Giao nhận hàng "không tiếp xúc" tại Lạng Sơn: Năng suất cao
Trung Quốc áp dụng giao nhận hàng "không tiếp xúc" tại cửa khẩu Lạng Sơn: Sẽ hết ùn ứ nông sản?
Gia Tưởng
Thứ năm, ngày 03/03/2022 16:32 PM (GMT+7)
Việc áp dụng phương thức giao nhận hàng "không tiếp xúc" tại cửa khẩu Lạng Sơn sẽ góp phần "giảm nhiệt" tình trạng ùn ứ nông sản, hạn chế cơ hội phát sinh tiêu cực tại khu vực cửa khẩu như trong thời gian qua.
Từ ngày 1/3, hai bên Việt Nam - Trung Quốc thống nhất thí điểm giao nhận hàng hóa "không tiếp xúc".
Theo đó, lái xe chuyên trách lái xe hàng xuất của Việt Nam (bao gồm đầu kéo và đầu sơ mi rơ moóc) vào 2 bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120.
Bãi chờ xuất (bên phải tuyến đường) để cắt container, bãi chờ nhập (bên trái tuyến đường) để thực hiện cẩu container.
Công nhân Việt Nam thực hiện cắt, cẩu container để lại tại 2 bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển toàn bộ đầu kéo rời khỏi bãi, lực lượng y tế Việt Nam tiến hành khử khuẩn (chỉ có công nhân vận hành cần cẩu ở lại, các công nhân này mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và được niêm phong buồng lái).
Phía Trung Quốc bố trí một số lượt xe tương ứng (đầu kéo hoặc sơ mi rơ moóc) đi theo đường chuyên dụng hàng hóa vào 2 bãi chờ xuất này.
Nhân viên Trung Quốc sẽ thực hiện toàn bộ quy trình nối container, cẩu container lên phương tiện của Trung Quốc, trừ công nhân Việt Nam vẫn vận hành cần cẩu.
Sau khi hoàn thành, lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120.
Khi hoàn thành việc giao hàng xong, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện đi theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116 - 1117, trả container rỗng tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.
Ngoài ra, sau khi trả xong container rỗng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển đầu kéo vào 2 bãi xe quy định để nhận container hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường cũ (tức xe không của Trung Quốc đều đi về theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116 - 1117).
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 2/3, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.350, trong đó xe chở hoa quả tươi, chiếm gần 70% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu.
Lạng Sơn tiếp thu mọi ý kiến xây dựng từ doanh nghiệp
UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành nhằm tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý ngay những phát sinh khi áp dụng phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu mới.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai ngay các giải pháp nâng cao hiệu suất thông quan; giảm thiểu thời gian thao tác khi thực hiện cắt container; tăng cường giám sát hoạt động của đội lái xe chuyên trách tại các cửa khẩu và bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, mục tiêu quan trọng, duy nhất của tỉnh Lạng Sơn thời điểm này là nâng cao năng lực thông quan, nhanh chóng giải phóng hàng hóa đang tồn đọng tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, đây đều là những phương án thử nghiệm của cả 2 bên với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thông quan.
Do mới thử nghiệm nên sẽ có trục trặc phát sinh một vài ngày đầu, theo nhận định, có thể trong thời gian tới khi vận hành thuần thục hơn.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, liên quan đến những đơn kiến nghị phản ánh Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên độc quyền dịch vụ cung cấp đầu kéo, Lạng Sơn đã yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phải làm rõ, khẩn trương xem xét để trả lời người dân.
Nếu phía nước bạn bắt buộc thực hiện như thế, Ban Quản lý phải tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp hiểu và nắm rõ. Còn nếu phía nước bạn không bắt buộc thì xem xét, nghiên cứu để có cách thức nào khác tiến hành thuận lợi và đảm bảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ hội phát sinh tiêu cực ở khu vực cửa khẩu.
Việc thay đổi, thích ứng linh hoạt các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu khó tránh khỏi phát sinh những vướng mắc.
Trên thực tế, lợi dụng thời điểm Lạng Sơn vừa thí điểm triển khai nền tảng "cửa khẩu số", một số đối tượng đã cố tình thực hiện khai báo sai để gây nhiễu loạn hệ thống. Sau đó, chính những đối tượng này đã kích động, lôi kéo những người khác gây áp lực với cơ quan chức năng.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cam kết lắng nghe và giải quyết có tình, có lý những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Dù vậy, điều kiện tiên quyết là sự minh bạch trong quy trình, thủ tục; sự vào cuộc quyết liệt và công tâm của cơ quan chức năng nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi trục lợi trên khó khăn của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên cho biết: "Thực hiện phương thức giao hàng hóa trên là do phía Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam thực hiện để phòng chống Covid-19".
Cũng theo ông Nguyễn Quang Tuấn, khi thí điểm phương thức giao nhận mới, công ty đã chuẩn bị 100 xe đầu kéo, với mức thu phí 3,6 triệu đồng/xe hàng.
Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ, đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá trước kia và đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đồng ý.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Tuấn khẳng định sẵn sàng đối thoại cùng các doanh nghiệp bạn hàng để cùng nhau xây dựng cửa khẩu minh bạch và phát triển, góp phần giảm tình trạng ùn ứ nông sản như hiện nay.
"Trong 2 ngày vừa qua, cửa khẩu Tân Thanh đã xuất khẩu được 60 xe nông sản, phấn đấu trong những ngày tới con số xuất khẩu xe nông sản sẽ đạt mức 150- 200 xe mỗi ngày", ông Nguyễn Quang Tuấn cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.