TRỰC TUYẾN Giao thừa 2013: Đất nước vào Xuân

Thứ bảy, ngày 09/02/2013 20:07 PM (GMT+7)
Dân Việt - Chia tay năm cũ Nhâm Thìn 2012 và chào đón năm mới Quý Tỵ 2013, thời khắc thiêng liêng nhất của một năm đã đến. Mời bạn đọc Dân Việt vui đón giao thừa cùng mọi nơi trên đất nước.
Bình luận 0
img
 

Tại Lạng Sơn

Trên mọi nẻo đường tại thành phố Lạng Sơn rực sáng ánh đèn đón chào giây phút giao thừa.

Thời tiết tại đây lạnh buốt khoảng 10-12 độ kèm theo mưa phùn khiến lượng người ra đường chưa thực sự đông.

Đa phần là các thanh thiếu niên háo hức màn pháo hoa được bắn tại 2 điểm ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn. Trên khắp các con đường, ngõ hẻm nhiều gia đình chuẩn bị cho việc cúng giao thừa.

Các đoàn múa lân, sư tử mang đậm văn hoá vùng miền biên ải của dân tộc Tày, Nùng đến từ các vùng huyện lân cận tụ tập thành đám đông đang đánh trống, chiêng rộn ràng nhiều khu phố.

Tại Cao Bằng

img
Ảnh: Đỗ Khuê Anh

Vào những năm trước, sau bữa cơm tất niên, ở nhiều nơi tiếng pháo bắt đầu nổ râm ran. Nhiều người dân nơi đây vẫn coi đó là chuyện bình thường nơi miền biên viễn giáp danh với Trung Quốc.

Tuy nhiên năm nay, tính đến thời điểm này tại khu vực TP Cao Bằng, cũng như các địa bàn lân cận không hề thấy một tiếng pháo nổ nào.

Mặc dù nhiệt độ khá lạnh, khoảng 11 – 12 độ C nhưng dòng người ra đường đi đón giao thừa vẫn tăng lên.

Nếu như mọi năm tỉnh Cao Bằng tổ chức bắn pháo hoa ở khu vực cầu Bằng Giang, thì năm nay lễ bắn pháo hoa được tổ chức ở địa điểm mới đó là khu vực thuộc phường Đề Thám, TP Cao Bằng – trung tâm hành chính mới của tỉnh đang được xây dựng. Cũng chính vì thế dòng người tập trung về đây khá đông.

Tại Hà Nội

Đường phố bắt đầu đông hơn khi mọi người đổ đến các điểm vui chơi, chờ xem bắn pháo hoa. Dẫu vậy, chợ Hàng Mã vẫn nhộn nhịp người qua lại, mua sắm những đồ trang trí cho ngày Tết.

img
Ảnh: Đỗ Như Anh

Ở một số cung đường như Lý Nam Đế, Yên Phụ, Âu Cơ, Lạc Long Quân còn những người bán đào, quất cố nán lại với hy vọng tìm được những khách hàng cuối cùng.

Nhiệt độ của thủ đô vào lúc này khoảng 15 độ C. Cái lạnh khiến cho không khí Tết càng trở nên đậm đà hơn, nhất là trong bữa cơm tất niên đoàn viên, sum họp của gia đình.

img
 

Tại Quảng Ninh

Trước thời khắc giao thừa, người người đổ dồn về quảng trường cột 3, TP Hạ Long để thưởng thức chương trình ca nhạc "Mừng Đảng, mừng Xuân" đặc biệt được tổ chức hoàng tráng, truyền hình trực tiếp đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tại Cung thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh cũng không kém phần sôi động, thu hút đông đảo các bạn trẻ và các cháu thiếu nhi đến xem iết mục do các đoàn viên trong tỉnh tự dàn dựng biểu diễn. Các du khách nước ngoài tại khách sạn khu du lịch Bãi Cháy reo vui với các màn múa sạp, thưởng thức hương vị bánh chưng truyền thống của Việt Nam.

img
 

Để bà con vui tết, đón xuân năm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho 11 địa phương được tổ chức các chương trình văn nghệ đặc sắc trước giao thừa và bắn pháo hoa.

Tuy nhiên TP.Cẩm Phả xin không tổ chức bắn pháo hoa để dành số tiền 500 triệu đồng xây dựng trụ sở Hội người mù của thành phố, còn huyện Đông Triều xin dừng để hỗ trợ cho người nghèo ở 21 xã, thị trấn trên địa bàn.

Tại Sơn La 

Đón xuân mới Quý Tỵ năm 2013, lần đầu tiên tại tỉnh Sơn La xuất hiện những dãy phố treo đèn lồng rất đẹp mắt. Đặc biệt dọc trục đường Cách mạng tháng Tám thuộc địa bàn phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La đã hình thành khu phố đèn lồng rực rỡ với cả ngàn ngọn đèn hồng đan xen với hoa đào, hoa mai, nhành lộc.

"Đây là một trong những nét mới mà chúng tôi học được từ nhiều thành phố khác và phong tục đón tết của cha ông ta trước kia. Đèn lồng không đắt, treo vừa đẹp, vừa sáng nhà cửa", bà Hà Thị Ninh, cho biết.

Sau phút giao thừa, rất nhiều người đã thực hiện xuất hành đầu năm để lấy lộc cây, lấy nước nguồn và đi xông đất, chơi xuân. Anh Lò Văn Thành, dân bản Giảng, phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, cho biết: Năm nào tôi cũng đi chúc tết và xông đất sau giao thừa. Đó là một phong tục được duy trì qua nhiều năm của bà con các dân tộc Tây Bắc.

Khi đến xông đất, sau lời chúc tết, chúng tôi cùng gia chủ "au hảnh xoong chén lẩu" (tiếng Thái nghĩa là cạn 2 chén rượu theo tư duy phải đi bằng 2 chân cho vững chãi) cùng các thức nhắm là những món ăn của người Thái: thịt hun khói, cá nướng, canh rêu suối và không thể thiếu món chẩm chéo trong mâm. Người Thái trước đây không có phong tục trao bao lì xì nhưng bây giờ đã có nhiều gia đình cũng làm theo cho thêm vui, thêm tình cảm…

Xách can nước lộc lấy từ suối bản Pó Cá về, anh Hoàng Văn Lâm, dân bản Cá, phường Chiềng An, TP.Sơn La, vui vẻ: Chúc mừng năm mới nhé! Chúc các anh năm mới mạnh khoẻ và hạnh phúc! Tôi đi lấy nước lộc từ suối về đây. Nước này là nước đầu nguồn, đổ vào bể nhà mình cho thêm mát mẻ, khoẻ mạnh và làm ăn được thuận lợi, phát tài. Lấy nước xong tôi cũng đi xông đất. Năm nay có 2 "đơn đặt hàng". Ai cũng mong xuân mới đến với những gì may mắn nhất ! Chúc các nhà báo Nông Thôn Ngày Nay năm mới có nhiều bài viết hay, vì nông dân chúng tôi nhé…""

Tại Ninh Bình

Ở vùng quê Gia Viễn, đêm giao thừa, đèn điện thắp sáng trưng. Mọi nhà quây quần chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tất niên.

Ngoài đường, thỉnh thoảng vẫn có tiếng pháo nổ của một số thanh niên hiếu động mặc dù từ trước Tết, cán bộ xã đã phổ biến đến từng nhà dân về việc cấm đốt pháo, hạn chế rượu bia vào dịp Tết.

Tại Thanh Hóa

Thời tiết TP. Thanh Hóa đêm giao thừa se se lạnh, tuy nhiên hàng ngàn người dân vẫn đổ về quảng trường Lam Sơn để đón giao thừa và xem bắn pháo hoa.

Theo một cán bộ phòng CSGT – Công an tỉnh Thanh Hóa, tình hình giao thông tại TP. Thanh Hóa trong đêm giao thừa năm nay khá ổn định và trật tự dù có đông người dân để đến các địa điểm nổi tiếng để đón giao thừa.

Năm nay, ngoài quảng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức bắn pháo hoa tại thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn, huyện Ngọc Lặc, huyện Nghi Sơn.

Tại Phú Thọ

Đông đảo người dân đã tập trung về thành phố Việt Trì – trung tâm của tỉnh Phú Thọ khi thời khắc giao thừa đang cận kề.

Năm nay, Phú Thọ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại 4 điểm gồm thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ.

img
Biểu diễn hát xoan trước cổng Đền Hùng. Ảnh Báo Phú Thọ

Cách đây ít phút, tại khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng đã diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, tri ân tiền nhân có công dựng nước.

Trong khi đó, trước cổng Đền Hùng, người dân ở vùng lân cận đã cùng tham gia các hoạt động văn nghệ, hát Xoan – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Lễ dâng hương và các hoạt động diễn ra tại khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam.

Tại Lạng Sơn

Mặc dù tối nay, thời tiết lạnh (dưới 10 độ C) nhưng người dân vẫn đổ ra các trục đường chính ở thành phố Lạng Sơn để chờ đón thời khắc giao thừa tận hưởng không khí Tết đang đến.

Đặc biệt, Quảng trường Hùng Vương là điểm đến của rất nhiều người bởi ở đây có chương trình nghệ thuật tổng hợp “Chào xuân mới”.

Tại Thừa Thiên-Huế

Chương trình nghệ thuật hợp kết hợp với bắn pháo hoa đêm Giao thừa bắt đầu từ 22h ngày 9.2 đến 0h5phút ngày 10.2 tại Quảng trường Ngọ Môn-Huế. Thế nhưng, từ 20h đã có rất nhiều người dân và du khách tới nơi đây háo hức chờ đợi.

Chợ hoa Xuân tại công viên Thương Bạc bên bờ sông Hương, cũng có khá đông người ghé thăm.

Trong thời khắc hầu hết gia đình Việt Nam đang đoàn viên, sum họp để chờ đón giao thừa, chúng ta không quên và không thể quên những người con của tổ quốc vẫn đang vững tay súng bảo vệ biên cương, vùng biển, vùng trời của đất nước.

Cảm ơn các anh những người đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời tổ quốc cho nhân dân yên vui đón xuân về.

Tại TP.Đà Nẵng

Những địa điểm như Hội Hoa Xuân tại công viên 29/3, chợ Hoa tại Quảng trường 2/9... đã có khá đông người. Đặc biệt, Đường hoa Xuân Bạch Đằng đang trở thành điểm đến thu hút người dân và du khách lúc này.

Tại Quảng Nam

Bắt đầu từ chiều, nhiều người dân các xã miền trung du Quế Sơn (Quảng Nam) đã tập trung tại sân vận động 26.3 để đón xem chương trình văn nghệ mừng xuân Quý Tỵ. Thời tiết khô ráo, khí trời mát dịu, phù hợp cho việc dạo chơi đón giao thừa cuối năm của người dân nơi đây.

Cùng thời điểm, gần sân vận động này cũng đang diễn ra hội chợ hoa xuân Quý Tỵ, nhiều bạn trẻ kết hợp xem hoa và nghe các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do Trung tâm văn hóa – thể thao huyện Quế Sơn tổ chức.

Trong khi đó, nhiều bạn thanh thiếu niên tại các khu dân cư các xã Quế An, Quế Minh, Quế Long… đã tập trung chuẩn bị đèn, đuốc tre để cùng đón giao thừa.

Dọc các kênh thủy lợi, nhiều nhóm bạn trẻ cũng dùng lốp cao su để đốt sáng thay pháo bông dịp Tết. Đời sống kinh tế còn khó khăn, cái Tết của trẻ em, thanh thiếu niên các xã của huyện trung du Quế Sơn cũng quanh quẩn bên những vật dụng đơn giản, thô sơ. Dù vậy, những câu chuyện kể đêm giao thừa vẫn cuốn hút, ấm tình thân.

Tại Nha Trang, Khánh Hòa

Đêm giao thừa năm nay, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn tổ chức bắn pháo hoa tại quảng trường 2.4 TP.Nha Trang và tại trung tâm huyện Vạn Ninh.

img
 
img
 
img
 Đèn, hoa rực rỡ khắp các ngả đường

Thành phố Nha Trang lần đầu tiên cũng tổ chức đường hoa xuân tại đường Lê Thánh Tôn thu hút tham quan, ngắm hoa của hàng ngàn lượt người dân và du khách.

Các doanh nghiệp, khách sạn kinh doanh dịch vụ du lịch cũng tổ chức nhiều hoạt động tạo không khí xuân vui tươi cho người dân địa phương và du khách như: Múa lân tại Nha Trang Center, tiệc ngắm pháo hoa và đón giao thừa tại khách sạn Novotel…

Tại Bình Định

Người dân thị xã An Nhơn đang háo hức chờ đón chương trình văn nghệ đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng thị xã An Nhơn tại công viên Lê Hồng Phong.

img
Giao thừa này Bình Định bắn pháo hoa

Mới 18h, hàng ngàn người dân của thị xã An Nhơn và các huyện lân cận đã đổ xô về công viên này để xem biểu diễn văn nghệ, múa lân, múa rồng...

Tại Phú Yên

Chiều tối 29 Tết, Hội chợ hoa xuân trung tâm tỉnh vẫn còn khá nhiều hàng hoa chưa thu dọn về nghỉ; phần đông họ là những nhà vườn trực tiếp bán sản phẩm. Đêm giao thừa ở hội hoa này, thường là cuộc “thi gan” giữa người mua và người bán (giá hoa có thể “cho không” hoặc “đội ngất trời”).

Tại Quảng Ngãi

Trong đêm Giao thừa Tết Quý Tỵ 2013, Quảng Ngãi tổ chức bắn pháo hoa tại 3 điểm: TP. Quảng Ngãi, huyện miền núi Trà Bồng và huyện đảo Lý Sơn. 

Người dân Lý Sơn lần đầu tiên sẽ được thưởng thức những màn pháo hoa tầm thấp đón chào năm mới tại huyện đảo này. UBND TP. Đà Nẵng đã đồng ý chủ trương giao cho BCH Quân sự thành phố tổ chức trình diễn pháo hoa vào đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 2013 tại huyện đảo Lý Sơn.

Đội pháo hoa của BCH Quân sự TP. Đà Nẵng cũng chính là đội pháo hoa đại diện Việt Nam nói chung, TP. Đà Nẵng nói riêng tham dự các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng trong những năm vừa qua. Đồng thời, đây cũng là đội pháo được vinh dự khai mạc “Lễ hội Ánh sáng Vancouver” tại Canada trong năm 2012.

Theo kế hoạch, có khoảng 1.000 quả pháo hoa tầm thấp (giàn pháo hoa đơn và kép) được bắn trong khoảng thời gian từ 0h đến 0h15’ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Nguyên đán).

Tại huyện Trà Bồng, chương trình nghệ thuật đêm giao thừa tại địa phương là Chào xuân Qúy Tỵ - 2013. Đây là chương trình văn nghệ chào đón năm mới được tổ chức lớn nhất từ trước đến nay tại Trà Bồng, với sự tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng đến từ các đơn vị, địa phương trong huyện. Chương trình là sự gắn kết các nội dung nghệ thuật của các dân tộc Kinh - Kor và các dân tộc khác đang sinh sống trên địa bàn huyện, không khí xuân sẽ thật độc đáo và đặc sắc. 

Năm mới Quý Tỵ 2013 đã đến, báo điện tử Dân Việt kính chúc bạn đọc một năm mới mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng và mọi điều bình yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem