Trung Quốc chưa đồng ý mở cửa cho thịt lợn của Việt Nam (ảnh T.X)
Cảnh báo rủi ro khi giao dịch với Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của Báo Dân Việt trước những khó khăn như hiện nay của ngành chăn nuôi nhất là giá lợn hơi đã tụt sâu xuống dưới 20.000đ/kg, Bộ Công Thương đã có những giải pháp như thế nào trong công tác bình ổn giá cả, về cân đối cung cầu đối với những mặt hàng này trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Thịt lợn là mặt hàng quan trọng trong nhóm mặt hàng thực phẩm. Do vậy, Bộ Công Thương luôn theo sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường mặt hàng này nhằm đưa ra những khuyến nghị, giải pháp kịp thời khi thị trường có dấu hiệu bất ổn.
Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, nhận thấy việc xuất khẩu lợn sống sang Trung Quốc đem lại nhiều lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và thương lái nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất ổn cho việc sản xuất và thị trường mặt hàng thịt lợn tại thị trường nội địa. Bộ Công Thương đã có nhiều kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Ủy ban nhân dân các địa phương, làm việc với Bộ NNPTNT về việc bảo đảm phát triển ngành chăn nuôi (thịt lợn) sát với nhu cầu thực tế trong nước, tránh tái đàn ồ ạt, hạn chế tăng nuôi lợn mỡ theo nhu cầu thị trường trong nước, đồng thời cảnh báo đến hộ chăn nuôi, thương nhân để tránh rủi ro có thể xảy ra khi giao dịch với Trung Quốc.
Bộ Công Thương cũng cho biết, trước tình hình giá thịt lợn hơi giảm sâu, trong khi giá lợn bán lẻ thành phẩm trong nước không giảm tương đương: Bộ Công Thương cũng đã chủ động liên hệ, làm việc và chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn thời gian qua, phối hợp hỗ trợ đầu ra và hướng xử lý thời gian tới.
Cũng theo Bộ Công Thương, để tìm hiểu nguyên nhân giá thịt lợn tại hệ thống phân phối của các siêu thị đang chênh lệch rất lớn so với giá lợn hơi thu mua từ các hộ, trang trại, đồng thời nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn hỏa tốc số 3383/BCT-TTTN ngày 20. 4. 2017gửi hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị đề nghị báo cáo nhanh nội dung nêu trên, và Công văn số 3484/BCT-TTTN ngày 21.4.2017 gửi doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn đề nghị tăng cường thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông sản phẩm thịt lợn, kết nối tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung.
Chưa xuất khẩu được lợn chính ngạch
Đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công Thương, hiện nay đa phần các mặt hàng nông sản phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong đó xuất khẩu gạo, lợn… chủ yếu là hình thức tiểu ngạch. Bộ Công Thương có những giải pháp gì trong việc đàm phán với nước bạn nhằm đưa các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, giúp sản xuất nông nghiệp có đầu ra ổn định.
Bộ Công Thương cho biết, do Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch lở mồm, long móng nên phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam (ảnh IT)
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến nay, Bộ này đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu theo hình thức chính ngạch sang Trung Quốc đối với nhiều mặt hàng nông thủy sản như hoa quả (gồm 8 loại: thanh long, nhãn, dưa hấu, vải thiều, chuối, chôm chôm, xoài, mít), thủy sản (cá tra và cá ba sa, tôm…), sắn và sản phẩm sắn, gạo…
Ngoài những mặt hàng nêu trên, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Bộ NNPTNT làm việc, đàm phán với phía Trung Quốc để mở cửa thị trường chính thức đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ lớn, trong đó bao gồm sữa và các sản phẩm sữa, bưởi da xanh, na, roi, chanh leo, măng cụt, thịt lợn…
Kể từ năm 2013, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức nhiều đoàn công tác từ cấp Lãnh đạo Bộ tới cấp Vụ/Cục chuyên môn sang Trung Quốc để đàm phán với các Bộ, ngành liên quan phía Trung Quốc (Tổng Cục giám sát chất lượng và kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại) nhằm đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho các mặt hàng trên, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Nội dung này cũng được Bộ Công Thương đề xuất và được đưa vào trao đổi trực tiếp, cụ thể tại các cuộc gặp giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt – Trung thời gian qua.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, do Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch lở mồm, long móng nên phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý mở cửa thị trường chính thức với thịt lợn nhập khẩu từ Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.