Mỹ, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, loại nông sản này của Việt Nam thu 4,12 tỷ USD
Mỹ, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, loại thủy sản này của Việt Nam thu 4,12 tỷ USD, doanh nghiệp vẫn than khó
Khánh Nguyên
Chủ nhật, ngày 01/08/2021 12:32 PM (GMT+7)
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, tuy nhiên, những khó khăn mới xuất hiện khi dịch đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Mỹ, Nhật Bản mua nhiều, xuất khẩu thủy sản hồi phục về trước mức đại dịch
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 849 triệu USD, tăng 7,42% so với tháng 5/2021 và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,12 tỷ USD, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019
Như vậy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi về trước mức đại dịch Covid-19. Tháng 6/2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, Thái Lan, Úc, Ca-na-đa, Đức, Nga, Ý… tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Anh giảm.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 666,81 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thị trường Nhật Bản đứng thứ 2, với kim ngạch đạt 552,12 triệu USD, chiếm 16,9%, tăng 0,8%; tiếp sau đó là thị trường EU đạt 368,99 triệu USD, chiếm 11,3%, tăng 16,5%; Trung Quốc đạt 348,32 triệu USD, chiếm 10,6%.
Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc cũng đang tăng tốc mua thủy sản của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, nửa đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 714.080 tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc, đạt 72,93 nghìn tấn, trị giá 367,97 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu nhập tôm, cá tra của thế giới tăng, doanh nghiệp vẫn như ngồi trên lửa
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong thời gian tới tình hình tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam sẽ khả quan trong bối cảnh các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh và sự cộng hưởng của các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực theo thời gian.
Hiện, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch Covid-19.
Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA.
Trong khi đó, dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam quý III năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt do nhu cầu thế giới tăng và nguồn cung cá tra của Việt Nam ổn định.
Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang lo lắng là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam đang khiến việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ" và quá trình thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp khó khăn.
Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản với công suất 100.000 tấn thủy sản/năm, giải quyết 55% lượng thủy sản của tỉnh.
"Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, chỉ có 12/30 doanh nghiệp thuy sản của tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ", 18 doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động; 12 doanh nghiệp còn hoạt động cũng phải cắt giảm 50% công nhân" - ông Toàn nêu một thực tế.
Cũng theo ông Toàn, các doanh nghiệp thủy sản ở Kiên Giang đang gặp khó khăn trong việc thu mua nông sản khi "chúng ta tập trung gỡ khó lưu thông ở quốc lộ thì lại xuất hiện khó khăn ở trạm nội đồng, liên xã. Nếu không giải quyết kịp thời".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang) cho biết, công ty đang áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do chi phi tăng, tâm lý công nhân hoang mang. Ông Lập kiến nghị, sớm cho các công nhân trong các nhà máy chế biến nông sản tiếp cận vaccine để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang), đơn vị đang làm rất hiệu quả sản xuất "3 tại chỗ" cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, thu hoạch, cá tra của nông dân bị quá lứa sẽ khó bán, nông dân thiệt hại nặng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.