Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người!

Minh Châu Thứ bảy, ngày 10/10/2020 08:31 AM (GMT+7)
“Chúng tôi sống ngày qua ngày, không dám nghĩ mình sẽ sống sót", William Doyle (cựu trung sĩ Mãnh Hổ hiện sống ở Missouri) nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Toldedo Blade. “Bởi vậy, người ta làm bất kỳ việc gì họ muốn, miễn là để tồn tại. Cách sống là giết người, vì ta không phải bận tâm về bất kỳ ai đã chết”.
Bình luận 0

Mãnh Hổ thường chia thành những nhóm nhỏ để tìm kiếm đối phương, vào trong những khu vực rừng rậm với khẩu phần ăn đủ trong 30 ngày. Không phải ai cũng có thể tham gia trung đội này. Binh lính phải tình nguyện, có kinh nghiệm chiến đấu, và phải trả lời một loạt câu hỏi, như liệu họ có sẵn sàng giết người hay không.

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người! - Ảnh 1.

Cựu binh Mãnh Hổ Ken Kerney, người không tham gia vào các vụ thảm sát: "Khi anh đã bước qua ranh giới thiện ác, anh sẽ tiếp tục làm việc đó, càng ngày càng mạnh tay hơn. Và đó là những gì đã xảy ra".

Đa số những người tòng quân đến từ những thành phố nhỏ như Rayland (Ohio), Globe (Arizona) và Loretto (Tennessee). Trước khi Mãnh Hổ đến tỉnh Quảng Ngãi ngày 3/5/1967, họ từng tham gia những trận chiến quyết liệt ở Mỹ Cảnh và Đăk Tô.

Nhưng đây là một nơi hoàn toàn khác. Chưa đầy một tuần sau khi dựng trại trong tỉnh, các thành viên Mãnh Hổ đã bắt đầu vi phạm luật chiến tranh.

Bắt đầu là các tù nhân. Trong một lần đi tuần vào buổi sáng 8/5, các binh lính phát hiện được 2 người họ tình nghi là Việt Cộng, dọc sông Trà Câu. Một người nhảy xuống nước và thoát qua một cống ngầm dưới nước. Người còn lại bị bắt. Cao to hơn đa số những người Việt Nam, anh có lẽ là người Trung Quốc. Trong 2 ngày tiếp theo, anh bị đánh đập và tra tấn nhiều lần. Có lúc, những người bắt giữ anh tranh cãi có nên cho nổ tung anh bằng thuốc nổ hay không. Một cựu binh, William Carpenter, kể rằng ông cố giữ cho người tù sống sót: “Nhưng tôi biết giờ của anh ấy sắp tới”. Sau khi họ lệnh cho anh chạy và nói rằng anh đã được tự do, người tù bị một số binh lính bắn chết.

Cách trung đội đối xử với tù nhân - đánh đập và xử tử - trong các tháng tiếp theo đã trở thành một thủ tục. Hồi tháng 6, binh nhì Sam Ybarra cắt cổ một tù nhân bằng con dao săn trước khi lột da đầu người này – và để nó ở đuôi súng trường. Một tù nhân khác nhận lệnh phải đào hầm, sau đó bị đánh bằng xẻng trước khi bị bắn chết. Trung sĩ Forrest Miller, nói với các nhà điều tra rằng việc giết các tù nhân là một “luật bất thành văn”. Nhưng các thành viên trung đội không chỉ xử tử các tù nhân. Họ bắt đầu nhằm cả vào các dân thường không mang vũ khí.

Vào tháng 6, một ông già mặc áo đen, có lẽ là một nhà sư, bị bắn chết khi ông than phiền với các binh lính về cách họ đối xử với dân làng. Một quả lựu đạn được đặt trên thi thể ông để nguỵ trang ông thành một người lính phía đối phương.

Cũng trong tháng đó, Ybarra bắn chết một cậu bé 15 tuổi gần Đức Phổ. Hắn giải thích với đồng đội rằng hắn muốn có đôi giày thể thao của cậu. Đôi giày không vừa, nhưng Ybarra vẫn cắt đôi tai của cậu bé và bỏ chúng vào một cái túi đựng khẩu phần ăn. Trong cuộc điều tra của lục quân đối với Mãnh Hổ, 27 binh lính nói rằng việc cắt tai những người Việt Nam đã chết đã trở thành một lệ được chấp nhận. Mục đích là làm dân chúng Việt Nam khiếp sợ. Lính của trung đội luồn những cái tai qua dây giày để đeo quanh cổ. Cựu lính cứu thương Larry Cottingham kể với các nhà điều tra: “Có giai đoạn gần như ai cũng có một cái vòng đeo cổ bằng tai". Chúng còn bắt đầu đá răng của những dân thường đã chết để lấy những cái răng bịt vàng của họ.

Đối với Mãnh Hổ, chiến sự ở Quảng Ngãi là một điều không thể đoán trước. 3 tuần đầu tháng 5, binh lính trung đội thường xuyên bị bắn tỉa khi đi qua những đoạn đường lạ. Những cái bẫy trải trên các ngọn đồi và bãi biển. Ngày 15/5, đơn vị bị một tiểu đoàn quân giải phóng phục kích. Họ bị áp đảo về quân số và mắc kẹt trong thung lũng từ 11h sáng đến 5h45 chiều. Khi chiến sự kết thúc, 2 binh lính Mãnh Hổ bị hạ và 25 người bị thương.

Trung uý James Hawkins - chỉ huy mới - gia nhập đơn vị cùng hơn 20 chục người tới thay thế. Những tân binh đến, vào thời điểm trung đội chuẩn bị tiến vào thung lũng sông Vệ. Kế hoạch của lục quân là buộc dân làng phải chuyển đến các ấp chiến lược gần đó, để ngăn họ trồng lúa nuôi quân giải phóng. Nhưng đây không phải việc dễ dàng.

Lục quân thả truyền đơn, ra lệnh cho 5.000 người dân phải rời nhà của mình. Nhiều dân làng không chịu vào các ấp chiến lược (Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét năm 1967, nguyên nhân vì tại đây thiếu lương thực và nơi ở). Hơn nữa, bao quanh ấp chiến lược là những bức tường chắc và dây thép gai, khiến nó giống như nhà tù. “Họ chỉ muốn ở trên đất của mình. Họ không đứng về phía nào”, Lữ Thuận, 67 tuổi, một nông dân, nhớ lại. Không như các khu vực khác, thung lũng này, bị tách khỏi vùng ven biển đông dân bằng những con đường đất hẹp, không phải là trung tâm của các hoạt động du kích.

Tuy nhiên, thung lũng sông Vệ (rộng khoảng 6 km, dài 10 km) trở thành trung tâm hoạt động của Mãnh Hổ trong 2 tháng tiếp theo. Để dọn sạch khu vực, các binh lính bắt đầu đốt làng, buộc người dân phải di dời. Nhưng mọi việc không như dự tính. Dân làng đôi khi chỉ chạy sang làng khác. Thường thì họ sẽ ẩn nấp. Binh lính Mãnh Hổ càng ngày càng bực mình. Ban ngày, họ quây người đưa vào các ấp chiến lược. Ban đêm - ở các trại trong thung lũng, lẩn tránh những quả lựu đạn mà quân giải phóng ném ra từ trong núi.

Ngày 23/7, trung đội đi tuần thung lũng và dựng trại ở một ngôi làng bỏ hoang. Ở đó, họ uống bia do trực thăng chuyển tới. Đến tối, một số đã ngà say. Đêm xuống, trung đội nhận được một mệnh lệnh bất ngờ: qua sông, và phục kích. Khi người thợ mộc 68 tuổi Đào Huệ lội qua sông Vệ như thường lệ, trung sĩ Leo Heaney túm lấy chòm râu của ông. Đào Huệ lập tức buông rơi cái đòn gánh ngỗng. “Ông già khiếp sợ và vòng tay, và xin tha bằng cái giọng rất thảm thiết”, Heaney kể với các nhà điều tra lục quân. Heaney dẫn ông tới chỗ 2 chỉ huy trung đội - trung uý Hawkins và trung sĩ Harold Trout. Ông cụ vẫn xin tha. Ngay lập tức, Hawkins lắc người ông và chửi rủa. Rồi bất thình lính, trung sĩ Trout nện vào đầu ông bằng nòng khẩu M-16 của mình. Đào Huệ ngã ra đất, đầy máu. Trong khi lính cứu thương Barry Bowman đang chăm sóc cho ông thì Hawkins nhấc người thợ mộc lên và bắn thẳng vào mặt ông bằng khẩu Carbine -15. Khi ông cụ ngã xuống, viên trung uý bắn thêm một phát nữa.

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người! - Ảnh 3.

Bà Tám Hậu thắp hương cho chú của mình là Đào Huệ.

Khi trả lời thẩm vấn của lục quân ngày 16/3/1973, Hawkins bác bỏ lời cáo buộc này. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với Toledo Blade mới đây, hắn thừa nhận đã giết Đào Huệ, giải thích rằng giọng của ông quá to nên có thể thu hút sự chú ý của đối phương. Cháu gái của Đào Huệ, bà Tám Hậu, giờ đã 70 tuổi, là người đầu tiên nhìn thấy xác chú mình. Bà và một người họ hàng khác, Bùi Quang Trường, đã đưa thi thể chú về làng: “Chú bị bắn khắp người. Thật đau xót, tất cả chúng tôi đều đau xót".

4 ngày sau khi bắn Đào Huệ, 4 lính Mãnh Hổ bị thương trong một vụ tấn công bằng lựu đạn của quân giải phóng. Vùng thung lũng biến thành khu vực tự do tấn công - chỉ định đặc biệt này có nghĩa là các binh lính không cần xin phép các chỉ huy và quan chức Việt Nam Cộng hoà, khi tấn công lực lượng đối phương. Nhưng các binh lính lại hiểu từ này thuần tuý theo nghĩa đen. Họ bắt đầu bắn vào dân thường. Hai người đàn ông mắt loà đi trong thung lũng bị dẫn tới một khúc quanh ở sông Vệ và bắn chết. 2 dân làng bị xử tử vì họ không ở trong ấp chiến lược.

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người! - Ảnh 4.

Ông Kiều Trắc đi trên cánh đồng.

Khi đến gần một ruộng lúa ngày 28/7, lính trung đội nổ súng vào 10 nông dân già đang làm ruộng. 4 người chết, những người khác bị thương. Hình ảnh các thi thể rải rác trên cánh đồng lúa xanh in sâu trong trí óc binh lính Mãnh Hổ và dân làng Vạn Xuân. Kiều Trắc, giờ đã 72 tuổi, nhớ lại cảnh cha mình ngã xuống ruộng lúa. Sau đó, ông chờ hàng giờ mới dám bò ra ruộng trong bóng tối để lật từng thi thể, tìm xác cha.

4 binh lính về sau kể lại vụ tấn công này: “Chúng tôi biết là họ không có vũ khí, nhưng vẫn bắn họ”. Carpenter, một người đi tuần hôm đó, nói rằng ông không hề nổ súng. Nhưng ông không dám bày tỏ ý kiến. Trong đơn vị đã hình thành nếp hành xử khuyến khích bắn thường dân, những người lãnh đạo đưa ra luật giữ im lặng. 4 cựu binh cho biết họ không dám báo cáo về các tội ác. Ken Kerney, một cựu trung sĩ, kể lại: “Các chỉ huy nói với tôi Chuyện gì diễn ra ở đây sẽ ở lại đây. Anh không được nói với ai. Nếu chúng tôi mà biết, anh sẽ không yên đâu. Họ không nói sẽ làm gì tôi, nhưng tôi biết".

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người! - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đạm.

Các dân làng đã đào rất nhiều mộ tập thể, sau khi các binh lính qua vùng thung lũng. Nguyễn Đạm, 66 tuổi, nhớ lại nỗi khủng khiếp, khi phải chôn cất hàng xóm và bạn bè, thi thể bị bỏ lại trên các cánh đồng. “Chúng tôi thậm chí không thể nuốt cơm vì cái mùi xông lên”, ông kể lại. "Có quá nhiều người chết, chúng tôi không thể chôn cất từng người, nên phải mai táng tất cả vào một mộ". Ít ngày sau những vụ tấn công, các máy bay Mỹ lượn qua thung lũng, thả hàng nghìn lít chất làm rụng lá để đảm bảo rằng không ai trồng được lúa trong cuộc chiến.

Đối với Mãnh Hổ, chiến dịch sông Vệ đã kết thúc. Ngày 8/10, các binh lính trung đội, sau khi được tăng viện và tiếp tế, lên xe tải chuyển đến một khu vực cách đó gần 50 km về phía bắc, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Ngày 11/9/1967, lục quân bắt đầu hoạt động mang tên Operation Wheeler, mở đầu một trong những chiến dịch đẫm máu nhất trong năm này. Người chỉ huy tiểu đoàn tiểu đoàn 1, lực lượng bộ binh 327 (bao gồm Mãnh Hổ và 3 đơn vị khác) là trung tá Gerald Morce, mới nhậm chức tháng trước. Viên sĩ quan 38 tuổi thường xuyên rà soát tình hình bằng trực thăng và duy trì liên lạc bằng bộ đàm với các đơn vị.

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, ông đã đổi tên 3 đại đội trong tiểu đoàn (hành động này bị các nhà điều tra chất vấn nhiều năm sau đó). Thay vì các đại đội A, B và C như trước, giờ đây họ được biết đến dưới những cái tên Assassins (Những kẻ ám sát), Barbarians (Những người man rợ) và Cutthroats (Cắt cổ). Còn Morse thì có mệnh danh là Người cưỡi ma. Dưới sự chỉ huy của ông này, Mãnh Hổ tăng cường hoạt động tuần tra ở các làng trong tỉnh.

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người! - Ảnh 6.

Căn cứ Chu Lai ngày nay.

Nhưng khác với thung lũng sông Vệ, nơi đây có một lực lượng chính quy là sư đoàn 2 của quân giải phóng. Trước ẩn nấp trong vùng núi, giờ đây họ đang tiến về phía Chu Lai, nơi đặt bản doanh của Mãnh Hổ và nhiều đơn vị khác. Đến đầu tháng 9, họ mở các cuộc phục kích. Trong vòng 18 ngày sau khi đến đây, 5 binh lính Mãnh Hổ đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương.

Trung đội - được chia thành các nhóm, mỗi nhóm 4 – 6 người, bắt đầu tấn công các làng. “Lúc này ai cũng đều khát máu, và nói Ta sẽ bắt bọn chúng phải trả giá”, cựu lính cứu thương Rion Causey kể lại với Toledo Blade. Chính ông đã chứng kiến cảnh đồng đội của mình trút giận lên các dân thường không mang vũ khí, chỉ vì họ không rời bỏ nhà cửa của mình. “Tôi chưa bao giờ thấy một cái gì tương tự như thế. Chúng tôi cứ tới và giết hết dân chúng. Đó là một việc diễn ra hàng ngày”, Causey, 55 tuổi, hiện là kỹ sư nghiên cứu hạt nhân ở California kể lại. Trong một số trường hợp, lục quân thả truyền đơn, kêu gọi dân chúng tới các ấp chiến lược. Nếu họ không đi, họ sẽ bị giết. Để che đậy các vụ giết người này, các chỉ huy trung đội bắt đầu đếm thi thể dân thường bị chết thay cho xác binh lính của đối phương. Ví dụ, theo số liệu được lục quân ghi lại trong 10 ngày tính từ 11/11: Các thành viên trung đội khẳng định giết tổng cộng 49 “lính Việt Cộng”, nhưng có tới 46 người không mang vũ khí. “Chúng tôi báo cáo qua bộ đài với cấp trên: Có 7 lính Việt Cộng chạy ra khỏi lều, bị bắn và giết chết. Thực ra họ đâu có chạy. Chúng tôi cũng chả biết họ có phải là Việt Cộng hay không”, Causey kể lại. Trung sĩ James Barnett từng tỏ ý băn khoăn là lính Mãnh Hổ đang giết những người không mang vũ khí: “Hawkins bảo tôi đừng lo. Thế nào rồi kiếm được vũ khí thôi”.

Trong chiến dịch này, các binh lính đã phạm vào những tội ác tàn bạo nhất. Ví dụ: Một bé gái 13 tuổi bị cắt cổ sau khi bị cưỡng hiếp, và một người mẹ trẻ bị bắn chết sau khi các binh lính đốt nhà của cô. Một thiếu niên không mang vũ khí bị bắn vào lưng, sau khi thành viên trong trung đội ra lệnh cho cậu đi khỏi làng và một em bé sơ sinh bị cắt đầu, để một binh lính có thể tháo chiếc vòng cổ của em.

Đối với các dân làng thì đã thành lệ: vào hầm nấp. Khi binh lính Mãnh Hổ tới gần một ngôi làng cách Tam Kỳ chừng 30 km về phía tây, dân làng, như mọi khi, chạy tìm chỗ trốn. Các binh lính vẫn còn nhớ cảnh phụ nữ và trẻ em bò vào các lỗ hầm. Không ai biết trong hầm có bao nhiêu người. Không bỏ sức thuyết phục những người ở dưới hầm, các binh lính tháo chốt lựu đạn và ném qua các lỗ. Khi dựng trại ở gần đó, họ có thể nghe thấy tiếng người kêu khóc bên dưới suốt đêm. Về sau, dân làng tới chuyển đi các thi thể. Vũ khí không được tìm thấy, cũng không có bằng chứng những người trong hầm là mối đe doạ đối với binh lính Mỹ.

Tới gần cuối chiến dịch Operation Wheeler, một mệnh lệnh được truyền qua bộ đàm: "Chúng ta cần đạt con số người chết là 327”. Số 327 có ý nghĩa đăc biệt vì số hiệu lực lượng bộ binh là 327. Mục tiêu này đã đạt được: Mãnh Hổ thông báo giết đến người thứ 327 vào ngày 19/11. Có 3 cựu binh khẳng định nhân vật ra lệnh này chính là Người cưỡi ma tức trung tá Morse, nhưng bản thân ông Morse (về hưu năm 1979), trong cuộc phỏng vấn mới đây, phủ nhận đã đưa ra một mệnh lệnh như vậy: “Thật vô lý... Tôi chẳng bao giờ làm một chuyện như thế”.

Trung đội "Mãnh hổ" Mỹ và cuộc thảm sát Quảng Ngãi (Kỳ 2): Cách sống là giết người! - Ảnh 7.

Trung sĩ William Doyle (phải) nhận huân chương ở Phan Rang tháng 11/1967. Ông này thừa nhận đã giết các dân thường Việt Nam.

Không ai biết có bao nhiêu dân thường đã bị Mãnh Hổ giết từ tháng 5 đến tháng 11/1967. Theo lời cựu lính cứu thương Rion Causey, có tháng trung đội này giết đến 120 người.

Lục quân đã có bằng chứng về 20 tội ác chiến tranh đối với 18 lính Mãnh Hổ, trong đó bao gồm:

- 2 ông già bị giết trong một ngôi làng gần Tam Kỳ. Một người bị cắt cổ, một, khi đó đã bị thương, bị lính cứu thương Barry Bowman bắn chết. Bowman giải thích rằng đó là “cái chết nhân đạo”

- Một ông già bị binh nhì Colligan giết gần Chu Lai, khi các binh lính muốn thử khẩu súng cỡ nòng 9 mm trên một mục tiêu sống.

- Nhiều dân làng bị các thành viên Mãnh Hổ bắn chết trong một làng ở Chu Lai, khi họ vẫy truyền đơn, ra hiệu với binh lính xin được chuyển tới ấp chiến lược. Nhưng khi nghe lực lượng đối phương nổ súng từ một hướng khác, các binh lính bắn tất cả mọi người.

Đến cuối tháng 11, chiến dịch đã kết thúc. Trong một bài báo đăng trên tờ Stars and Stripes của lục quân, Sam Ybarra được khen ngợi vì đã giết người thứ 1.000 trong chiến dịch Operation Wheeler. Tại một buổi lễ ở căn cứ Phan Rang ngày 27/11/1967, nhiều binh lính trong trung đội được trao huân chương. Tới đầu năm 1968, cục diện cuộc chiến bắt đầu thay đổi. Mãnh Hổ được cử đi giữ một căn cứ gần Campuchia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem