Trước đó cũng có tin cho hay, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 6 lần thử nghiệm đối với một loại đầu đạn chao lượn cơ động lắp cho tên lửa đạn đạo, trong đó có 5 lần thử nghiệm thành công. Giới chuyên gia gọi loại đầu đạn chao lượn siêu thanh này là Đông Phong-ZF.
Theo bài báo, đầu đạn chao lượn siêu thanh là một loại đầu đạn có tính cơ động, có thể bắn trúng các mục tiêu di động cỡ nhỏ trên không và mặt đất. Lúc đầu, Trung Quốc nghiên cứu phát triển Đông Phong-ZF là do muốn hoàn thiện một phiên bản của tên lửa đạn đạo Đông Phong-21 có thể tấn công các tàu chiến di chuyển trên biển.
Đông Phong-21 là một loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, trọng lượng 15 tấn, dài 10,7 m, đường kính 1,4 m. Căn cứ vào sự khác nhau về kiểu loại và trọng lượng đầu đạn, tầm bắn của nó từ 1.700 đến 3.000 km.
Nếu sử dụng đầu đạn Đông Phong-ZF, tầm bắn của tên lửa Đông Phong-21 sẽ có thể tăng thêm 50%. Sử dụng cho các tên lửa đạn đạo cỡ lớn hơn như Đông Phong-31 hoặc Đông Phong-41, tầm bắn tối đa có thể lên đến khoảng 12.000 km.
Tên lửa Đông Phong-21D của Trung Quốc.
Tên lửa Đông Phong-21D là một loại tên lửa được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Nếu nó lắp đầu đạn Đông Phong-ZF thì sẽ càng khó bị tên lửa đánh chặn tiêu diệt, đồng thời có thể dùng để tấn công vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp.
Ngay từ năm 2008, có tin cho biết, người Trung Quốc đã tiến hành sao chép công nghệ đầu dẫn của đầu đạn cơ động lắp ở tên lửa đạn đạo Pershing Mỹ - tên lửa này được nghiên cứu chế tạo vào thập niên 70 của thế kỷ 20. Loại tên lửa nặng 7,5 tấm này có tầm bắn 1.800 km, có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân tấn công khu vực cách điểm ngắm chuẩn trong phạm vi chỉ 30 m.
Trước năm 2013, không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống tên lửa Đông Phong-21D sử dụng một loại đầu đạn cơ động để tiến hành thử nghiệm.
Sau đó, có hình ảnh vệ tinh cho thấy, ở sa mạc Gobi có một hình vuông màu trắng dài 200 m, bên trong có 2 hố bom lớn. Điều này xem ra giống như là một "mục tiêu" sử dụng cho tên lửa Đông Phong-21D, hai đầu đạn thử nghiệm hầu như đã bắn trúng mục tiêu.
Sau đó, vào năm 2014, một phiên bản bay chao lượn có tính cơ động mạnh hơn của loại đầu đạn "sát thủ tàu sân bay" này đã xuất hiện, đó là đầu đạn chao lượn siêu thanh Đông Phong-ZF.
Nga và Mỹ cũng đã tiến hành nghiên cứu phát triển loại công nghệ này, nhưng hai nước này đều không tiến hành triển khai như Trung Quốc. Đức là quốc gia triển khai công tác nghiên cứu trong lĩnh vực này sớm nhất. Sau đó, Mỹ và Liên Xô tiến hành nhiều nghiên cứu hơn công nghệ này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng không hề có bất cứ hoạt động triển khai nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.