Từ một cô thôn nữ hái dâu trở thành vợ vua, thay chồng con "trị quốc an dân", chuẩn tấu Bắc phạt, bà là ai?

Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh Thứ ba, ngày 28/03/2023 05:07 AM (GMT+7)
Nguyên Phi Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông. Bà hai lần buông rèm nhiếp chính thay vua (chồng và con) trị quốc an dân, đắp đê phòng lụt, chuẩn y chiến sự Bắc phạt chống giặc ngoại xâm, chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài, giúp dân chăm lo sản xuất, trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa...
Bình luận 0

Bắc Ninh - Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt - nơi giang sơn tụ khí đã sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt xuất chúng của nước Việt. 

Cùng với những bậc anh hào, đất Kinh Bắc cũng là quê hương của nhiều bậc nữ nhi mà những đóng góp của họ đã được sử sách và người đời ghi nhận, góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Một trong những bậc nữ nhi ấy phải kể đến cô thôn nữ hái dâu miền Kinh Bắc - Nguyên Phi Ỷ Lan.

Nguyên Phi Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông. Bà hai lần buông rèm nhiếp chính thay vua (chồng và con) trị quốc an dân; đắp đê phòng lụt, chuẩn tấu kế hoạch Bắc phạt chống giặc ngoại xâm của Thái úy Lý Thường Kiệt; chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài; giúp dân chăm lo sản xuất, trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa; lệnh cấm giết trâu bò; mở kho cứu đói, đổi mệnh cho cung nữ... 

Công lao đóng góp to lớn của người phụ nữ Kinh Bắc với quốc gia Đại Việt đã được lịch sử ghi danh và đưa vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Theo sử liệu ghi chép, triều Lý có một người phụ nữ nổi tiếng tài năng xuất chúng, tư chất thông tuệ hiếm có, đó là Nguyên Phi Ỷ Lan. Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi, xưa thuộc Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội).

Từ một cô thôn nữ hái dâu trở thành Bà Tấm thay chồng, con "trị quốc an dân", chuẩn tấu Bắc phạt, bà là ai? - Ảnh 2.

Khu di tích đền thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: Tư liệu.

Kể rằng, vua Lý Thánh Tông tuổi đã gần tứ tuần mà chưa có con trai nối ngôi. Mùa xuân năm ấy, nhà vua xa giá đến cầu tự ở chùa Dâu, dọc đường trai gái già trẻ các làng đều nô nức ra rước vua, duy chỉ có người con gái hái dâu chẳng hề bận tâm đến cảnh vui mừng đó. 

Nàng vừa làm vừa ca hát dưới gốc cây lan. Vua đi qua nghe tiếng hát ngọt ngào, trong trẻo, lại thấy cô thôn nữ dung mạo đoan trang, đối đáp lưu loát, vua xao xuyến cảm mến đưa về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. 

Vài năm sau Ỷ Lan sinh hoàng tử Lý Càn Đức, được vua phong làm Thần Phi, sau lại phong là Nguyên Phi, đứng đầu các phi tần, chỉ sau Thượng Dương Hoàng hậu.

Khác với các cung phi, Ỷ Lan không để tâm đến việc trau chuốt nhan sắc, không mang đàn ca lấy lòng vua mà chuyên tâm học hỏi, đọc sách, nghiền ngẫm thi thư, lễ nghĩa để giúp vua việc nước. 

Chỉ trong thời gian ngắn, triều thần đều kinh ngạc, khâm phục trước sự hiểu biết uyên thâm nhiều mặt của bà. Với trí thông minh, suy nghĩ sắc sảo, thấu tình đạt lý, Ỷ Lan trở thành phụ tá đắc lực và được vua sùng ái, tin yêu hết mực.

Bởi thế, năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc đã trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Ở lần nhiếp chính này, Đại Việt bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn, nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán, táo bạo của Nguyên Phi mà loạn lạc được dẹp yên, dân đói được cứu sống, đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn, giữ cảnh thái bình thịnh trị.

Lần nhiếp chính thứ hai của Ỷ Lan là khi Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời (1072), thái tử Lý Càn Đức  chỉ mới 7 tuổi lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. 

Giai đoạn này, quân Tống phát đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quốc gia lâm nguy, Thái hậu Ỷ Lan vừa dạy dỗ con thơ vừa cùng các triều thần nhà Lý lo việc nước. 

Bà cùng Thái sư Lý Đạo Thành huy động sức người sức của, vận chuyển binh lương ra tiền tuyến cho Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc, lập nên chiến công hiển hách. Nhờ vậy, giang sơn xã tắc Đại Việt được giữ vững và tiếp tục mở mang phát triển, tạo nên một thời kỳ cường thịnh rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà mà có người còn gọi đó là thời kỳ Ỷ Lan.

Ỷ Lan cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam quan tâm đến thân phận phụ nữ. Bà không chỉ mong muốn giải phóng, mang lại hạnh phúc cho phụ nữ mà còn muốn mang lại sự bình ổn về giới, cân bằng âm dương, bởi đó là nền tảng cơ bản để xây dựng một hình thái xã hội lý tưởng nhất.

Giới nghiên cứu lịch sử đương đại đánh giá, có lẽ do cốt cách của bà từ thuở hàn vi vốn xuất thân là một thôn nữ nên bà hiểu biết về xã hội, đồng cảm được với những phận người cùng khổ! 

Cũng có người lý giải, sở dĩ Ỷ Lan có được một tâm hồn như thế bởi bà là người sùng đạo Phật nên thấm nhuần tư tưởng từ bi của Phật giáo... Chính bởi vậy, tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất hàng trăm ngôi chùa, đền ở nhiều vùng quê châu thổ sông Hồng, trong đó ngôi chùa Phật Tích ở Tiên Du có đóng góp công lao rất lớn của bà.

Năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan từ trần, thọ 73 tuổi. Mùa thu tháng 8 cùng năm ấy, bà được an táng ở Thọ Lăng Thiên Đức thuộc phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). 

Cuộc đời Nguyên Phi Ỷ Lan để lại cho hậu thế nhiều bài học quý về tinh thần tự học, về tài trị nước, đức độ nhân từ, lại có công sinh thành, dưỡng dục một vị minh quân “trí tuệ hiếu nhân” là vua Lý Nhân Tông cho đất nước... 

Công lao ấy của Ỷ Lan Nguyên Phi muôn đời vẫn còn nhắc mãi. Tri ân công đức của bà với non sông Tổ quốc, nhân dân đã xây chùa, đền thờ bà ở nhiều nơi và tôn vinh là Phật Bà Quan Âm. Người dân Kinh Bắc gọi bà - người con gái của quê hương là Bà Tấm xứ Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem