Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa

Linh Quyên (Chinadaily, Zhangjiajietourguide) Thứ hai, ngày 15/02/2021 06:37 AM (GMT+7)
Tục lệ cô dâu khóc lóc trước và trong lễ cưới tuy không còn phổ biến như thời xưa, nhưng vẫn tồn tại khá nhiều ở tỉnh Tứ Xuyên. Đặc biệt các cô dâu Thổ Gia nếu không khóc… sẽ bị trách móc và chê cười.
Bình luận 0
Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 1.

Cô dâu Thổ Gia phải khóc trong hôn lễ. (Ảnh: nation.com.pk)

Các cô gái Thổ Gia học cách khóc trước khi lấy chồng

Tục lệ "khóc hôn" được cho là bắt nguồn từ thời Chiến Quốc (từ năm 475 đến 221 trước Công nguyên). Theo sử sách ghi lại, thời đó Công chúa nước Triệu được gả cho nước Diêm để làm Hoàng hậu. Xót thương con gái bị gả chồng xa, trước ngày Công chúa lên đường, Hoàng hậu mẹ Công chúa đã tới khóc lóc bên con và bày tỏ hy vọng sớm được đón con trở về thăm mẹ.

Thổ Gia là dân tộc đông dân thứ 6 trong 56 dân tộc của Trung Quốc. Người Thổ Gia sinh sống trên dãy núi Vũ Lăng ở giữa 4 tỉnh thành: Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu và Trùng Khánh.

Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 2.

Các cô dâu tương lai có thể "khóc hôn" theo những cách khác nhau. Đôi khi mẹ khóc, con khóc làm cha cũng khóc theo.

Tại khu vực phía tây tỉnh Tứ Xuyên, tục lệ khóc hôn được gọi là "Zuo Tang" (Ngồi trong đại sảnh). Thông thường, cô dâu tương lai bắt đầu khóc lóc từ trước ngày cưới 1 tháng.

Mỗi khi màn đêm buông xuống, cô phải ra ngồi ngoài sảnh để khóc trong khoảng 1 giờ. 10 ngày sau mẹ cô dâu đến khóc cùng con gái, 10 ngày sau nữa bà ngoại cũng khóc chung. Các dì và chị gái của cô dâu nếu có, cũng phải đến khóc cùng.

Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 3.

Trách móc, thậm chí nguyền rủa bà mối cũng là nghi thức không thể thiếu theo tục lệ "khóc hôn".

Cũng có nơi "khóc hôn" được thực hiện theo hình thức "hát khóc 10 chị em". Đó là trước ngày cưới, bố mẹ cô dâu sẽ mời 9 cô gái chưa chồng trong xóm, làng về nhà mình để họ cùng ngồi "hát khóc" suốt đêm với cô dâu tương lai.

Sau khi 9 cô bạn gái ngồi xung quanh 1 chiếc bàn, cô dâu khóc 10 lần (gọi là "đặt") và cứ mỗi lần khóc thì đầu bếp lại bước vào đặt 1 món ăn lên bàn. Tới khi trên bàn có đủ 10 món ăn thì 9 cô gái kia bắt đầu thay nhau khóc. Tới khi cô thứ 9 khóc xong, cô dâu lại khóc 10 lần nữa (gọi là Thu thập) trong khi đầu bếp lần lượt thu lại 10 đĩa thức ăn. Lúc đó nghi thức "hát khóc 10 chị em" kết thúc.

Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 4.

Bà khóc tiễn cháu.

Cô dâu trình diễn "bài ca khóc hôn" hay sẽ được đánh giá cao

Người Thổ Gia ở thị trấn Trương Gia Giới (phía tây bắc tỉnh Hồ Nam) cũng duy trì tục lệ khóc lóc trong đám cưới. Cô dâu nào cũng phải khóc trong hôn lễ của mình, nếu không sẽ bị làng xóm coi là kém đức hạnh và cười chê.

Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 5.

Mẹ khóc tiễn con gái.

Thông thường các cô dâu tương lai học cách khóc từ mẹ hoặc những người phụ nữ khác từ khoảng hơn 1 tháng trước khi cưới.

Các cô dâu có thể khóc theo những cách khác nhau, vừa khóc vừa than vãn kể lể có vần, có điệu như hát. Vì vậy cách khóc này được gọi là "bài ca khóc hôn", với những lời lẽ có phần cường điệu sự việc lên để làm tăng kịch tính trước hôn lễ. Người Thổ Gia quan niệm rằng khóc "giả vờ" trong đám cưới là để khơi nguồn cho dòng chảy hạnh phúc lứa đôi sau này.

Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 6.

Bạn bè khóc cùng cô dâu.

Người Thổ Gia đánh giá sự thông minh và đức hạnh của cô gái qua việc cô ta có thể hát "bài ca khóc hôn" hay như thế nào.

Trên thực tế trong các cuộc hôn nhân sắp đặt thời xưa có nhiều cô dâu khóc thật sự vì bị ép gả chồng không theo ý muốn, nên vừa đau buồn vừa lo lắng cho cuộc sống tương lai bởi quy định "tam tòng, tứ đức" rất nghiêm khắc.

Trung Quốc: Cô dâu Thổ Gia “khóc hôn” cả tháng mới được lên xe hoa - Ảnh 7.

Cô dâu khóc hôn, bịn rịn chia tay cha mẹ và người thân trước khi lên xe hoa.

Có lẽ cũng bởi vậy mà cảnh trách móc hoặc thậm chí nguyền rủa bà mối cũng vẫn được duy trì chủ yếu ở vùng nông thôn, như một nghi thức không thể thiếu của tục lệ "khóc hôn" và được coi là phần kịch tính nhất trước khi cô dâu bước lên xe hoa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem