Phiên tòa ngày 20.9 kết thúc đã khẳng định Tập đoàn Trung Nguyên sai sót trong văn bản bãi nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo ban hành từ năm 2015.
Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày tòa chính thức khôi phục chức danh bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên, tập đoàn Trung Nguyên cho biết đã ban hành quyết định 06/2018 của Tổng Giám đốc, về việc “Bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo” .
Thêm 1 lần bãi nhiệm
Trong thông cáo báo chí dài 8 trang, Trung Nguyên sau khi trình bày về triết lý của tập đoàn, cách vận hành và câu chuyện kiện tụng thời gian qua đã thông báo việc bãi nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, vào ngày 21.9.
Quyết định được đưa ra một ngày sau khi Tòa án Nhân dân cấp cao TP.HCM phán quyết khôi phục chức vụ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đây không phải lần đầu tập đoàn Trung Nguyên có động thái đi ngược lại quyết định của tòa án liên quan đến vị trí quản lý của vợ "vua cafe Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ.
Thông cáo viết: "Mục đích của bà Thảo là chiếm trọn Tập đoàn Trung Nguyên nên bà Thảo muốn ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt buộc phải là người tâm thần, người mất năng lực hành vi dân sự. Luôn có một kế hoạch bài bản cho lộ trình thực hiện dã tâm của bà Thảo”.
Tập đoàn Trung Nguyên tiếp tục bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Cũng sau chưa đầy 1 ngày sau thông báo bãi nhiệm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định bà chính thức được khôi phục lại chức Phó tổng giám đốc thường trực tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên).
Bà Thảo cho biết sẽ lập tức trở về Trung Nguyên để tiếp tục điều hành, quản lý. Bà cũng đã chuẩn bị các chiến lược phát triển cho Trung Nguyên.
"Sau khi tôi được khôi phục chức vụ thì nếu các cá nhân, nhóm người nào cản trở quyền hợp pháp tôi tại Trung Nguyên nghĩa là không chấp nhận bản án. Khi đó tôi có quyền đề nghị xử lý hình sự các đối tượng này theo quy định của pháp luật hiện hành", bà Thảo nhấn mạnh.
Bà Diệp Thảo đề nghị xử hình sự người 'cản đường' về Trung Nguyên
Ngày 20.9, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện "Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên) cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Kết thúc phiên toà, HĐXX hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Ông Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty.
Tuy nhiên, vợ "vua cafe Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn chưa thể về lại Trung Nguyên. Trên trang facebook cá nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo giải thích tại sao nhóm thao túng Trung Nguyên dám làm vậy và vẫn ngoan cố ngăn cản bà trở về?
"Vì họ muốn tôi lại phải khiếu kiện, trong thời gian đó tôi không thể điều hành được công ty và họ tiếp tục thao túng. Nhờ đó, họ dựng ra hình ảnh tôi là người phụ nữ thường xuyên kiện chồng. Tôi nhắc lại: đây không phải là cuộc chiến vợ chồng. Đây là việc tôi buộc phải làm với nhóm thao túng để bảo vệ gia đình mình.
Vì kể từ khi đẩy tôi đi xa, Trung Nguyên liên tục thực hiện những chương trình tiêu tiền nhanh chóng như mua bán siêu xe, hành trình tặng sách 5 tỷ USD, truyền thông riêng với một vài đối tác đặc biệt... Thông qua các khoản chi cho truyền thông, nhóm thao túng cả bên trong lẫn bên ngoài nhanh chóng rút ruột Trung Nguyên, kể cả dùng các chiêu trò bẩn", bà Thảo viết.
Dứt tình vì mâu thuẫn kinh doanh
Còn trong thông cáo của tập đoàn Trung Nguyên nêu rõ lý do mà Trung Nguyên liên tiếp phải tìm cách bãi nhiệm bà Thảo. “Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng giám đốc” của Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận thấy sự cần thiết mang tính bắt buộc phải tái định vị tổ chức, đặc biệt phải tái thiết kế tổ chức mạnh mẽ để Trung Nguyên không còn sự ách tắc trong khâu điều hành. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo ở vị trí Phó tổng giám đốc thường trực đã không đủ nền tảng hiểu biết về Sách lược Tâm, chỉ tư duy ở tầm mức kinh doanh buôn bán cà phê thông thường và thoát ly mô hình quản trị gia đình nhỏ lẻ, sớm đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn toàn cầu, hội tụ và hợp tác với các nguồn lực số 1 của thế giới”
Mâu thuẫn quan điểm kinh doanh không thể giải quyết được, gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành hoạt động của tập đoàn cũng là lý do cho việc bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Thảo vào tháng 4.2015.
Với cách lập luận này có thể thấy, Trung Nguyên vướng phải những mâu thuẫn gay gắt về quan điểm và triết lý kinh doanh của cặp vợ chồng "vua cafe Việt" Lê Hoàng Diệp Thảo và Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng có nhiều phát ngôn "trái chiều"
Trung Nguyên cũng “tố” bà Thảo chỉ chủ trương kinh doanh theo tư duy “con buôn”, kiếm lợi nhuận ngắn hạn và Trung Nguyên không thể lớn mạnh hơn nếu bà Thảo tiếp tục quản lý.
Trong nhiều năm giữ vai trò Phó Tổng Thường trực, theo Trung Nguyên, bà Thảo đã có nhiều hành động khiến Trung Nguyên rạn nứt từ bên trong, không tập trung vào việc kinh doanh.
Đây là lần thứ 2 trong khoảng thời gian ngắn Trung Nguyên “phản pháo” chính thức về những lùm xùm trong vụ việc với bà Thảo. Trước đó là ông Vũ trực tiếp xuất hiện trong câu chuyện ly hôn và chia tài sản, còn bây giờ là câu chuyện về quyền điều hành của Trung Nguyên.
Trung Nguyên cũng lên án về việc bà Thảo nhiều lần yêu cầu thẩm định sức khỏe về việc ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự hay nhiều lần làm ngưng trệ việc kinh doanh như vụ án con dấu ở các công ty thành viên.
Văn bản này cũng lần đầu tiên Trung Nguyên công bố lợi nhuận chính thức của mình, được kiểm toán bởi KPMG Việt Nam. Theo đó, lợi nhuận năm 2017 đạt 682 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2016. Lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên giảm dần đều từ năm 2014, năm bắt đầu những cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Trung Nguyên.
Bình luận về tranh chấp của vợ chồng "vua cafe Việt", ông Nguyễn Văn Phong, CEO start-up Atadi, cho rằng Trung Nguyên sẽ đi xuống trở thành "cái xác không hồn" chính vì thế, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nên "buông bỏ" Trung Nguyên để gây dựng thương hiệu mới.
Ông Nguyễn Văn Phong, CEO start-up Atadi
Ông Phong cho rằng, bà Thảo nên tỉnh táo để buông bỏ Trung Nguyên. Bởi lẽ, thương hiệu không phải là vật chất, không phải là nhà xưởng, mà nó là một cái hiệu người tiêu dùng biết đến, yêu quý và tin dùng. Nếu cứ bám lấy thương hiệu đã đi xuống để đến khi thương hiệu đó chỉ còn là “cái xác không hồn” thì bà Thảo cũng sẽ trắng tay.
Với kinh nghiệm của bà Thảo, nếu biết tận dụng cơ hội này thì sẽ rất nhanh, chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm, bà Thảo sẽ gây dựng được đế chế cafe của mình và lúc đó rất có thể Trung Nguyên sẽ biến mất. Tuy chỉ là người đứng sau và thường rất kín tiếng với truyền thông nhưng bà Thảo là người phụ nữ tài giỏi và bản lĩnh. Trung Nguyên thành công như hiện nay mang nhiều dấu ấn của người phụ nữ này.
“Tôi cho rằng đây là hướng đi tốt trong lúc này. Bà Thảo nên tỉnh táo, chọn buông bỏ để tạo nên cái mới… Một khi thương hiệu Trung Nguyên đã không còn thì bà Thảo có thể đưa ông Vũ quay về”, ông Phong nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.