“Trong văn có sử”- cuộc tranh luận về chuyện văn - sử bất phân

Bùi Hồng Liên Thứ ba, ngày 21/04/2015 17:47 PM (GMT+7)
Trong khuôn khổ những ngày Hội sách, ngày 20.4 vừa qua, tại thư viện Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Trong văn có sử - sự giao thoa của cái nhìn về quá khứ”.
Bình luận 0

Tọa đàm của các diễn giả xoay quanh vấn đề về chủ đề hai mảng sách nghiên cứu lịch sử và văn học khai thác đề tài lịch sử gần đây được tái bản nhiều và được độc giả quan tâm.

img

Tọa đàm diễn ra trong không khí hào hứng và sôi nổi

Tham dự buổi tọa đàm gồm các diễn giả là các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu nổi tiếng như nhà văn Trần Chiến (tác giả Cậu ấm; Gót Thị Màu, đầu Châu Long), nhà văn  Nguyễn Ngọc Tiến (tác giả Me Tư Hồng), nhà nghiên cứu Hán Nôm và lịch sử Trần Trọng Dương và MC là nhà phê bình Mai Anh Tuấn (Khoa Viết văn – Báo chí ĐH Văn Hóa).

img
Hai cuốn tiểu thuyết Me Tư Hồng và Cậu Ấm được đông đảo bạn đọc quan tâm.

Buổi tọa đàm đã đưa ra đánh giá chung nhất về các bộ biên khảo sử và tác phẩm văn học trung đại “nệ" sử, sự cần thiết của việc in lại các tác phẩm hay nổi tiếng như Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn, Lĩnh Nam chích quái – Trần Thế Pháp, Nam Hải dị nhân – Phan Kế Bính…, các sách khảo cứu về truyền thuyết và thần thoại của Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh. Thông qua đây, khán giả có thể nhìn nhận lại về cách độc sử xưa của người hôm nay dưới nhiều hình thức.

img
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến giao lưu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, tọa đàm còn là nơi giao lưu, chia sẻ và là cuộc trò chuyện với hai nhà văn Trần Chiến và Nguyễn Ngọc Tiến về quá trình chọn lựa đề tài, chủ đề, các thao tác tìm sử liệu như thế nào để tạo nên câu chuyện văn chương và cách nhìn lịch sử hôm nay hướng đến những gợi mở .

Bàn về vấn đề “trong văn có sử” ở hai tác phẩm Cậu ấm Me Tư Hồng, PGS.TS Lưu Khánh Thơ, Trưởng Ban biên tập và Trị sự, Tạp chí Nghiên cứu Văn học – Viện Văn học Việt Nam cho rằng: Trong tác phẩm Cậu ấm, nhà văn Trần Chiến mặc dù sử dụng những nhân vật hư cấu nhưng đã tái hiện lại được một cách rõ nét không khí lịch sử thời bấy giờ. Lịch sử dường như đóng vai trò làm cảm hứng cho tác giả.

img

PGS.TS Lưu Khánh Thơ, Trưởng Ban biên tập và Trị sự, Tạp chí Nghiên cứu Văn học – Viện Văn học Việt Nam.

Trái ngược lại với Cậu ấm, tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - Me Tư Hồng lại sử dụng hoàn toàn nhân vật của lịch sử. Nhân vật Tư Hồng được xem là một trong những nhân vật huyền thoại của xứ An Nam của giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đồng thời, Me Tư Hồng cũng là cách gọi khá bất ngờ của Nguyễn Ngọc Tiến khi viết về nhân vật này, bởi thường thì người ta biết đến nhân vật này với cái tên Tư Hồng. Đây đúng nghĩa là nhân vật của tiểu thuyết, tiểu thuyết hóa đi một nhân vật lịch sử.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ trò chuyện, nhà phê bình Mai Anh Tuấn chia sẻ: “Đây chính là những câu chuyện “trong văn có sử”, lịch sử chính là nguồn cảm hứng dồi dào cho các tác giả.

Đó là những cảm hứng khi suy nghĩ về quá khứ, dùng quá khứ như một cái nhìn về hiện tại và là một mạch chính của văn học đương đại. Quá khứ không bao giờ ngủ yên và cũng không bao giờ mất đi, chúng ta đều mang theo quá khứ bên mình. Chính quá khứ giúp chúng ta nhìn nhận thức được về hiện tại và sống sao cho thích đáng hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem