật, củng cố, nâng cấp hệ thống, kịp thời sửa chữa hệ thống thuỷ lợi, hồ chứa nước trong thời điểm nắng nóng, hạn hán. Từ năm 2017 đến năm 2020, tại vùng Bắc Trung Bộ đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích khoảng 34.448 ha.

Tại tỉnh Quảng Bình, những năm gần đây, bão và áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh có xu hướng càng ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ, càng ngày mức độ càng khốc liệt và khó lường hơn. Riêng năm 2024, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa mưa bão năm nay có khoảng trong đó 1-2 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Quảng Bình. Theo quy luật những năm gần đây, thì năm 2024 sẽ là năm có chu kỳ lặp lại của những đợt thiên tai bão, lũ lớn tương tự như lũ năm Thìn 1964.

Nhà quản lý, chuyên gia cùng nông dân bàn giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai - Ảnh 4.

Nông dân Dương Bình Nguyên (ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi về chế độ hỗ trợ đối với người nuôi, trồng trên địa bàn Quảng Bình nơi thường xuyên đối mặt với thiên tai.

Nhằm chủ động ứng phó hiệu quả hướng đến giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo sinh kế bền vững cho người dân, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình Hà Xuân Đàn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp của tỉnh, bao gồm: Hỗ trợ tỉnh kinh phí sửa chữa xây dựng nâng cấp các công trình hồ đập chứa nước phục vụ phòng chống thiên tai và đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều bảo vệ sản xuất; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu thoát nước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng; triển khai phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Nhà quản lý, chuyên gia cùng nông dân bàn giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai - Ảnh 5.

Mô hình trồng măng tre Lục trúc tại trang trại Đức Thành ở thôn Trảng Bàng, xã Hoà Thạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Trong sáng cùng ngày, đoàn đã đi tham quan mô hình trồng măng tre Lục trúc tại trang trại Đức Thành ở thôn Trảng Bàng, xã Hoà Thạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Đây là mô hình tiêu biểu cho việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Bình.

Nhà quản lý, chuyên gia cùng nông dân bàn giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai - Ảnh 6.

Cây tre Lục trúc phù hợp với khí hậu khắc nghiệt, vùng gò đồi.

Cây tre Lục trúc rất hợp với khí hậu khắc nghiệt cũng như thổ nhưỡng ở vùng gò đồi. Cây tre thấp, thân dẻo, chống chịu được gió bão. Lá tre khép tán cũng hạn chế được việc đất đồi bị rửa trôi, xói lở. Mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20 - 30 cây, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15 - 30kg măng tươi, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Biến đổi khí hậu được coi là một thách thức lớn đối với cuộc sống của con người và môi trường, không chỉ tác động riêng tới một quốc gia, một khu vực, mà tác động đến toàn cầu. Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực Bắc trung Bộ do vị trí địa lý, đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu phải gánh chịu các loại hình thiên tai với tần suất và mức độ lớn nhất trong cả nước. Nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại.

Trong 3 năm qua từ năm 2021-2023, theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng, làm trên 450 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế trên 34 ngàn tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 80.632 ha diện tích lúa, hoa màu, cây trồng thiệt hại; 59.218 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2.279 ha diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem