Trồng tre tứ quý bán măng mập mạp, anh nông dân An Giang ngày nào thu tiền cũng như trúng số
Trồng thứ cây thẳng tuồn tuột, mọc mầm mập non tơ, anh nông dân An Giang hễ cắt bán là hết sạch
Đức Toàn
Thứ ba, ngày 28/03/2023 13:18 PM (GMT+7)
Đến nay, vườn tre tứ quý của anh Ngọc (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trồng được hơn 2 năm. Mỗi ngày, anh hái 20-30kg măng; những lúc rộ hái 200kg/ngày. Giá măng bán cho thương lái từ 10.000-15.000 đồng/kg; lúc trái mùa có thể bán với giá 30.000 đồng/kg...
Với nhiều ưu điểm nổi bật, như: Dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có thể thu hoạch quanh năm… nên mô hình trồng tre tứ quý lấy măng của anh Trần Văn Ngọc (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phát huy hiệu quả kinh tế, giúp gia đình nâng cao thu nhập.
Ngoài măng tươi, anh Ngọc còn phát triển thêm sản phẩm măng chua để cung cấp cho người tiêu dùng và được thị trường đón nhận.
Tre tứ quý, cây trồng tiềm năng
Dẫn chúng tôi tham quan vườn tre rợp bóng mát, anh Trần Văn Ngọc trải lòng về cơ duyên với cây tre tứ quý. Trước đây, gia đình anh Ngọc chủ yếu canh tác lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao, do những năm gần đây, giá lúa biến động thất thường; tình hình sâu hại, dịch bệnh xảy ra thường xuyên; giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng cao… khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, anh Ngọc tìm 1 loại cây trồng mới để cải thiện thu nhập gia đình.
Được người thân giới thiệu, anh Ngọc mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất khoảng 7.000m2 để trồng tre tứ quý.
Đến nay, vườn tre tứ quý của anh Ngọc trồng được hơn 2 năm. Dù lần đầu canh tác nhưng tre sinh trưởng nhanh và phát triển mạnh, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.
Măng tre tứ quý được ưa chuộng bởi chất lượng ngon, ngọt. Anh Ngọc bên một bụi tre tứ quý đang mọc những mầm măng mập mạp, non tơ, trang trại trồng tre lấy măng của anh ở (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Anh Ngọc cho biết, tre tứ quý dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần tưới nước, bón phân đầy đủ là có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Tre tứ quý hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Trong quá trình canh tác, anh Ngọc thường xuyên phát dọn cành dư để tạo môi trường thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre, giữ lại gốc rễ để kích thích ra măng non... Mỗi bụi tre, anh Ngọc chừa lại 3-4 cây để nuôi măng.
Nếu trồng đúng kỹ thuật, tre tứ quý sau hơn 7 tháng sẽ cho thu hoạch măng, sản lượng tăng dần theo các năm. Một trong những ưu điểm nổi bật của giống tre này là cho thu hoạch măng quanh năm nên nông dân có thu nhập ổn định.
“Măng cao khoảng 3 tấc là có thể thu hoạch. Mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch 20-30kg măng; những lúc rộ có thể thu hoạch 200kg/ngày. Giá măng bán cho thương lái từ 10.000-15.000 đồng/kg; lúc trái mùa có thể bán với giá 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, tôi thu nhập trên 500.000 đồng/ngày. Hiện nay, thị trường tiêu thụ măng khá ổn định, thu hoạch xong bán rất nhanh” - anh Ngọc chia sẻ.
Thêm sản phẩm từ măng
Nói về hiệu quả từ mô hình trồng tre lấy măng, anh Ngọc cho biết, tre tứ quý cho hiệu quả kinh tế hơn nhiều loại cây trồng khác tại địa phương. Loại cây trồng này có nhiều ưu điểm, như: Không mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương nên rất dễ nhân rộng.
Mặt khác, măng tre tứ quý có thị trường ổn định, ít rủi ro nên nông dân không sợ thất thu… Nhờ trồng giống tre này, kinh tế gia đình anh Ngọc được cải thiện đáng kể.
Hiện nay, ngoài cung cấp măng tươi, gia đình anh Ngọc còn sản xuất măng chua để cung ứng cho người tiêu dùng. Anh Ngọc cho biết, để có sản phẩm măng chua phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian.
Măng sau khi thu hoạch sẽ tách hết vỏ, rửa sạch bằng nước muối, cắt mỏng rồi tiến hành ngâm nước vo gạo trong 1 đêm. Sau đó, măng được làm ráo nước, tiến hành ngâm trong dung dịch nước muối kèm theo một ít nguyên liệu khác, đóng gói và cung ứng ra thị trường.
Anh Ngọc cho biết, bình quân 3kg măng tươi sẽ cho ra 1kg măng chua. Nhờ sản xuất theo phương pháp truyền thống nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích. Mỗi tháng, gia đình anh Ngọc làm ra 20kg măng chua. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở các chợ địa phương và một vài đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh với giá 100.000 đồng/kg.
“Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn đã hỗ trợ kinh phí để gia đình phát triển sản phẩm măng chua, gia đình tôi rất phấn khởi. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho sản phẩm này” - anh Ngọc chia sẻ.
Trồng tre lấy măng là cách kiếm tiền theo kiểu “làm chơi, ăn thật” vì công sức bỏ ra không nhiều nhưng có nguồn thu khá.
Đây còn là loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và là hướng đi mới, có nhiều triển vọng đối với người dân trong xã. Thời gian tới, gia đình anh Trần Văn Ngọc tiếp tục duy trì và phát triển mô hình trồng tre tứ quý lấy măng.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm từ măng để cung ứng cho thị trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm để đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.