Trung Quốc cung cấp nhiều nhất một loại vật tư nông nghiệp quan trọng cho Việt Nam
Trung Quốc cung cấp nhiều nhất một loại vật tư nông nghiệp quan trọng cho Việt Nam
K.Nguyên
Chủ nhật, ngày 14/08/2022 13:00 PM (GMT+7)
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 47% tổng lượng và chiếm 40,7% tổng kim ngạch, đạt 838.158 tấn, tương đương 344,74 triệu USD.
Theo bản tin của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giá phân bón thế giới đã hạ nhiệt từ tháng 5 trở lại đây mặc dù vẫn ở mức cao so với mặt bằng của những năm trước. Giá ure tại Bắc Mỹ đã giảm hơn 33% từ đỉnh, hiện đang giao dịch dưới 600 USD/tấn.
Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên đảo chiều giảm, làm giảm áp lực lên giá phân bón. Lượng phân bón tồn kho trên thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ, đang tăng mạnh khi nông dân hạn chế mua vì giá quá cao cũng là yếu tố cho thấy giá phân bón nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách cấm hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, các chính sách sẽ hết hiệu lực từ năm 2023, khi đó nguồn cung phân bón trên thế giới sẽ được gia tăng đáng kể.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dù giá phân bón thế giới hạ nhiệt nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng quá cao. So với thời điểm này năm ngoái, giá một số loại nguyên liệu đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Tính đến nay, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ là 25,2 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4 triệu tấn/năm.
Nhập khẩu phân bón tăng 49%, Trung Quốc cung cấp nhiều nhất
Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón nửa đầu tháng 7/2022 đạt 74.081 tấn, trị giá 30,455 triệu USD.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/7 nhập khẩu phân bón các loại đạt 1.851.232 tấn và 874,644 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước tăng 49,42% về lượng và tăng 19,17% về kim ngạch. 6,5 tháng đầu năm lượng phân bón nhập khẩu cao hơn xuất khẩu gần 808 ngàn tấn.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 47% tổng lượng và chiếm 40,7% tổng kim ngạch, đạt 838.158 tấn, tương đương 344,74 triệu USD, giá trung bình 411,3 USD/tấn, giảm 19,3% về lượng, nhưng tăng 22,7% về kim ngạch và tăng 52% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 8,4% tổng lượng và chiếm 11,5% tổng kim ngạch, với 149.365 tấn, tương đương 97,28 triệu USD, giá trung bình 651,3 USD/tấn, giảm 23% về lượng, nhưng tăng 56,3% về kim ngạch và tăng 103,3% về giá so với 6 tháng đầu năm 2021.
Dự báo giá phân bón có thể tiếp tục giảm tới cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023 trước khi hình thành mặt bằng giá mới. Bên cạnh đó, tồn kho phân bón thế giới đang tăng mạnh cũng là dấu hiệu cho thấy giá phân bón sẽ còn tiếp tục giảm thời gian tới.
Theo bản tin của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc áp thuế xuất khẩu để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước với những loại phân bón đã dư cung chưa phải là giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt giá phân bón, thậm chí còn khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước doanh nghiệp nước ngoài bởi phân bón cùng chủng loại nhập khẩu về Việt Nam không bị đánh thuế nhập khẩu nhưng phân bón xuất khẩu từ Việt Nam sẽ bị áp 5%.
Với giá phân bón tăng cao trong khi giá nông sản không tăng tương ứng nên nông dân bỏ ruộng hoặc giảm bón phân nên nhu cầu giảm 30 - 40% so với bình thường.
Để giảm giá thành sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều phải tối đa hóa công suất. Vì vậy, việc áp thuế xuất khẩu để giữ lại lượng phân bón trong bối cảnh thị trường trong nước dư cung sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cần linh hoạt triển khai xuất khẩu trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng phân bón tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.